Văn hóa

Theo dấu gốm sứ Việt ở nước ngoài

TRẦN ĐỨC ANH SƠN 03/02/2024 08:32

Đồ gốm sứ Việt Nam nói riêng, cổ vật Việt Nam nói chung “chảy” ra ngoại quốc theo nhiều con đường khác nhau, trong nhiều thời điểm khác nhau.

tnb-62060-06.jpg
Lọ gốm hoa lam thời Lê, trang trí đề tài long truy, thế kỷ 16 - 17. Bảo tàng Gốm sứ Kyushu.

Từ những năm đầu thế kỷ 20, nhiều nhà sưu tầm cổ vật người châu Âu đã sưu tầm và đưa về chính quốc rất nhiều món cổ vật Việt Nam, trong đó có gốm sứ.

Tiếp theo, những người lính viễn chinh quân đội Pháp, và sau đó là quân đội Hoa Kỳ cũng đã “nhặt nhạnh” nhiều cổ vật mang về nước, như là vật kỷ niệm một thời chinh chiến ở Việt Nam.

Sau năm 1954 và đặc biệt là sau năm 1975, nhiều người Việt Nam khi ra định cư ở nước ngoài đã mang theo nhiều cổ vật gia bảo để làm “của” nơi xứ người.

Thế rồi, vì một lý do nào đó, họ (hoặc thân nhân của họ) lại mang những món gia bảo ấy rao bán trong các cuộc đấu giá đồ cổ ở Paris, London, Frankfurt, Berlin...

tnb-62060-12.jpg
Lọ gốm hoa nâu thời Trần, thế kỷ 13. Bảo tàng Lịch sử và Nghệ thuật Hoàng gia Bỉ.

Là người nghiên cứu gốm sứ, nên mỗi khi có cơ hội tham quan bảo tàng ở nước ngoài, tôi đều dành thời gian tìm hiểu về các dòng gốm sứ, xuất xứ từ Việt Nam được trưng bày ở những bảo tàng này.

tnb-62060-08.jpg
Chân đèn gắn bát nhang thời Mạc, cuối thế kỷ 16. Bảo tàng Gốm sứ Kyushu.

Tại Nhật Bản

Hành trình theo dấu gốm sứ Việt Nam ở nước ngoài của tôi bắt đầu từ năm 1997, khi tôi đi xem cuộc triển lãm “Những chiếc đĩa lớn ở Bảo tàng Masuda” (tỉnh Shimane, Nhật Bản). Triển lãm giới thiệu những chiếc đĩa gốm sứ cổ, kích thước lớn của Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam.

Trong số đó có 3 chiếc đĩa gốm Chu Đậu vẽ men tam thái, cực kỳ hoàn hảo. Lúc đầu, tôi nghĩ đây là hiện vật của một bảo tàng nào đó ở Việt Nam cho phía Nhật mượn để trưng bày. Hóa ra, những chiếc đĩa gốm Chu Đậu này thuộc sở hữu của Bảo tàng Machida, nằm ở ngoại ô thủ đô Tokyo.

Vì thế, tranh thủ kỳ nghỉ xuân đầu năm 1998, tôi mua vé tàu đi Tokyo, rồi bắt xe bus đến tham quan Bảo tàng Machida. Tại đây tôi làm quen với cô Yajima, quản thủ kho gốm sứ của bảo tàng này, người vừa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Tokyo, đề tài “Gốm Việt Nam thời Lê”.

TS. Yajima giới thiệu với tôi sưu tập gốm sứ có tên là Yamada Collection, đang lưu trữ tại đây. Sưu tập này có hơn 500 món gốm sứ có xuất xứ từ Việt Nam, do một thương gia tên là Yamada Yoshio sưu tầm ở Việt Nam từ thập niên 1940 và mua đấu giá ở nhiều nơi trên thế giới, hợp thành. Trước khi qua đời, Yamada Yoshio đã hiến bộ sưu tập này cho Bảo tàng Machida, thành phố quê hương của ông.

tnb-62060-18.jpg
Độc bình hiệu đề Minh Mạng niên chế trong sưu tập của một nhà sưu tầm người Nhật Bản. Ảnh: Thomas Ulbrich

TS. Yajima cho tôi biết thêm, khoảng 20 bảo tàng ở Nhật Bản có sưu tập gốm sứ Việt Nam nhưng những món đồ quý nhất phần lớn thuộc về Bảo tàng Mỹ thuật Fukuoka và Bảo tàng Gốm sứ Kyushu (đều ở Kyushu). Thế là tôi lại lặn lội đến Kyushu, tìm đến hai bảo tàng trên theo lời chỉ dẫn và thư tiến cử của TS. Yajima.

Tại đây có nhiều hiện vật gốm Việt Nam từ thời Bắc thuộc, gốm men ngọc và gốm hoa nâu thời Lý - Trần, gốm hoa lam thời Lê, gốm xanh trắng và gốm màu Chu Đậu, gốm thời Mạc và nhiều đồ sứ ký kiểu thời Lê - Trịnh và thời Nguyễn...

tnb-62060.jpg
Đĩa gốm Chu Đậu, trang trí kỳ lân, thế kỷ 15-16. Bảo tàng Machida.

Phần lớn đồ gốm sứ thuộc sở hữu của hai bảo tàng này đều tuyệt hảo và toàn bích, do các bảo tàng này mua từ những cuộc bán đấu giá cổ vật ở nhiều nơi trên thế giới, hoặc do các nhà sưu tầm hảo tâm hiến tặng.

Vào thời điểm này, con tàu đắm Cù Lao Chàm chưa được khai quật, đồ gốm Chu Đậu chưa được biết đến nhiều, nên khi chứng kiến những món đồ Chu Đậu toàn bích, với đủ loại hình, dáng kiểu, vẽ các đề tài rồng, chim, nai, cá… bằng men lam, men tam thái, có cả những họa tiết mạ vàng đang trưng bày nơi đây, tôi vô cùng sửng sốt và tự nhủ, “sao những cổ vật này lại lưu lạc sang tận Nhật Bản, trong khi các bảo tàng Việt Nam lại không có được những báu vật này?”.

Tại Bỉ, Bảo tàng Lịch sử và Nghệ thuật Hoàng gia ở Bruxelles đang sở hữu khoảng 3.000 cổ vật Việt Nam, gồm: đồ gốm, đồ đồng, cổ vật Champa, đồ sứ ký kiểu… Đồ gốm Việt Nam ở bảo tàng này có sự góp mặt của bộ đĩa gốm men ngọc thời Lý, chiếc hũ gốm hoa nâu thời Trần, sưu tập chân đèn và lư hương thời Mạc. Tất cả đều xứng đáng xếp hạng “trân bảo” của đồ gốm cổ Việt Nam.

Cách Bảo tàng Lịch sử và Nghệ thuật Hoàng gia Bỉ 30 phút lái xe là Bảo tàng Hoàng gia Mariemont ở Morlanwelz. Sưu tập đồ gốm ở đây có đồ gốm Hán - Việt từ các ngôi mộ táng ở Bắc Bộ, đồ gốm hoa nâu, hoa lam, men ngọc các thời Lý - Trần - Lê, đồ sứ ký kiểu thời Lê - Trịnh và thời Nguyễn.

Đặc biệt, bảo tàng này đang sở hữu 1 chiếc ống nhổ thuộc dòng đồ sứ ký kiểu thời Lê - Trịnh, hiệu đề Nội phủ thị trung, vẽ long phụng, là 1 trong 4 chiếc ống nhổ kiểu này được biết đến trên toàn thế giới.

Tại Đức

Năm 2004, tôi sang Đức nghiên cứu trong lĩnh vực bảo tàng học, dưới sự bảo trợ của Cơ quan trao đổi văn hóa Đức (DAAD). Tháng 8/2004, tôi cùng hai nhà nghiên cứu Thomas Ulbrich (người Đức) và Philippe Truong (người Pháp gốc Việt), đến thăm Bảo tàng Zwinger ở thành phố Dresden (bang Sachsen).

Nơi đây lưu giữ 2 món đồ gốm Việt Nam cực kỳ quý hiếm. Đó là 1 chiếc đĩa lớn và 1 cái ang, đều thuộc dòng gốm hoa lam thời Lê, niên đại vào cuối thế kỷ 15. Cả 2 hiện vật này đều vẽ hoa cúc, hoa mẫu đơn và các dây lá bằng màu lam dưới lớp men phủ. Kỹ thuật tạo dáng, chất liệu thai cốt và màu men của 2 món đồ gốm này đều đạt đến đỉnh cao của gốm thời Lê.

tnb-62060-16.jpg
Đĩa sứ ký kiểu vẽ tích Sơn Tinh - Thủy Tinh trong sưu tập Philippe Truong. Ảnh: Philippe Truong

Nhà nghiên cứu Philippe Truong cho biết: “Chiếc ang này là một trong ba chiếc ang nổi tiếng nhất của dòng gốm hoa lam Việt Nam. Chiếc thứ nhất là tài sản của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Nhật Bản ở Tokyo; chiếc thứ hai thuộc sở hữu của một nhà sưu tập lừng danh ở London. Và đây là chiếc thứ ba”.

Khi so sánh 2 món đồ gốm trên với những hiện vật tương tự trong sách Cổ vật Việt Nam do Bộ VH-TT xuất bản năm 2003, tôi cho rằng 2 cổ vật này xứng đáng được xếp vào “chiếu trên”, thuộc nhóm hàng “độc” của dòng đồ gốm hoa lam thời Lê.

tnb-62060-01.jpg
Đĩa gốm Chu Đậu, trang trí đề tài song điểu, thế kỷ 15-16. Bảo tàng Mỹ thuật Fukuoka.

Tôi cũng viếng thăm Bảo tàng Dân tộc học Muenchen ở thành phố Muenchen (bang Bavaria), là nơi có nhiều đồ gốm Việt Nam nhất trong các bảo tàng ở Đức.

Bảo tàng này sở hữu gần 100 hiện vật gốm sứ Việt Nam, một phần trưng bày tại phòng Nghệ thuật Đông Á (ở tầng 2), phần khác cất giữ trong kho.

Trong số đó, có những mai bình bằng gốm men trắng và đĩa celadon thời Lý, những chiếc thố gốm hoa nâu đời Trần, nhiều thạp, hũ hoa lam thời Lê và một chân đèn thời Mạc.

tnb-62060-10.jpg
Đĩa gốm hoa lam, thế kỷ 15 - 16. Bảo tàng Zwinger (Đức). Ảnh: Trần Đức Anh Sơn

Món đồ gốm Việt Nam quý nhất ở đây là chiếc hũ gốm hoa lam, cao 40cm, trang trí chim phượng và mây. Theo thông tin từ một nhà sưu tập ở Đức, vào năm 2001, chiếc hũ này đã được hãng đấu giá Lempertz rao bán với giá 3.000 DM nhưng không ai mua. Sau phiên đấu giá, có một nhà sưu tập đã mua chiếc hũ này dưới giá sàn, rồi tặng lại cho Bảo tàng Dân tộc học Muenchen.

Giám tuyển sưu tập Việt Nam của bảo tàng này nói với tôi: “Lúc rao bán, người ta chưa biết giá trị thực của món đồ. Bởi cách đây ít tháng, một chiếc hũ tương tự đã được rao bán trên mạng với giá 25.000 euro và được mua ngay tức khắc”.

Ngoài ra, Bảo tàng Linden Stuttgart ở thành phố Stuttgart đang sở hữu nhiều món đồ sứ ký kiểu vẽ rồng, thuộc dòng đồ ngự dụng của hai triều Thiệu Trị và Tự Đức, đều là những tuyệt phẩm của dòng đồ ký kiểu thuộc vương triều Nguyễn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Theo dấu gốm sứ Việt ở nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO