Tại Quảng Nam, những cuộc kiểm kê di sản do Phòng VH-TT các địa phương phối hợp với Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam thực hiện đã phát hiện khá nhiều các loại hình thư tịch cổ tồn tại dưới dạng văn bia, sắc phong, gia phả, mộc bản… Từ những thư tịch cổ này có thể xác định niên đại của vùng đất, nguồn gốc xuất xứ của di tích hay những câu chuyện còn ẩn chứa của quá khứ. Có thể coi đây là những “di sản tư liệu cổ”, đang rất cần sự chung tay góp sức để bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị.
Nhà thờ tộc Nguyễn Hữu (làng Thanh Quýt, xã Điện Thắng Trung, Điện Bàn) - nơi vẫn còn giữ bản sắc phong tiền hiền vua ban. Ảnh: SONG ANH |
BÀI 1: KHO "VÀNG" VĂN HÓA
Hàng nghìn trang tư liệu cổ, chủ yếu là tư liệu Hán - Nôm tản mát trong dân gian đã và đang được cán bộ ngành văn hóa sưu tầm tổng hợp. Những trang tư liệu cổ được phát hiện đã cung cấp nhiều thông tin về một “xứ Quảng” trong quá khứ…
“Tàng thư” xứ Quảng
Có một dáng hình Quảng Nam từ thời lập đất lập làng được khắc họa qua những thần phả, sắc phong tồn tại trong dân gian cho đến nguồn tư liệu ảnh vẫn được nhiều người gìn giữ. Viện Viễn Đông bác cổ (Pháp), từ đầu thế kỷ XX đã tiến hành khảo sát, thống kê về tư liệu thần phả, sắc phong của các làng xã Quảng Nam. Theo Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam, hiện nay bộ tư liệu gồm 6 tập này đang được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Hà Nội). Mới đây, trong chuyến làm phim về hành trình tìm kiếm chứng cứ và tư liệu về chủ quyền biển đảo Việt Nam của TS. Trần Đức Anh Sơn, một “tờ bản đồ xứ Quảng Nam” do Đỗ Bá vẽ vào cuối thế kỷ thứ XVII đã được tìm thấy tại một bảo tàng tư nhân ở Nhật. TS. Trần Đức Anh Sơn cho biết, trên tờ bản đồ có ghi 3 chữ Nôm, dịch nghĩa là “Bãi Cát Vàng” để định danh cho một vùng đảo nằm ở ngoài khơi. Phần chú giải phía trên bản đồ này viết bằng chữ Hán và chữ Nôm, trong đó có đoạn ghi: “Giữa biển có một dải cát, gọi là Bãi Cát Vàng, dài độ 400 dặm, rộng 20 dặm đứng dựng giữa biển. Từ cửa biển Đại Chiêm, đến cửa Sa Vinh mỗi lần có gió tây nam thì thương thuyền các nước đi ở phía trong trôi giạt ở đây, đều cùng chết đói cả. Hàng hóa thì đều để ở nơi đó. Họ Nguyễn mỗi năm vào tháng cuối mùa đông đưa 18 chiếc thuyền cũng đến đây lấy hàng hóa, được phần nhiều là vàng bạc tiền tệ súng đạn…”.
Những “tàng thư” của Quảng Nam đến nay vẫn còn được cất giữ tại các điểm di tích văn hóa, đình làng, số khác được người dân gìn giữ tại các nhà thờ tộc, hoặc nhà riêng. Ông Trần Văn An - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản Hội An thừa nhận rằng, hiện nay các loại thư tịch cổ nằm nhiều nhất vẫn là ở trong dân. “Hầu như nhà cổ nào ở Hội An cũng giữ một số tư liệu Hán - Nôm liên quan đến đất đai, nhà cửa, gia sản. Kể từ năm 1987 đến nay, chúng tôi vẫn chưa thể thực hiện thêm một cuộc tổng điều tra về các loại thư tịch này” - ông An cho biết (năm 1987 Hội An đã thực hiện cuộc điều tra về thư tịch cổ, chúng tôi sẽ nói rõ hơn về cuộc điều tra này trong những bài sau). Mỗi một ngôi nhà cổ tại Hội An hiện nay đều có những sắc phong do các đời vua ban. Hiện nay sắc phong có niên đại sớm nhất ở Hội An thuộc về đời Gia Long năm thứ 2 (năm 1803), sắc cho Thành đức hầu Lý Đại Thành, người xã Minh Hương. Sắc bằng vải lụa, viết mực tàu, ấn “Phong tặng chi bửu”. Ngoài ra, theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn và quản lý di sản văn hóa Hội An, các loại bằng cấp, đinh bạ, điền bạ, trát văn, gia phả hay khế ước, ở Hội An còn khoảng 6.000 trang tư liệu.
Thư tịch cổ chính là di sản tư liệu, lưu giữ ký ức của một vùng văn hóa. Thật khó để hình dung một mảnh đất hơn 400 năm tạo dựng, sẽ có bao nhiêu nguồn tư liệu để dựng nên vóc dáng, hình hài?
Giữ làng từ những sắc phong
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, các tư liệu Hán - Nôm ở Quảng Nam tồn tại dưới dạng văn bia nhiều hơn trên các chất liệu giấy hoặc gỗ. Tuy nhiên, qua các cuộc điền dã mới đây của các bảo tàng, Phòng VH-TT các huyện, đặc biệt là khu vực Bắc Quảng Nam, bao gồm Điện Bàn, Duy Xuyên, Hội An…, các tư liệu Hán - Nôm ở dạng gia phả, mộc bản vẫn còn khá nhiều. Tại cuộc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể do Bảo tàng Điện Bàn thực hiện từ ngày 5 đến 16.5.2014, hàng nghìn trang tư liệu Hán - Nôm cổ đã được phát hiện. Trong đó, phải kể đến việc phát hiện rất nhiều sắc phong vua ban được người dân gìn giữ nguyên vẹn. “Tại xã Điện Phương, chúng tôi phát hiện còn khoảng 15 sắc phong từ các đời vua, Điện Minh khoảng 7 sắc phong, các tộc họ tại làng Thanh Quýt (Điện Thắng Trung) 6 sắc phong, chưa tính hàng nghìn trang tư liệu Hán - Nôm cổ còn được lưu giữ ở các nhà thờ tộc, đình, miếu” - bà Đinh Thị Hiệp, phụ trách Bảo tàng Điện Bàn, chia sẻ.
Một trong những sắc phong cán bộ Bảo tàng Điện Bàn phát hiện được tại xã Điện Minh. |
Trong câu chuyện theo dấu tàng thư, chúng tôi tìm về những ngôi làng hàng trăm năm tuổi. Tại đây, việc gìn giữ những sắc phong của làng được xem là việc hệ trọng nhất trong những việc của làng, của tộc. Ông Nguyễn Hữu Khanh, người làng Thanh Quýt - một người tận tâm với công cuộc ghi chép sử làng, chia sẻ, những sắc phong là thứ tài sản quý giá nhất mà mỗi ngôi làng có được. Ít có ngôi làng nào còn gìn giữ nguyên vẹn 6 sắc phong được ban từ các thời Hậu Lê, Duy Tân, Khải Định. “Thật ra ban đầu, triều đình Hậu Lê ban 7 sắc phong cho “thất tộc tiền hiền” của làng Thanh Quýt là Nguyễn Hữu, Lê Tự, Trương Công, Nguyễn Bá, Nguyễn Văn, Lê Công, Phan Sĩ. Ban đầu, sắc phong được rước về cất giữ tại Ngỏa từ đường Thất tộc - đình chung của làng. Tuy nhiên, năm 1888 đình bị cháy khiến các sắc phong bị thiêu rụi” - ông Khanh nói. Việc bảo quản những sắc phong còn đến bây giờ cũng khá công phu, khi mà phải đến lần thứ 3 được ban, sắc phong mới còn nguyên vẹn đến nay. Sau nhiều lần được tái ban, các sắc ban đều do ông thủ sắc được người làng tín nhiệm bầu ra gìn giữ. Đến năm 1945, các sắc phong tiền hiền của tộc nào thì được giao về tộc đó giữ. Chính vì vậy, người làng Thanh Quýt coi đây như báu vật của làng. Ông Khanh kể thêm: “Theo những ghi chép của các bậc cao niên trong làng, thời Hậu Lê, làng bị binh hỏa, cả 7 sắc phong do triều đình Hậu Lê ban đều bị cháy. Đến đời Duy Tân tam niên, triều đình tái ban bản cũ nguyên sắc, tuy nhiên, sau đó các sắc này cũng bị cháy. Đến đời Khải Định năm thứ 9, làng được tái phong, trong sắc phong có ghi đầy đủ công trạng, chức tước của những người trong tộc”.
Hiện nay tại làng Thanh Quýt, các nhà thờ tộc đều được xây dựng khang trang, trong đó 6 trong 7 tộc tiền hiền vẫn còn gìn giữ nguyên vẹn sắc phong của tộc mình. “Giữ sắc phong, tức là giữ làng”, ông Nguyễn Hữu Thêm, người coi sóc nhà thờ tộc Nguyễn Hữu làng Thanh Quýt, chia sẻ với người viết. Chính sự trân quý như vậy, nguồn thư tịch cổ xứ Quảng mới còn tồn tại cho đến ngày nay. Không chỉ có sắc phong, những bộ điền thổ của làng, gia phả tộc họ, tưởng chừng như tản mạn, vụn vặt nhưng lại chính là nguồn tư liệu Hán - Nôm rất cần cho nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn. Nhiều bộ sử làng ra đời từ sự góp nhặt của gia phả tộc họ. Không chỉ vậy, những lễ hội tồn tại lâu đời, một phần cũng từ những “sắc phong”, “thần phả” mà làng còn gìn giữ được. Cụ Thái Văn Lịch - người làng Thu Bồn (Duy Tân, Duy Xuyên), bao nhiêu năm nay vẫn lặng thầm làm người “thủ sắc” - cất giữ thần phả của làng Thu Bồn, một “thư tịch” thiêng liêng của làng, cũng chính là “cứ liệu” duy nhất để lễ hội Bà Thu Bồn tồn tại cùng thời gian.
Hy vọng một thời gian nữa, kho “vàng” thư tịch cổ sẽ được đánh thức, ngõ hầu phát huy hết giá trị của nguồn tư liệu quý này.
______
Bài 2: Đánh thức giá trị
SONG ANH