Chuyến khảo sát, tiếp cận của chúng tôi thu thập được nhiều thông tin bất ngờ, thú vị. Ngoài việc phát hiện nhiều cổ vật đang được người dân lưu giữ, chúng tôi còn tìm thấy dấu vết rõ ràng của con tàu đắm. Điều trăn trở của những người làm công tác chuyên môn là cần phải làm gì sau đợt thăm dò để gìn giữ, phát huy giá trị di sản của quê hương.
|
![]() |
Một khúc gỗ lim bị cắt ra nằm ở bến sông Cồn Chùa được cho là trục bánh lái của con tàu cổ. |
Ngăn chặn thất thoát cổ vật
Sau đợt thăm dò, chúng tôi đều có chung nhận định, việc trước mắt cần làm là kiểm kê số lượng hiện vật mà ngư dân đã phát hiện, đang cất giữ tại nhà riêng. Anh Đinh Tấn Tàu tâm sự rằng, sẵn sàng cung cấp một số hiện vật cho Bảo tàng tỉnh nghiên cứu, bảo quản, số còn lại sẽ hiến tặng cho quê hương Tam Hải để có thể thành lập một bảo tàng biển của cộng đồng tại thôn Thuận An nhằm lưu giữ, trưng bày, giới thiệu cho dân chúng những cổ vật tìm thấy từ sông, biển quê hương. Ở Cồn Chùa, hiện lưu giữ hai đoạn trục bánh lái - một minh chứng cho con tàu đắm thì cũng cần thông báo cho chính quyền địa phương yêu cầu người dân giữ lại, không cưa khúc, phá hỏng, bỏ bê dưới bờ sông và nhanh chóng chuyển về Bảo tàng Quảng Nam để nghiên cứu, lập hồ sơ hiện vật.
Dấu vết “Con đường gốm sứ” Là người không am hiểu về cổ vật, tôi đã liên lạc với các nhà chuyên môn để xem xét, tìm hiểu bước đầu. Qua địa chỉ email, tôi gửi những bức ảnh cho TS. Đoàn Ngọc Khôi - Phó Giám đốc Bảo tàng Quảng Ngãi - người lâu nay luôn bận rộn với cổ vật tàu đắm Châu Thuận Biển. Theo TS. Khôi, nhóm cổ vật ở Rạn Mơ có niên đại khá sớm, khoảng thế kỷ XII -XIII (Tống Nguyên). Các sản phẩm này được sản xuất ở lò Long Tuyền (Long Quan) và Quảng Đông. Còn nhóm cổ vật gồm bát lớn vớt ở Cửa Lở là đồ cổ thời nhà Minh, thế kỷ thứ XV. TS. Khôi còn cho tôi biết thêm, các nhóm đồ này không có món nào giống với cổ vật được vớt từ chiếc tàu của Quảng Ngãi được khai quật vừa qua ở Vũng Tàu, Bình Châu. Điều đáng quan tâm hơn, theo TS. Đoàn Ngọc Khôi, với bằng chứng và thông tin mới như vậy, thì có một “nghĩa địa các con tàu đắm” kéo dài từ Châu Thuận Biển đến Tam Hải, ra đến Cù Lao Chàm, minh chứng cho “Con đường gốm sứ” trên biển có từ lâu đời. |
Sau khi có thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan chức năng cần có biện pháp khoanh vùng bảo vệ, trước mắt là hai địa điểm có cổ vật con tàu đắm là Rạn Mơ và Cửa Lở. Tại Cửa Lở, ngư dân hằng ngày vẫn lai rai lặn biển tìm kiếm cổ vật. Gần đây, ngư dân Tam Hải ra Rạn Mơ vừa hái mơ vừa tranh thủ tìm cổ vật. Những hũ, chén dĩa vớt được, ngư dân cất giữ làm đồ lưu niệm hoặc bán với giá rất thấp. Nếu không kịp thời có phương án bảo vệ, những cổ vật từ con tàu đắm sẽ bị thất thoát.
Cần tiến hành khai quật
Điều đáng lo ngại nhất là những ngư dân tìm kiếm đồ cổ trái phép từ nơi khác đến. Như lâu nay, nếu biết ở đâu có tàu đắm thì ngư dân Quảng Ngãi thường nhanh chóng khai thác. Họ có đủ phương tiện hành nghề, lặn giỏi và biết cách khai thác hiệu quả. Người ta sẵn sàng làm cả ngày lẫn đêm để tranh thủ lấy hết cổ vật trước khi người khác, thuyền khác phát hiện để “tranh phần”. Và để giữ bí mật, tránh sự “dòm ngó”, ngư dân tổ chức khai thác cổ vật vào ban đêm. Cách làm đêm là chong điện với bóng đèn đủ sáng tận đáy biển. Và máy hút cát loại lớn với đường kính van ống khá to có thể hút cát thật nhanh để trong một đêm có thể lấy được nhiều cổ vật.
Đặc biệt, cần phải nhanh chóng báo cáo cấp trên cho phép tiến hành khai quật khảo cổ học dưới nước trước mùa mưa bão năm nay, nhất là đối với 2 con tàu đắm ở Rạn Mơ và Cửa Lở. Sau khi được phép của Bộ VH-TT&DL về khai quật khảo cổ học dưới nước tại vùng biển này, Sở VH-TT&DL Quảng Nam cần chỉ đạo Bảo tàng tỉnh hợp đồng với những ngư dân như anh Tàu để khai quật khảo cổ. Đây là vùng biển gần bờ, có độ sâu trung bình 4 - 5m nước thì với phương tiện hiện có của ngư dân có thể mở rộng, khoanh vùng con tàu cổ để khai quật, tìm kiếm cổ vật. Nếu được huy động, các ngư dân ở Tam Hải như anh Đinh Tấn Tàu sẽ sẵn sàng hợp đồng với cơ quan hữu quan của tỉnh để làm công tác khai quật khảo cổ học, mang về những cổ vật đang còn nằm dưới đáy biển.
UBND tỉnh yêu cầu có biện pháp bảo vệ cổ vật tại con tàu đắm Ngày 27.8.2013, UBND tỉnh có công văn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai phương án bảo vệ cổ vật tại con tàu đắm. Theo đó, Sở VH-TT&DL chỉ đạo Bảo tàng Quảng Nam thuê đơn vị, cá nhân chuyên lặn biển tiếp tục khảo sát, thăm dò, định vị con tàu đắm ở Rạng Mơ và Cửa Lở để có cơ sở báo cáo Bộ VH-TT&DL xin phép tiến hành khai quật khảo cổ học dưới nước. UBND tỉnh cũng yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Kỳ Hà triển khai nhiệm vụ tuần tra, canh gác, ngăn chặn người dân khai thác cổ vật trái phép; yêu cầu chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân có ý thức gìn giữ di sản từ các con tàu đắm... |
TẤN VỊNH