Theo chân người Cơ Tu giữ rừng

Ghi chép của HỮU PHÚC 02/01/2018 09:49

Cánh rừng nguyên sinh bao bọc vùng đồi núi thấp, như “bức tường xanh” phủ lên nền đất đỏ bazan ở miền núi Đông Giang. Đại ngàn quanh khu vực rừng phòng hộ Sông Kôn đã được trả lại sự bình yên nhờ đồng bào Cơ Tu tập hợp cộng đồng dân cư bảo vệ rừng và hỗ trợ hiệu quả của công nghệ máy móc.

Chụp ảnh chung ngay bìa rừng trước khi triển khai tuần tra. Ảnh: HỮU PHÚC
Chụp ảnh chung ngay bìa rừng trước khi triển khai tuần tra. Ảnh: HỮU PHÚC

“Dốc Kiền, Trung Mang, Ca Nhông (Đông Giang) … những cái tên một thời khét tiếng về nạn phá sơn lâm. Nhưng bây giờ đã trả lại sự yên ắng. Không phải vì hết gỗ quý mà cốt yếu là nhờ đã xây dựng được lực lượng bảo vệ rừng trong lòng dân”. Lời quả quyết này là của ông Hồ Văn Minh - Hạt trưởng, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn, người có hàng chục năm bám trụ ở miền sơn cước này. Sau hàng loạt cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng vào vòng lao lý trong vụ án phá rừng ở vùng giáp ranh huyện Đông Giang với huyện Hòa Vang (TP.Đà Nẵng), hai năm nay lâm phận thuộc địa bàn Ban quản lý Rừng phòng hộ Sông Kôn không tái diễn “điểm nóng” xâm hại tài nguyên rừng.

Trên đường tuần tra

Từ Trạm bảo vệ rừng số 1 thuộc Ban quản lý Rừng phòng hộ Sông Kôn, nhóm 12 hộ nhận khoán bảo vệ rừng do ông Nguyễn Văn Lương (thôn Láy, xã Tư) làm nhóm trưởng tiến sâu vào gần sát khu vực giữ rừng của mình. Dừng lại ở dốc Bà Nuôi (thôn Láy) nhóm bắt đầu hội ý, một thành viên đem chiếc iPad hiệu Lenovo ra chụp lại điểm xuất phát, kiểm tra quân số, chia nhiệm vụ. Trên chặng đường tuần tra, nếu phát hiện rừng bị tàn phá, máy tính bảng sẽ ghi lại hình ảnh. Ông Lương bảo, mùa mưa này nhóm đi rừng thưa hơn nhưng cũng ít nhất 2 lần mỗi tháng. “Có địa điểm giáp ranh với khu vực rừng Bà Nà phía Đà Nẵng tuần tra phải mất 2 ngày mới hết. Nhóm quản lý, bảo vệ 239ha rừng, bình quân mỗi hộ được chi trả dưới 3 triệu đồng/năm. Hai năm nay, diện tích này không bị xâm hại, hay có cây gỗ nào bị đốn hạ” - ông Lương cho hay. Một nhóm khác hơn 10 hộ, do ông Trần Mạnh làm nhóm trưởng cũng được nhận khoán bảo vệ gần 280ha rừng ở thôn Láy. Tất cả vị trí, ranh giới đều được cắm mốc, treo bảng phân công cho nhóm trưởng trên cây nên cứ thế mà tuần tra, kết hợp với khai thác mây, lâm sản phụ trong rừng để thêm thu nhập. Theo ông Mạnh, hai năm nay, từ khi được chi trả tiền công chăm sóc, bảo vệ, quân số nhóm hộ bảo vệ rừng luôn đảm bảo. Trừ trường hợp đau ốm đột xuất, có lý do đặc biệt mới xin nghỉ; còn lại đồng bào Cơ Tu đều thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ, giờ giấc vào rừng. Đặc biệt, vì được bàn giao thực địa cụ thể nên người dân có ý thức trách nhiệm với khu rừng do mình quản lý, bảo vệ.

Triển khai dịch vụ chi trả môi trường rừng theo Nghị định 99 của Chính phủ, năm 2017 Quảng Nam đã giao 18.510ha cho 9 xã thuộc 2 huyện Đại Lộc và Nam Giang quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó, giao khoán cho 170 nhóm hộ với diện tích hơn 14.500ha; còn lại diện tích do Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn tự quản. Ông Phan Văn Sen - cán bộ kỹ thuật kế hoạch của Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn khẳng định, tuy mới thí điểm nhưng đồng bào Cơ Tu đã tiếp cận nhanh, sử dụng thành thạo máy tính bảng để thu thập dữ liệu tuần tra, giám sát, quản lý bảo vệ rừng, cung ứng dịch vụ môi trường rừng. “Nếu có nguồn ngân sách hỗ trợ thêm thiết bị máy tính bảng hoặc điện thoại Smartphone cho đồng bào trong tuần tra bảo vệ rừng, thì chắc chắn các vụ phá rừng sẽ được phát hiện kịp thời và chặn đứng ngay từ đầu nhờ qua ảnh vệ tinh, hạn chế được tình trạng phá rừng quy mô lớn, diễn ra trong thời gian dài” - ông Sen đề xuất.

Theo chân đồng bào Cơ Tu, vượt qua con suối, chúng tôi len lách dưới khoảnh rừng nguyên sinh rậm rạp. Không có nhiều cây cổ thụ nhưng ở thôn Láy rất đa dạng hệ sinh thái rừng với vô số loại cây có đường kính dưới 50cm. Các loại cây leo bụi rậm được phát sạch thông thoáng, ánh mặt trời dễ dàng xuyên qua nên cây sinh trưởng, phát triển nhanh. Hầu hết người Cơ Tu đi tuần tra rừng đều kết hợp với tìm kiếm mây rừng, khai thác thêm một số cây dược liệu dưới tán rừng để cải thiện đời sống.

Trong số thành viên nhóm bảo vệ rừng cũng có nhiều “bóng hồng” Cơ Tu như Đinh Thị Tiểu Hồng, Nguyễn Thị Hiền… Cũng là nhóm trưởng của tổ bảo vệ rừng, mắt Hồng lúc nào cũng dán vào chiếc máy tính bảng, góc ảnh lia qua lia lại ở nhiều vị trí mà các thành viên đặt chân đến thuộc ranh giới rừng giao khoán cho nhóm hộ. Phát hiện một cây rừng đổ ngã, Hồng liền lấy máy chụp lại. Vị trí này bằng mắt thường không ai xác định được tọa độ, khoảnh, tiểu khu cụ thể, nhưng từ hình ảnh này, khi đưa vào máy chủ quản lý sẽ hiển thị tất cả dữ liệu thông tin cần thiết.

Giữ rừng bằng công nghệ

Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng số 1 thuộc địa bàn xã Tư - ông Trương Cara Den cho hay, đơn vị quản lý 29 nhóm hộ với 5 thôn tại xã Tư. Bình quân mỗi nhóm có 12 hộ tham gia bảo vệ rừng. Tất cả ngày giờ xuất phát hay kết thúc ngày tuần tra đều được Trạm quản lý bảo vệ rừng số 1 giám sát, theo dõi. “Máy tính bảng được giao cho nhóm hộ sẽ cập nhật, truyền dữ liệu cơ sở tuần tra về máy chủ nên chủ rừng theo dõi rất chặt chẽ. Nhờ công nghệ này, người Cơ Tu giảm bớt thời gian đi rừng nhưng công việc vẫn hiệu quả hơn trước rất nhiều” - ông Trương Cara Den nói.  Khi nhóm hộ bảo vệ rừng của Đinh Văn Vê trên đường tuần tra về, phát hiện có một bẫy thú rừng đặt lơ lửng, lập tức các thành viên đến tháo dỡ, phá ngay. Vê lấy chiếc máy tính bảng ghi lại hình ảnh này. Các nhóm hộ sau khi tuần tra rừng sẽ để máy tính bảng tại các Trạm quản lý bảo vệ rừng. Sau đó các trạm trưởng sẽ truyền hình ảnh, dữ liệu về cho chủ rừng là Ban quản lý Rừng phòng hộ Sông Kôn kiểm tra. Dữ liệu này hoàn toàn công khai, nhìn vào hình ảnh vệ tinh là biết được khu vực nào còn nguyên vẹn hay bị phá.

Nhóm bảo vệ rừng của ông Đinh Văn Vê (thôn Láy, xã Tư) sử dụng máy tính bảng ghi hình một trường hợp phát cây trái phép trong rừng vào ngày 12.12.2017. Ảnh: HỮU PHÚC
Nhóm bảo vệ rừng của ông Đinh Văn Vê (thôn Láy, xã Tư) sử dụng máy tính bảng ghi hình một trường hợp phát cây trái phép trong rừng vào ngày 12.12.2017. Ảnh: HỮU PHÚC

Ông Phan Quang Tĩnh - cán bộ Quỹ Bảo vệ, phát triển rừng tỉnh thông tin, thông qua Quỹ quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên, WWF Việt Nam, từ tháng 3.2017 Quảng Nam và Thừa Thiên Huế là 2 địa phương được thí điểm hỗ trợ giữ rừng bằng công nghệ vệ tinh. Phần mềm là khung giám sát, sử dụng công cụ máy tính bảng để thu thập dữ liệu bảo vệ rừng. Qua công nghệ, chủ rừng sẽ giám sát quá trình tuần tra giữ rừng của nhóm hộ; xác nhận diện tích khu vực, tọa độ vệ tinh lẫn vị trí rừng bị xâm hại. “Lực lượng kiểm lâm, người dân sẽ không thể đi tuần tra hết dải rừng rộng hàng nghìn héc ta trong một ngày. Thậm chí nếu phát hiện vụ xâm hại nào trong rừng thì cũng làm dấu, có khi bị lạc đường nữa, trong khi nhờ công nghệ vệ tinh hỗ trợ, chỉ cần đưa hình ảnh về máy chủ là xác định chính xác tọa độ, vị trí, tiểu khu bị phá rừng” - ông Tĩnh phân tích. Còn ông Hồ Văn Minh - Hạt trưởng, Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ Sông Kôn cho rằng, thời gian qua nhờ xử lý hình sự nghiêm khắc các đối tượng phá rừng, đồng thời lực lượng nhận giao khoán bảo vệ rừng được hỗ trợ của công nghệ máy móc hiện đại, nên hơn một năm qua rừng yên ổn. “Nghe nói có “con mắt” giám sát rừng rộng lớn của ảnh vệ tinh nên lâm tặc sợ” - ông Minh hóm hỉnh nói.

Ghi chép của HỮU PHÚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Theo chân người Cơ Tu giữ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO