Theo chân những người giữ rừng, lần đầu tiên tôi ở lại với rừng. Việc này nằm ngoài dự kiến, song, những tình cờ đôi khi lại là những trải nghiệm thú vị…
1. Từ trung tâm huyện Tây Giang, phải mất vài chục cây số đường rừng quanh co - có đoạn chừng như sợi chỉ - mới có thể đến các xã vùng biên giới. Xã Ch’Ơm, nơi của những vườn cây dược liệu, sâm Ngọc Linh di thực là điểm chúng tôi muốn đến. Tôi và một đồng nghiệp nữ thay vì phải đèo nhau bằng xe máy đường trường thì may mắn được Ban Quản lý rừng phòng hộ bắc sông Bung - một trong những đơn vị triển khai dự án cắm mốc ranh giới lâm phận - cho đi nhờ xe. Lần đầu tiên đến biên giới, lại đúng vào mùa mưa, gian nan bội phần, chúng tôi cũng chưa ai lường hết được. Để rồi, tôi có cơ hội được trải nghiệm, thấu hiểu nỗi vất vả của lực lượng bám rừng và tận mắt chứng kiến sự gian nan của những người cắm mốc lâm phận vùng biên.
Gian nan đưa quân lên dựng cột mốc lâm phận lên vùng cao. Ảnh: H.LIÊN |
Những ngày này, Ban Quản lý rừng phòng hộ bắc sông Bung đã hoàn tất công việc tại 2 xã Lăng và A Xan, 3 xã còn lại gồm Ga Ry, Ch’Ơm, Tr’Hy đang được khẩn trương cắm mốc cho kịp tiến độ, bởi không thể chờ đợi thêm nữa. Nếu không kịp thì biết khi nào mới có nguồn để triển khai phân loại rừng, giúp cho công tác quản lý, bảo vệ rừng tốt hơn. Việc cắm mốc, phân lộ giới rừng bắc sông Bung sẽ giúp người dân vùng cao ý thức hơn, không chặt phá rừng phòng hộ, rừng đặc dụng bừa bãi. Sau đợt cắm mốc này, công tác điều tra các loài cây nằm trong quần thể Cây di sản pơmu tại hai xã A Xan, Tr’Hy cũng như kiểm kê số lượng, thành phần loài đối với rừng lim, rừng đỗ quyên cũng sẽ được xúc tiến. Khối lượng công việc còn rất lớn, với gần 230 cột mốc cho các xã. Song, đã nhiều đợt hành quân bất thành bởi xe chở quân, chở trụ mốc không đường tiến, phải quay trở lại, hay phải đổ mốc nằm lại bìa rừng chờ khi nắng lên, đường thông. Rồi lương thực nuôi quân, rồi nhân công, tất tần tật, khó khăn vô vàn. Cái loại đất đỏ, lầy, trơn trượt khiến gian nan càng dày, chưa kể sạt lở, những khối đất đá khổng lồ từ trên vách cao chực ào xuống, phải chờ thông tuyến...
Chín giờ sáng, tại A Xan, đã có hàng chục chiếc xe nằm lại giữa đường. Nhiều chiếc xe chở lương thực, hàng hóa lên vùng cao “án binh bất động” bởi sa vào vũng lầy. Xe chở quân, cột mốc và xe của Hạt Kiểm lâm bắc sông Bung mất 2 giờ đồng hồ hì hục, đánh vật với những vũng lầy, những khúc cua ngoằn ngoèo, dốc trượt, mà chỉ cần non tay lái thì sự thể khó lường. Âm thanh của động cơ gầm thét, đất bùn bắn tung tóe, trên chiếc xe đặc dụng, một lãnh đạo, một nhân viên thay nhau cầm vô lăng để băng qua những đoạn “tử thần”. Mãi tới gần trưa mà vẫn không cách gì vượt qua A Xan để tới Ch’Ơm, cuối cùng đoàn phải quay trở lại trạm chốt chặn A Xan cách đó cả giờ đồng hồ vượt rừng. Như thể hiểu nỗi sốt ruột của chúng tôi, ông Đinh Văn Hồng - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ, kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm bắc sông Bung trấn an: “Ở đây là vậy, mấy hôm trước còn đi được nhưng chỉ cần trận mưa to là trở nên thế này. Nhưng chỉ nắng ráo một hai ngày thì có thể đi được thôi. Bọn anh đã cố gắng hết sức để đưa quân lên, vừa tạo điều kiện cho các em lên đó, rồi chiều nay quân sẽ chuyển hướng qua Ga Ry”.
Từ trạm chốt chặn A Xan (thuộc Hạt Kiểm lâm bắc sông Bung), chúng tôi dành buổi chiều băng rừng bằng xe máy khám phá A Xan. Chúng tôi ghé thăm Trường Phổ thông dân tộc bán trú - THCS Lý Tự Trọng, đi vào những bản làng để tìm hiểu cuộc sống đồng bào. Tất nhiên, chúng tôi cũng đến mỗi nơi trong bộ dạng xe cộ dính bùn đất, mặt mày, áo quần bị bùn bắn tung tóe, giày sũng bùn dù đã ghé một con suối gội rửa kỹ. Nỗi vất vả của chúng tôi là nỗi khổ thường ngày mà trẻ em và người dân vùng cao đối diện. Nhìn cảnh một cặp vợ chồng lỉnh kỉnh đồ đạc, chồng gồng mình đẩy xe qua vũng lầy, vợ ôm chặt đứa con bé xíu trên tay lội qua đoạn hiểm, tôi thắt dạ. Bỗng mơ một ngày vùng cao A Xan, Ch’Ơm được phủ nhựa đường, phủ điện thắp sáng, để tiếng học bài ê a vào mỗi buổi tối vọng lên từ những ngôi nhà…
2. Đêm, ở lại với rừng. Trạm chốt chặn A Xan thường chỉ có 5 anh em kiểm lâm thay phiên nhau trực, canh giữ rừng. Song, đêm nay, lán trại trở nên đông đúc khi có thêm ban lãnh đạo của Hạt Kiểm lâm bắc sông Bung và số quân từ Ga Ry rút về bởi tắc đường. Lãnh đạo hạt cùng các anh em kỹ thuật viên suốt cả buổi ngồi bàn tính công việc ngày mai, về tọa độ, vị trí đặt cột mốc trên từng cánh rừng già. Hai chúng tôi và một cô bé thực tập xắn tay phụ các anh nấu bữa cơm chiều. Chiều nay, ngoài mớ rau rừng các anh hái bên đường, lại có thêm mớ thịt kho, trứng, cả cá khô. Để chúng tôi không ngại, lãnh đạo hạt rôm rả, khuấy động không khí, ai nấy ăn uống ngon lành, thay phiên dọn dẹp rồi quây quần trò chuyện dưới đèn. Cái lạnh bắt đầu ùa về, mỗi lúc càng rét thêm. Những chiếc võng dù dã chiến được bung ra. Riêng ba cô gái chúng tôi được ưu ái một lều dã chiến tránh rét. Lần đầu tiên chúng tôi ngủ lại với rừng. Những người kiểm lâm giữ rừng vốn quen với lối sống, sinh hoạt và những cuộc hành quân chớp nhoáng, nên rất nguyên tắc. 3 - 4 giờ sáng, khi gà rừng cất tiếng gáy te te phía xa xa, bên ngoài trời còn một màu đen sẫm, các anh đã thức giấc. Ai nấy lập tức sắp xếp tư trang gọn gàng, chuẩn bị tập kết cả quân số, cả cột mốc về Tr’Hy. Xe chạy mãi cho tới khi trời sáng hẳn, để lộ những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, mây trắng dệt thảm lụa bồng bềnh, huyền ảo. Những cội cây già, dáng trầm ngâm, toát lên vẻ đẹp huyền bí, tĩnh mịch. Không ngạc nhiên khi Tây Giang được ví như một Sa Pa hay “Đà Lạt thứ 2” ở xứ Quảng. Trong màn sương huyền ảo đó, tôi nghe thấy một tiếng gọi mơ hồ, giữa đại ngàn Trường Sơn…
3. Ông Đinh Văn Hồng nói về những cánh rừng nguyên sinh pơmu, rừng lim, rừng đỗ quyên, một “đặc hữu” của Tây Giang. Giọng ông rắn rỏi, đầy tâm huyết, rằng lực lượng của ông sẽ giữ rừng bằng mọi giá. Song, cuộc chiến giữ rừng còn gian nan. Cả vùng Tây Giang rộng lớn này hiện chỉ có 2 tổ chốt chặn, một ở xã A Xan, có 5 cán bộ; một ở vùng giáp ranh giữa xã Zuôih và La Êê (Nam Giang) với 14 người bám rừng. “Vùng giáp ranh Zuôih và La Êê là vùng xa xôi, hẻo lánh, không có người ở, cũng là vùng trọng điểm vì lâm tặc hoạt động mạnh. Nếu không kiểm soát chặt, sơ hở tuyến này thì chẳng bao lâu rừng già sẽ chẳng còn” - ông Hồng chia sẻ. Với lực lượng giữ rừng, có lần theo bước chân họ, cùng ăn, cùng ở với họ mới thấy được những gian nan rình rập. Có khi để vào được đoạn rừng để bắt gỗ, chiếc jeep đặc dụng của ngành phải thay mấy bận lốp săm khi qua những lèn đá sắc nhọn. Anh em canh giữ rừng ở cơ sở còn gian nan bội phần. Những bữa cơm rừng ăn vội, trắng đêm phục kích lâm tặc, những đêm sống trong bóng tối... Cơ sở vật chất, lán trại còn tạm bợ, chỗ ăn ngủ, sinh hoạt còn tạm bợ, trang bị phương tiện còn thiếu…
Chúng tôi ghé một giờ đồng hồ ở Tr’Hy, cũng là thời điểm mà lãnh đạo hạt vào tận nơi kiểm tra quân số, trang thiết bị, lương thực của đoàn cắm mốc. Cuối cùng chúng tôi cũng theo xe của hạt để về trung tâm huyện tiếp tục hành trình dang dở. Chặng về, họ chỉ chúng tôi một khoảnh đồi nhỏ đang được san lấp mặt bằng để dựng thêm một tổ chốt chặn trên Trường Sơn này. Tây Giang có vốn quý là rừng, có những người tâm huyết bảo vệ rừng, tập quán đồng bào vùng cao gắn bó với rừng, coi rừng là máu thịt… Song, nỗi lo về dự án thủy điện mới mọc lên, sức “công phá” của thủy điện không chỉ khiến hàng trăm, mà cả hàng ngàn héc ta rừng đứng trước nguy cơ bị “chảy máu”. Liệu những cánh rừng nguyên sinh đẹp như tranh vẽ nơi miền tây xứ Quảng có tiếp tục được gìn giữ như báu vật? Câu hỏi thảng thốt từ phía thượng ngàn.
Ghi chép của HOÀNG LIÊN