My sốt ruột nhìn dòng người ngồn ngộn qua lại trước cổng, bất cứ bóng người đi bộ nào lướt qua, cô cũng nhìn theo, mong thấy hình dáng quen của mẹ.
Mẹ My mặc đồ bộ, loại có hoa văn tối màu. Đó là những bộ đồ vải thun mà My mua cho mẹ ở chợ, mẹ ưng mặc vì vải nhẹ và thoải mái. Thành ra, trang phục của mẹ chỉ là những bộ đồ cùng màu. Khi rời khỏi nhà, mẹ cũng mặc một trong số những bộ đồ ấy.
Giấc trưa, My trở về nhà đã không thấy mẹ đâu. Con chó Mina đón My ở cánh cổng còn khép hờ, ánh mắt rũ buồn của nó như chất chứa bao điều muốn nói cùng My. Hẳn nó đã biết chuyện gì đó.
My chạy vội ra đường, gặp ai cũng hỏi “có thấy mẹ con không?”. Đến hơn chục người mới gặp được một bác lớn tuổi đang tỉa lá cho chậu bonsai trước hiên nhà, bác nói có thấy mẹ My đi ngang lúc sáng, nhưng cũng không nhớ là khoảng mấy giờ.
Anh Hai trở về rất nhanh sau cuộc gọi với thanh âm run lên như khóc của My. Anh xuống xe, nới rộng cà vạt xem chừng muốn thít vào cổ, cho dễ thở. Trưa, bóng nắng thẳng đứng trên tàng cây.
Hai anh em ăn qua loa phần cơm hộp anh Hai mới mua về. Thịt ba rọi ram, đậu que xào, canh bầu. Những hạt cơm khô rời ra, hai anh em nhai nhệu nhạo mãi chẳng nuốt được.
Anh Hai buông đũa, nói với My: “Giờ anh em chia nhau đi tìm các ngả đường, vô từng hẻm, đến các bệnh viện… không thấy nữa thì lên báo công an phường”. My rớm nước mắt gật đầu đồng ý theo cách của anh Hai.
Anh Hai khoác áo, xỏ đôi dép bệt để sẵn ở thềm nhà cho nhanh rồi rời đi giữa cái nắng như đổ lửa. Chợt nhớ ra điều gì, anh quay lại nói với My: “Em gọi điện báo cho thằng Ba, thằng Tư nữa”. My nói mà như âm thanh dội ra, rất lớn: “Em không báo”.
Anh Hai nhăn mặt: “Đến nước này mà em còn ở đó giận hờn hay sao? Báo để tụi nó biết, lỡ có chuyện gì cũng không trách mình, với lại, cùng nhau tìm kiếm mẹ cho nhanh”. “Anh gọi đi. Em không gọi” - My vẫn dứt khoát.
My đã xóa hẳn số điện thoại hai anh từ sau lần mẹ nhập viện. Khi ấy, trên giường bệnh, lúc có mặt cả bốn anh em, mẹ có nói đến chuyện di chúc. Mẹ bảo: “Tài sản của mẹ chẳng có gì ngoài căn nhà đang ở để lại cho mấy anh em. Mẹ phải nói ra, vì mẹ không muốn có chuyện xích mích không đáng sau này. Ấy là bởi vì đã có những chuyện tương tự không hay như thế trên phim ảnh, báo đài, chứ mẹ biết anh em các con thương nhau không hết…”.
Khi ấy, anh Tư đột nhiên ngắt ngang lời mẹ, hỏi: “Vậy mẹ định chia đều phải không?”. Mẹ hơi khựng lại khi nhìn nét mặt anh Tư. Bà hướng ánh nhìn về phía My, hình như mẹ đã có sắp xếp trước cả rồi, bà nói rất lưu loát: “Căn nhà được chia ra năm phần, bốn anh em con và một phần của mẹ. Phần của mẹ, mẹ để cho con gái út. Em con đi làm được bao nhiêu chỉ lo chi tiêu cho mẹ và gia đình, nó chẳng dành dụm gì được cho bản thân nên mẹ muốn…”.
Anh Ba cắt ngang, giãy nảy: “Vậy đâu có được. Con gái theo chồng, đâu có chuyện được chia phần còn nhiều hơn con trai như vậy”. Nhưng mẹ không nói gì nữa, lặng lẽ khép mắt ra dấu hiệu muốn nghỉ ngơi. Anh Hai đẩy anh Ba, anh Tư ra khỏi phòng bệnh.
Lời qua tiếng lại cuối cùng đến tai My, rằng My dùng lời lẽ ngon ngọt để được mẹ chia phần nhiều hơn. Nặng nề hơn, họ còn nói My biết tận dụng cơ hội, bỏ chút công sức ra chăm mẹ nhưng có tính toán cả chứ chẳng tốt đẹp gì. My giận, xóa hẳn số anh Ba, anh Tư từ ấy.
*
* *
Hôm mẹ được bệnh viện cho về, ở khoảng không nhìn lên bầu trời, mẹ thấy một màu xanh ngắt báo hiệu những ngày trời nắng to. Anh Hai xách hết túi to, túi nhỏ, để My đi tay không cùng với mẹ.
My ở hẳn bệnh viện suốt thời gian mẹ nằm viện. Chăm bệnh nhân, người khỏe mạnh mấy cũng đuối sức bởi chẳng thể ngủ đủ giấc ở không gian luôn nhộn nhạo ấy. Anh Hai biết My rất mệt.
Lần này bệnh viện cho mẹ về, người già mà, cái việc được xuất viện không mang màu sắc tích cực như khi còn trẻ. Ở độ tuổi mà cơ thể mẹ không còn đủ sức cho những ca mổ, bác sĩ hội ý người nhà và quyết định cho bà về.
Về nhà, sống thêm ngày nào hay ngày đó, ít ra còn tránh được những cơn đau đớn thể xác trong cuộc giành giật sự sống với những may rủi không biết trước.
Mẹ về nhà, trong căn nhà gắn bó gần trọn cuộc đời, mẹ thấy dễ chịu hơn hẳn. Mẹ thích chiếc giường của mình, nơi có thể nhìn ra gốc ngọc lan và bầu trời đầy mây mỗi trưa hè.
Ở góc nhìn đó, mẹ hình dung ra dáng bố ngồi uống trà, đọc báo giấy. Bố có thói quen đọc báo giấy từ hồi còn trẻ, cho đến khi bố mất. Giờ My vẫn đặt báo giấy để mỗi số họ gửi đến nhà.
Có những ngày trời mưa, người giao báo nhét vội vào thùng thư, mưa ướt hết tờ báo. Tạnh mưa, mẹ tỉ mẩn đem hong từng trang báo, đợi khô hẳn rồi dùng ghim bấm lại, nhẩn nha ngồi đọc.
Mỗi sáng, My dậy chuẩn bị bữa sáng và sơ chế món ăn để bữa trưa về làm cho nhanh. Trước khi rời khỏi nhà, My hay nói với mẹ: “Mẹ cần gì, muốn gì thì nói với con nha!”. Mẹ gật đầu.
Kỳ thực, ở nhà yên tĩnh, mát mẻ, mẹ có cảm giác ăn uống khá hơn trong bệnh viện. Mỗi sáng, mẹ bước từng bước chậm ra trước hiên đón nắng sớm, làn da của mẹ cũng bớt nhợt nhạt hơn.
Một tối, mẹ nói với My: “Trải chiếu ra cho ba anh con về có chỗ ngủ”. My hốt hoảng hỏi mẹ thấy trong người sao? Hồi lâu sau mẹ mới nói: “Ừ, mẹ quên, tụi nó có vợ hết rồi mà”. My biết, mẹ dần bị chứng lẫn ở người già. Với cả, mấy tháng nay anh Ba, anh Tư không ghé thăm mẹ, sau vụ di chúc ở bệnh viện.
Mẹ buồn. Trong căn nhà bé xíu chỉ ngoài ba mươi mét vuông này đã dung dưỡng biết bao ký ức tươi đẹp của tuổi thơ anh em My. Vào mùa mưa, muỗi sinh sôi, mẹ cẩn thận giăng mùng cho các con vào ngủ cùng.
Mẹ kể, hồi mẹ sinh, ông bà nói giữ lại cuống rốn chôn trong vườn cùng để anh em có sự gắn kết, yêu thương nhau. Mẹ làm theo lời, cẩn thận chôn dưới gốc cây ngọc lan trước nhà.
Có phải cuộc sống cơ cực đã khiến tính tình người ta khác đi? Mẹ giận thì ít mà buồn thì nhiều. Mẹ đã chẳng thể cho con cái có một cơ ngơi tốt hơn, để chúng không phải vất vả trong hành trình cuộc sống vốn dĩ nhiều áp lực và không ít nỗi muộn phiền này.
*
* *
Gần bốn giờ, ráng chiều phả ra màu đỏ ối nơi đường chân trời. My thất thểu về, đã thấy anh Hai mặt mũi bơ phờ, có lẽ cũng vừa về tới. Trong nhà, anh Tư đang nghe điện thoại.
Anh đăng thông tin mẹ mất tích lên mạng xã hội, có ai đó gọi báo với anh Tư thấy có người giống mẹ lắm, mà ở trên xe buýt. Ở bên ngoài, anh Ba nghe vậy, xỏ dép phóng xe ra trạm xe buýt gần nhà.
Chỉ một lát sau, anh em My có mặt ở trạm xe buýt. Từng chuyến xe trả khách rồi rước khách, chạy đi. Vẫn không thấy bóng dáng mẹ đâu. Mà mẹ làm gì trên xe buýt? Anh Ba nhớ đâu ra cái chi tiết ngày xưa ba với mẹ quen nhau trên xe buýt. Lẽ nào như vậy, mẹ nhớ ba. Cả bốn anh em vừa ngóng trông từng chuyến xe, vừa đưa ra những giả định để tin rằng, mẹ vẫn bình yên trên xe, rồi mẹ sẽ trở về. Chuyến sau cùng có lẽ là hơn bảy giờ.
Gần sáu giờ. Anh Tư đi bộ qua mé công viên, mua về bốn trái chuối nướng nước cốt dừa. Món ăn vặt mà ngày trước mỗi lần đi làm về, mẹ hay ghé mua cho các con. Trời tối hẳn. Đèn đường rực rỡ nhưng cản trở tầm nhìn hơn. Cứ mỗi chiếc xe dợm dừng, My lại dấy lên tia hy vọng: mẹ sẽ bước xuống từ cửa xe buýt.
Và rồi, giờ phút ấy đến thật. Cả bốn anh em nhổm dậy rất nhanh khi nhìn thấy bước chân của mẹ từ bộ đồ hoa li ti tối màu quen thuộc. Trong ánh đèn nhiều màu, mẹ ngỡ ngàng nhìn từng khuôn mặt quen thuộc.
Mẹ nói, mẹ nhớ cái thời đi xe buýt với ba tụi bây quá, nên đi dạo ra trạm xe buýt. Bác tài tưởng mẹ đi, dừng hẳn xe lại một lúc. Vẫn không thấy mẹ lên. Bác tài nói anh lơ xe xuống dìu mẹ lên. Anh lơ xe làm theo. Thế là mẹ đi đến cuối trạm xe buýt.
Từ trạm đầu cách trạm cuối vài chục ki lô mét. Anh lơ xe khi nãy ân cần dìu mẹ xuống xe, chu đáo hỏi: “Có người nhà ra đón bà hay sao? Hoặc là bà muốn đi đâu để con gọi xe giúp?”. Mẹ chỉ mỉm cười hiền lành, mấy cọng tóc bạc phất phơ bay theo gió nơi miền đất xa lạ. Đến giờ phải đi, anh lơ xe dẫn mẹ vào quán cơm gần đó, rồi đi.
Trưa trờ trưa trật, những người khách cuối cùng ở quán cơm đã rời đi, mẹ vẫn ngồi lại. Chị chủ quán thấy lạ, chạy ra gọi anh lơ xe. Thật may, anh lơ xe đã nghe được câu chuyện của đồng nghiệp kể, về bà cụ đi xe buýt lúc trưa. Anh hiểu ra, dìu mẹ lên xe trở lại, chở về điểm đón.
Buổi tối. Cơm nước xong xuôi, mẹ nhìn từng đứa, đưa tay đếm, vẫn đủ bốn đứa. Mẹ nói My: “Trải chiếu, giăng mùng cho ba anh con ngủ”. Anh Hai nhìn sang anh Tư, anh Ba, họ cùng gật đầu.
Nửa đêm, trong căn nhà nhỏ, mẹ nghe tiếng ngáy đều của mấy đứa con trai. Mẹ mỉm cười hạnh phúc. Đêm ấy, mẹ ngước nhìn lên nền trời. Lạ chưa, đêm tối đen mà mẹ vẫn thấy những ánh mây thênh thang bay.