Theo dấu rừng xanh - Kỳ 1: Đo tuổi cho pơmu

Phóng sự của VÕ LÊ - LÊ NINH 16/01/2017 10:07

Những nghiên cứu viên của Viện Sinh thái học miền Nam (thuộc Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam, Bộ Khoa học - công nghệ) hình như “có duyên” với cánh rừng pơmu ở huyện Tây Giang, Quảng Nam. Trong những năm qua họ đã nhiều lần lăn lộn trong cánh rừng nguyên sinh này để khảo sát sự đa dạng sinh học, tìm kiếm các loài thực vật, động vật mới, đo tuổi cây rừng, chứng minh vốn rừng ở Quảng Nam vẫn còn khá đa dạng và phong phú.

Đoàn nghiên cứu Viện Sinh thái học miền Nam vào rừng pơmu đo tuổi.Ảnh: LÊLÊ
Đoàn nghiên cứu Viện Sinh thái học miền Nam vào rừng pơmu đo tuổi.Ảnh: LÊLÊ

KỲ 1: ĐO TUỔI CHO PƠMU

Trong thế giới kỳ bí của rừng già có bao nguy hiểm rình rập, nhưng với những người coi rừng là nhà, là cuộc sống của mình thì sức hút từ những nơi ấy cực lớn. Từ năm 2013 chúng tôi đã có dịp theo chân đoàn nghiên cứu của Viện Sinh thái học miền Nam đi đo tuổi cho khu rừng pơmu.

Chinh phục đỉnh Zi’liêng

Một buổi sáng tháng 8.2013, sau khi tập kết tại trung tâm huyện Tây Giang, chúng tôi và đoàn nghiên cứu bắt đầu chuyến hành trình lên khu rừng pơmu. Bí thư Huyện ủy Tây Giang - ông Bh’riu Liếc đích thân cầm lái chiếc xe chuyên dụng của huyện để đưa mọi người lên xã A Xan. Trên đường đi, ông Liếc nhắc lại: “Quần thể pơmu của huyện Tây Giang có diện tích hơn 300ha, khoảng 1.170 cây pơmu. Cái cần nhất của chúng tôi bây giờ là xác định được năm tuổi của các cây pơmu, xác định được đặc tính để có phương án bảo tồn hiệu quả”.

Theo số liệu điều tra khảo sát mới nhất của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, quần thể pơmu ở huyện Tây Giang phân bố trên diện tích 240ha với tổng số 1.366 cây. Trước đó, đối với 725 cây pơmu mà huyện Tây Giang đăng ký công nhận Cây di sản Việt Nam, bằng phương pháp khoan tăng trưởng trên thân, các nhà nghiên cứu của Viện Sinh thái học miền Nam xác định hầu hết có độ tuổi từ 250 năm, có cây đạt đến hơn 1.000 năm tuổi.

Lúc này con đường vào vương quốc pơmu chưa có, nên từ trung tâm xã A Xan chúng tôi phải băng rừng, lội suối mà vào. Trước khi đi, mọi người trong đoàn kiểm tra lại vật dụng phục vụ công việc cũng như thực phẩm mang theo… Qua trưa, cả đoàn gùi ba lô, nước uống, gạo… leo dốc lên ngọn Zi’liêng cao chót vót. Có những con dốc dựng đứng mà khi trèo lên mới đoạn ngắn chúng tôi đã phải ngồi bệt xuống thở hổn hển; trong khi đó thành viên đoàn nghiên cứu vẫn từng bước vượt dốc… Cơn mưa chiều chợt đến như trút nước xuống khu rừng. Nhiều người bị vắt búng lên chân, máu thấm đỏ cả tất giày. Những khóm nứa bị cơn mưa nặng hạt bạt đổ chắn ngang đường, mấy nhành gai nhỏ nhô ra tạo thành những cái bẫy, người đi không chú ý có thể bị gai cào rách da…

Sau hơn bốn giờ đồng hồ vượt rừng, leo dốc, chúng tôi đã đến được khu lán trại số 1 nằm trên đỉnh núi Zi’liêng, lọt thỏm dưới những tán pơ mu xanh ngắt ở độ cao hơn 1.300m so với mực nước biển. Khi được “mục sở thị” những thân cây pơ mu khổng lồ, tiến sĩ Lưu Hồng Trường - Phó Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam đã phải thốt lên: “Thật tuyệt! Đúng là thiên nhiên đã tạo nên một khu rừng kỳ vĩ, đồ sộ với mật độ tập trung cây khá cao”.

Sau khi sắp xếp đồ đạc, mỗi người theo phần việc đã được phân công bắt tay vào thực hiện. Người đi kiếm củi, người lấy nước suối, kẻ đi hái măng rừng để làm thức ăn. Bữa cơm đạm bạc giữa núi rừng nhanh chóng được bày ra. Đêm xuống, cả đoàn tranh thủ ngủ lấy sức, dưới ánh trăng rằm vằng vặc xiên qua những tán cây pơmu cổ thụ; trong tiếng ve rừng râm ran cả một góc đại ngàn.

Đo tuổi cho pơmu

Sáng sớm hôm sau, chuẩn bị đâu vào đấy, thành viên đoàn nghiên cứu bắt tay vào việc khoan lấy mẫu lõi cây. Kiểm lâm viên Hạt kiểm lâm Tây Giang - Alăng Nhú dẫn chúng tôi đến khu vực tập trung nhiều cây pơmu đường kính từ 1,5m trở lên để khoan lấy mẫu. Tiến sĩ Lê Cảnh Nam và thạc sĩ Nguyễn Trần Quốc Trung - thành viên đoàn nghiên cứu chọn khoan lấy lõi cây mang số hiệu 49, nằm ở độ cao 1.400m so với mực nước biển, có đường kính gốc hơn 1,5m, cao 35m. Hai người hì hục xoay từng vòng khoan đến tâm của cây. Tiến sĩ Nam cho biết, một cây như vậy có thể lấy mẫu ở 3 - 4 vị trí khác nhau để có kết quả khách quan. Khoan xong, tiến sĩ Nam đút muỗng khoan vào để lấy mẫu lõi gỗ. Lấy lõi gỗ ra, nhìn thấy đường vân, bằng kinh nghiệm đo tuổi cho cây của mình, tiến sĩ Nam đoán cây này đã có tuổi hơn 500 năm.

Khoan cây pơ mu lấy mẫu để đo tuổi.Ảnh: LÊLÊ
Khoan cây pơ mu lấy mẫu để đo tuổi.Ảnh: LÊLÊ

Tiến sĩ Nam chia sẻ kinh nghiệm, vị trí khoan lấy mẫu lõi cây nằm ở khoảng dưới ngực của người khoan. Vì nếu cao hay thấp hơn sẽ khiến người khoan rất mệt. Khi khoan cây, đòi hỏi người khoan phải có kỹ năng, kinh nghiệm, cảm nhận được mức độ nặng hay nhẹ của từng vòng xoay. Không nên cố gắng quá mức khi cảm thấy vòng xoay cứng hơn bình thường, vì như vậy sẽ rất dễ dẫn đến gãy khoan. Nếu vòng khoan quá nhẹ thì dừng ngay, vì lúc đó có thể đã đến vị trí cây bị rỗng ruột”.

Nhóm nghiên cứu tiếp tục khoan lấy mẫu cây có số hiệu 245, đường kính hơn 1,7m, nằm giữa bụi nứa um tùm ở độ cao 1.320m so với mực nước biển. Phải dùng dao phát hết bụi nứa, đoàn mới tiếp cận được cây. Tiến sĩ Nam và thạc sĩ Trung bắt đầu khoan. Sau khi lấy được mẫu, thạc sĩ  Nam trầm trồ: “Lõi cây pơmu có màu vàng tươi và có mùi thơm dễ chịu. Lõi cây này rất đẹp vì số vòng năm trên lõi không đồng đều”. Thạc sĩ Trung cho hay, các nhà nghiên cứu rất thích những vòng năm không đồng đều, khoảng cách giữa các vòng năm lúc dày, lúc thưa. Điều này phản ánh được sự biến động vòng năm của cây, sự tác động của môi trường khắc nghiệt bên ngoài đến sự sinh trưởng của cây qua mỗi năm mỗi khác. Đây là bằng chứng phản ánh sự biến động của thời tiết trong quá khứ. Theo anh Nam dự đoán bằng mắt thường, cây số 245 cũng đã hơn 500 năm tuổi. Nguyễn Thành Trung - nghiên cứu sinh Viện Sinh thái học miền Nam cẩn thận đưa từng mẫu lõi cây vào ống nhựa để cất giữ sau khi ghi ký hiệu rõ ràng.

Lấy mẫu lõi pơmu để xác định tuổi.Ảnh: LÊLÊ
Lấy mẫu lõi pơmu để xác định tuổi.Ảnh: LÊLÊ

Cứ thế đoàn đã khoan hàng trăm cây lớn nhỏ để lấy hàng trăm mẫu lõi cây. Theo tiến sĩ Lưu Hồng Trường, sau khi lấy những mẫu lõi cây pơmu, việc xác định vòng tăng trưởng của cây sẽ được tiến hành tại Trung tâm Nghiên cứu rừng nhiệt đới quốc tế tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà. Viện sẽ tiến hành xử lý mẫu vật và sử dụng kính hiển vi phóng đại lên 200 lần các vòng tăng trưởng. Bằng cách đếm số lượng vòng tăng trưởng, các nhà khoa học có thể xác định chính xác tuổi của từng cây. “Khảo sát thực tế cho thấy chất lượng của quần thể pơmu ở Tây Giang rất tốt, các cá thể đang được duy trì ở tình trạng sức khỏe tốt. Có thể nhận định đây là một trong những quần thể pơmu đẹp nhất Việt Nam hiện nay. Ngoài ra khu rừng này còn lưu trữ tính đa dạng sinh học phong phú nhưng chưa được khám phá. Nó ẩn chứa nhiều giá trị đa dạng sinh học độc đáo, cần được nghiên cứu, bảo vệ và phát huy” - tiến sĩ Trường nói.

Kết quả nghiên cứu của đoàn Viện Sinh thái học miền Nam cũng là một trong những căn cứ để huyện Tây Giang đề nghị công nhận vương quốc pơmu là quần thể Cây di sản Việt Nam (sau đó đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận; huyện Tây Giang cũng đã tổ chức đón Bằng công nhận vào tháng 5.2016).

Cứ nghĩ cuộc đi từ 3 năm trước sẽ là lần duy nhất, không ngờ trong năm 2016 chúng tôi lại có dịp theo chân đoàn nghiên cứu Viện Sinh thái học miền Nam một lần nữa xâm nhập cánh rừng Tây Giang.

________
Kỳ 2: Trở lại Tây Giang

Phóng sự của VÕ LÊ - LÊ NINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Theo dấu rừng xanh - Kỳ 1: Đo tuổi cho pơmu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO