Theo dấu những con tàu đắm - Bài 1: Hiệp sĩ giao thông có nhiều cổ vật

TẤN VỊNH 27/08/2013 08:53

LTS: Cùng với việc phát hiện liên tiếp nhiều con tàu cổ bị đắm ở vùng biển thuộc xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) thời gian gần đây, ngư dân Núi Thành cũng vừa phát hiện rất nhiều đồ gốm sứ cùng ván thuyền của một con tàu cổ bị đắm ở vùng biển gần bờ xã Tam Hải. Sự kiện này hé lộ giả thuyết về một “nghĩa địa tàu cổ” ở vùng biển Quảng Nam - Quảng Ngãi và đặt ra thách thức trong công tác khảo sát, khai quật, bảo tồn cổ vật dưới nước. Tiến sĩ Trần Tấn Vịnh - nguyên Giám đốc Bảo tàng Quảng Nam vừa gửi đến Báo Quảng Nam loạt bài, cung cấp thêm những thông tin khá thú vị xung quanh sự kiện này trong vai trò là người trực tiếp tham gia quá trình khảo sát, khai quật, tiếp cận những cổ vật từ các con tàu đắm trong vùng biển Quảng Nam.

  • Phát hiện nhiều đồ gốm cổ trên vùng biển Tam Hải (Núi Thành)
Mảnh ván lớn có thể là từ bộ phận của con tàu cổ được vớt lên khỏi mặt nước. Ảnh: TẤN VỊNH
Mảnh ván lớn có thể là từ bộ phận của con tàu cổ được vớt lên khỏi mặt nước. Ảnh: TẤN VỊNH

BÀI 1: HIỆP SĨ GIAO THÔNG CÓ NHIỀU CỔ VẬT

Thời còn công tác bên Bảo tàng Quảng Nam, tôi và đồng nghiệp rất chú tâm vào cổ vật con tàu đắm ở vùng biển Cù Lao Chàm vì nó là những cổ vật quá quen thuộc và nổi tiếng. Hàng năm, với nguồn kinh phí khiêm tốn, cán bộ bảo tàng vẫn tổ chức nhiều chuyến khảo sát, chọn địa điểm để trình Bộ VH-TT&DL cho phép khai quật khảo cổ học, nhưng cũng chủ yếu là di chỉ văn hóa Sa Huỳnh, vì Quảng Nam cũng là cái nôi của nền văn hóa thời tiền sử này. Sau những cuộc hợp đồng với Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương “khai quật vét” những cổ vật còn sót lại ở con tàu đắm Cù Lao Chàm, những nhà khảo cổ nghi ngờ ở Quảng Nam có còn con tàu đắm nào nữa để đặt vấn đề thăm dò, khảo sát và tiến hành khai quật khảo cổ học dưới nước, làm giàu thêm di sản cổ vật từ vùng biển xứ Quảng? Và hôm nay sự khám phá cổ vật từ các con tàu đắm được thực hiện một cách ngẫu nhiên.

Anh Đinh Tấn Tàu mân mê những món cổ vật đang cất giữ tại nhà.
Anh Đinh Tấn Tàu mân mê những món cổ vật đang cất giữ tại nhà.

Săn cổ vật… nghiệp dư

Xã Tam Hải trước sông sau biển, có hai cửa biển là An Hòa và Cửa Lở. Tự bao đời, ngư dân chỉ biết đi biển đánh cá. Một số ngư dân cũng biết nơi này nơi nọ trên biển có tàu đắm nhưng không mấy mặn mà với việc tìm kiếm cổ vật. Họ không có kỹ năng, kinh nghiệm khai thác cổ vật từ đáy biển. Những cổ vật được tìm thấy hầu hết là phát hiện ngẫu nhiên. Kể từ khi chàng trai Đinh Tấn Tàu (quê ở Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) về làm rể ở thôn 2 (xã Tam Hải), nhóm thợ lặn “nghiệp dư” săn tìm cổ vật ở đảo hình thành. Gia đình anh Tàu đã sắm được chiếc ghe nhỏ để vợ chồng làm nghề lặn tôm hùm, bắt cua cá rồi sau đó mua sắm một số phương tiện thiết yếu, hành nghề săn tìm cổ vật dưới đáy biển.

Tô lớn có hoa văn bùa màu xanh lam được vớt từ con tàu đắm ở Cửa Lở.
Tô lớn có hoa văn bùa màu xanh lam được vớt từ con tàu đắm ở Cửa Lở.

Do thừa hưởng cái biệt tài của ngư dân ở bản quán - những thợ lặn “siêu đẳng” ở Quảng Ngãi, từng được Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương thuê lặn lấy cổ vật tàu đắm Cù Lao Chàm ở độ sâu 70 sải tay, tuy mới vào nghề nhưng anh Tàu đã tỏ tường những điểm có cổ vật ở biển Tam Hải qua thông tin của ngư dân. Anh và các thợ lặn không đi đâu xa, chỉ chăm chú vào các rạn biển, đáy sông, cửa sông và tìm được rất nhiều cổ vật. Biết tôi trước đây làm việc ở Bảo tàng Quảng Nam, lại là người quê hương Tam Hải nên anh muốn “giới thiệu” thành tích của mình và tỏ ý nhờ cơ quan chức năng giám định, nghiên cứu thêm về giá trị lịch sử, niên đại của nó. Tôi là người không am hiểu về cổ vật, nhưng biết được tin về cổ vật cũng sốt sắng về ngay để tìm hiểu xem sao.

Các cổ vật được vớt từ đáy sông Trường Giang và cửa An Hòa.
Các cổ vật được vớt từ đáy sông Trường Giang và cửa An Hòa.

Một buổi chiều mưa gió, tôi chạy xe máy về quê, không quên mang theo máy ảnh đã xạc đủ pin và thẻ nhớ có thể chứa đầy dung lượng. Nhà anh Tàu ở gần bến phà Tam Hải nên rất dễ tìm. Sau khi đón tiếp, tôi đâu ngờ chủ nhà Đinh Tấn Tàu chính là người được phong tặng “Hiệp sĩ giao thông” do VOV và VOH trao tặng năm 2011-2012. Trên tường còn treo thêm nhiều bằng khen, giấy khen, trong đó có Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (năm 2012), những bức ảnh lưu niệm chụp tại Hà Nội dự lễ tuyên dương đại biểu tiêu biểu về an toàn giao thông. Những danh hiệu và bằng khen đó ghi nhận thành tích của anh về việc cứu được nhiều người, nhất là người già và học sinh trong vụ chìm đò trên sông Trường Giang vào ngày 21.11.2011. Tôi thật sự khâm phục và chúc mừng công trạng của anh, nhất là đã làm một việc đầy phúc đức, kịp thời ra tay cứu mạng sống của nhiều người.

Gia sản từ đáy biển

Điều đáng quan tâm là trong nhà anh Tàu hiện lưu giữ bộ sưu tập cổ vật dưới nước khá thú vị và lạ lẫm. Một số món cổ vật đẹp được anh trưng trong tủ kính, một số món đồ khác được cất giữ cẩn thận trong nhà. Anh kêu vợ con lần lượt mang hết ra cho tôi xem và chụp ảnh. Theo anh Tàu, những đồ cổ này được anh tìm thấy ở 3 địa điểm. Tôi tạm thời chia thành 3 nhóm để phân loại. Nhóm thứ nhất gồm 1 bình trà có kiểu dáng đẹp, lớp men màu da bò, 2 chum nhỏ hình trụ bám đầy hàu, 1 cái hũ sành. Những món này được anh lấy lên từ đáy sông Trường Giang và cửa An Hòa. Nhóm thứ hai anh vớt được từ Cửa Lở với 8 món, gồm 1 bình vôi, 1 đĩa, 1 tô có men màu xám, 5 cái tô, trong đó có một ô lớn đã bị vỡ đi một nửa, tráng men trắng bóng loáng, nhìn như còn mới toanh. Các tô này đều có hoa văn hình bùa, hoa dây màu xanh lam. Ngoài đồ gốm sứ anh còn vớt được 1 khẩu súng dài 1,2m có nòng hình lục giác, 1 con dao găm chung quanh đã bám đầy cát, sạn, ốc. Điều lạ hơn là anh còn vớt được 3 viên gạch đất nung khổ 20x30cm giống như gạch Chăm ở thành Trà Kiệu và một cái chày bằng đá, hình như là đồ vật để nghiền tán thuốc.

Tô, đĩa và hũ nhỏ được vớt từ con tàu đắm ở Rạn Mơ.
Tô, đĩa và hũ nhỏ được vớt từ con tàu đắm ở Rạn Mơ.

Nhóm cổ vật làm tôi thích thú nhất là 1 đĩa, 1 tô men ngọc, 1 đĩa bị hàu bám nên không thể nhận biết màu men và gần 80 chiếc hũ nhỏ, 1 chiếc hộp phấn giống như loại hộp của gốm Chu Đậu. Phần lớn các hũ nhỏ này đều bị mất màu men, một số còn lại có lớp men xanh ngọc, men lam mốc rất đẹp. Anh Tàu cũng cho biết tất cả số cổ vật này được vớt từ Rạn Mơ (thuộc Bãi Bắc, thôn Thuận An, xã Tam Hải). Ngoài đồ lành lặn, anh còn vớt nhiều đồ gốm sứ bị hư vỡ. Với số đồ bị hư hỏng này, anh dự định lúc nào rảnh việc thì vợ chồng, con cái đem ra gắn kết lại, giống như cách các nhà khảo cổ thường làm. Vì loại hũ nhỏ có số lượng khá nhiều nên anh lựa ra vài cái trưng bày chơi, biếu tặng bạn bè, anh em, phần lớn còn lại được cất giữ cẩn thận.

Ngoài những món cổ vật vớt ở đáy sông, anh Tàu cho biết hai nhóm cổ vật còn lại đều được vớt ở biển, có thể là từ những con tàu đắm. Anh hứa sẽ chỉ dẫn tận nơi nếu cơ quan chuyên môn muốn biết. Xem số cổ vật xong, tôi trở về lại Tam Kỳ với tâm trạng hân hoan, phấn chấn vì biết thêm một điều, ngoài thắng cảnh Bàn Than tươi đẹp, nghĩa địa cá ông, lễ cầu ngư, hội đua thuyền, những loại hải sản có giá trị..., quê hương tôi còn có thêm những cổ vật, làm giàu thêm di sản biển. Những dấu vết con tàu đắm hiện nằm ở đâu, còn lại bao nhiêu cổ vật, niên đại thế nào... rất cần được thăm dò để có kế hoạch khai quật, nghiên cứu, bảo quản, trưng bày ở bảo tàng, phát huy giá trị của các cổ vật.

TẤN VỊNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Theo dấu những con tàu đắm - Bài 1: Hiệp sĩ giao thông có nhiều cổ vật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO