Vụ hè thu 2014 đang đối mặt với nguy cơ hạn hán, những ngày qua các cán bộ thủy nông cơ sở túc trực ngày đêm để đảm bảo cung ứng đủ nước tưới cho sản xuất của nông dân. Tôi theo chân những thủy nông viên đang lặng thầm với công việc trong đêm của một ca trực.
Các thủy nông viên của Cụm thủy nông Tam Dân đang vớt rác dưới lòng kênh Phú NinhẢnh: ĐOÀN ĐẠO |
Lên đường...
Chúng tôi có mặt ở Cụm thủy nông Tam Dân (trực thuộc Chi nhánh Thủy lợi Tam Kỳ - Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam) đóng chân ở xã Tam Dân (Phú Ninh) lúc 18 giờ. Ba cán bộ, công nhân của ca trực đêm 18.5 đang ăn vội bữa cơm được chính anh em nấu tại cơ quan. “Mình phải tranh thủ ăn sớm hơn bà con để đi trực. Thường sau bữa ăn tối, các gia đình hay bỏ rác sinh hoạt xuống kênh lắm. Khoảng 19 giờ tối là anh em lên đường vớt rác ngay mới kịp, chứ không rác trôi kẹt vào các cống thì khó xử lý hơn nữa” - ông Trần Xuân Bàng, Cụm trưởng Cụm thủy nông Tam Dân chia sẻ kinh nghiệm.
Gần đến giờ xuất phát, các thành viên Nguyễn Xuân Thành, Nguyễn Thanh Phong đã chuẩn bị xong các dụng cụ hỗ trợ gồm cuốc, xẻng, rựa và đèn pin. Một cuộc giao ban nhanh chóng giữa các thành viên trong tổ trực về việc điều tiết nước tưới cuối kênh N6 – Bắc Phú Ninh ở xã Tam Đàn, rồi tất cả nhanh chóng lên đường. Dù điểm đến là xã Tam Đàn nhưng trên đường đi dọc theo tuyến kênh chính Phú Ninh, các thành viên ca trực vẫn đảo đèn pin xuống lòng kênh nhằm tìm kiếm những vật cản, rác cục bộ và xử lý nhanh. Gần 20 giờ, sau hơn nửa tiếng đồng hồ đi dọc 7km kênh chính Phú Ninh để gỡ bỏ rác, chúng tôi có mặt tại điểm trực. Lúc này, nông dân lấy nước đổ ải buổi tối ở các cánh đồng Vạn Long, Đàn Hạ cũng khá nhiều. Kiểm tra dọc 4km của kênh N6, các tổ viên thủy nông đã phát hiện nhiều cống nước bị người dân tự ý mở tự do. “Vì ai cũng muốn nước vào ruộng mình sớm nên họ cố tình mở cống nước” – thủy nông viên Nguyễn Xuân Thành vừa khóa lại cống nước bị người dân mở vừa trò chuyện với chúng tôi. Sau khi hoàn thành kiểm tra, đóng 12 cống nước dọc tuyến cuối kênh N6, chúng tôi gặp thêm nhiều trở ngại khi một số cống vừa được tổ trực đóng lại đã bị người dân tháo ra. Mướt mồ hôi chạy đi chạy lại suốt dọc kênh để giữ 12 cống nước nhưng chẳng thấy một thủy nông viên nào nề hà hay buông lời than phiền. “Quen rồi, buổi tối còn đỡ chứ hôm nào trực buổi trưa mà các anh chạy vài vòng như thế này là say nắng ngay” – anh Thành vừa cười nói, lấy tay quệt vội mồ hôi.
Đã có vài nông dân phản ứng với việc tổ trực đóng các cống nước dọc kênh làm cho mọi việc thêm chút ít căng thẳng. Dường như đã quá quen với các tình huống “nổi nóng” từ phía người dân, cụm trưởng Trần Xuân Bàng ôn tồn nói chuyện với họ, ông cặn kẽ giải thích việc phải đóng các cống nước dọc kênh nhằm ưu tiên cho các chân ruộng xa ở cuối tuyến kênh N6 và không quên khẳng định ruộng của các hộ dân này sẽ ăm ắp nước trước ngày sạ. Trước cách giải thích hợp lý của cụm trưởng Bàng, mọi việc đã ổn thỏa. Suốt từ hơn 20 giờ tối đến 23 giờ đêm là những lần kiên nhẫn đóng các cống nước và những câu giải thích với nhiều nhóm nông dân. Trở về trụ sở Cụm thủy nông Tam Dân khi đồng hồ đã điểm 0 giờ, các thành viên ca trực ăn vội gói mỳ tôm để tiếp tục trực chiến ngay tại trạm để xử lý các tình huống khi dưới cơ sở báo lên. Và ca trực của các anh sẽ tiếp tục đến sáng hôm sau.
Vòng quay thời gian
Nói chuyện nghề nghiệp, thủy nông viên Nguyễn Thanh Phong tâm sự: “Suốt 365 ngày trong năm chẳng bao giờ chúng tôi dám nghỉ. Mùa hạn thì đội nắng, đội gió lo việc điều tiết nước sao cho hợp lý để từng chân ruộng phải có nước sản xuất. Còn mưa thì không lo thiếu nước mà lo việc kiểm tra, bảo dưỡng kênh vì sợ mưa gió làm sạt lở, vỡ kênh là ngập ruộng gây hư hại hoa màu. Lúc kênh mương hỏng thì lạnh rét mấy cũng ngâm mình xuống nước để khắc phục” – anh Phong tâm sự. “Đi riết dưới nắng nên tôi khẳng định hễ ai làm thủy nông viên là da bị sạm đen, còn ai da trắng, sạch sẽ mà xưng thủy nông viên thì phải coi lại” - sau câu nói bông đùa xen vào của ông Bàng, anh em cười vang. Chắc hẳn là thế, vì khi mùa vụ kết thúc họ cũng chẳng được nghỉ ngơi bởi phải thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, duy tu hệ thống kênh mương và vào vụ mùa là phải tăng cường đi suốt ngày đêm với cường độ công việc cao, liên tục. “Nhiệm vụ chính của cụm thủy nông cơ sở là vận hành điều tiết nước tưới cho nông nghiệp. Đồng thời cụm cũng có nhiệm vụ duy tu bảo dưỡng thường xuyên công trình thủy lợi, kênh mương mà cụm phụ trách. Khó khăn nhất là cụm chỉ có 8 cán bộ, công nhân phải thực hiện các nhiệm vụ trên với 34km kênh mương. Bình quân mỗi cán bộ, công nhân thủy nông phải quản lý đoạn kênh dài 4 - 5km” – ông Bàng chia sẻ.
Theo ông Dương Tân – Giám đốc Chi nhánh Thủy lợi Tam Kỳ, hiện đơn vị có 4 cụm thủy nông gồm Nam Phú Ninh, Tam Dân, Trường Xuân, Thái Xuân đóng chân ở TP.Tam Kỳ, huyện Phú Ninh và Núi Thành với nhiệm vụ điều tiết nước sản xuất cho khoảng trên 4.000ha đất. Ông Tân cho biết, nhiều năm liền không có tình trạng thiếu nước tưới ở các diện tích tưới do Chi nhánh Thủy lợi Tam Kỳ quản lý là nhờ sự nỗ lực trong công việc của các cán bộ, thủy nông viên cơ sở. “Hàng tháng, đơn vị họp 2 lần với các cụm thủy nông về giao ban sản xuất, giao ban thủy nông cơ sở nhằm nắm bắt thông tin 2 chiều kịp thời để thực hiện tốt nhiệm vụ. Riêng trong vụ hè thu 2014 này, dưới sự chỉ đạo của Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam, từ ngày 15.5 chúng tôi đã mở nước cho bà con sản xuất. Đồng thời đơn vị và các cụm thủy nông đã lên lịch phân công tưới luân phiên ở từng hệ thống kênh một cách cụ thể. Bằng các biện pháp công trình và phi công trình, chúng tôi sẽ nỗ lực không để tình trạng thiếu nước xảy ra trên 4.100ha đất sản xuất do đơn vị quản lý tưới” - ông Tân nói.
ĐOÀN ĐẠO