Theo dõi rừng qua cách tiếp cận hiện đại

TRẦN HỮU 09/11/2018 06:49

Nhiều nỗ lực bảo vệ tài nguyên rừng bền vững đã được ngành kiểm lâm triển khai gần đây như đánh giá các nguy cơ suy thoái rừng thông qua cách tiếp cận dự án REED; nhân rộng hệ thống thông tin địa lý để quản lý hoạt động chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng giám sát rừng qua tuần tra sử dụng công nghệ quản lý bản đồ số. Ảnh: T.H
Nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng giám sát rừng qua tuần tra sử dụng công nghệ quản lý bản đồ số. Ảnh: T.H

Quản lý rừng bằng bản đồ số

Sau khi thực hiện thí điểm thành công mô hình giám sát rừng trên cao ở một số chủ rừng lớn như Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn, Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, Quỹ bảo vệ - phát triển rừng tỉnh, ngành lâm nghiệp tỉnh đã nhân rộng triển khai ở khắp các chủ rừng, cộng đồng dân cư và nhóm hộ sử dụng thành thạo phần mềm WebGIS. Đây là một hệ thống thông tin địa lý, cập nhật dữ liệu lên bản đồ số để phục vụ cho mục đích quản lý.

Tại 3 huyện Nông Sơn, Duy Xuyên và Đại Lộc, cán bộ, nhân viên, cộng đồng giữ rừng được tập huấn sử dụng máy tính bảng, quản trị cơ sở dữ liệu trên nền WebGIS để quản lý hoạt động chi trả dịch vụ môi trường rừng. Quỹ bảo vệ - phát triển rừng đánh giá, so với cách theo dõi và báo cáo diễn biến tài nguyên rừng truyền thống (sử dụng các biểu mẫu trên giấy in), phương pháp này đảm bảo hệ thống theo dõi diễn biến tài nguyên rừng hoạt động hiệu quả hơn bằng cách cải thiện chất lượng số liệu (thông qua chức năng GPS), tăng cường độ tin cậy của số liệu (thông qua các bức ảnh chụp được gắn thẻ địa lý), giảm thiểu lỗi trong báo cáo số liệu (bằng việc sử dụng các mẫu biểu báo cáo dạng số) và nâng cao tính hiệu quả trong quản lý số liệu.

Đánh giá về khả năng làm chủ công nghệ của đối tượng nhận khoán bảo vệ rừng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, ông Phan Quang Tĩnh (cán bộ giám sát Quỹ bảo vệ - phát triển rừng tỉnh) cho rằng, qua các buổi tập huấn tại cộng đồng cho thấy, bằng việc tải sẵn các mẫu biểu về máy tính bảng, sau 1 - 2 buổi thực hành, đại diện của tổ tuần tra hoàn toàn có thể sử dụng thành thạo các thao tác trên thiết bị thông minh. Sau buổi tập huấn, chủ rừng là Ban Quản lý rừng đặc dụng Đắc Mi  đánh giá, hầu hết người dân nhận khoán bảo vệ rừng đều sử dụng được phần mềm qua máy tính hoặc điện thoại bởi hệ thống khá đơn giản. Quá trình, nhật ký tuần tra diễn biến tài nguyên rừng sẽ được cập nhật khoa học hơn. Theo kế hoạch, đến cuối tháng 11.2018, Quỹ bảo vệ - phát triển rừng tỉnh sẽ tổ chức tập huấn cho 12 chủ rừng lớn (gồm các ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, khu bảo tồn và Vườn quốc gia Bạch Mã) về sử dụng máy tính bảng, hệ thống WebGIS.  Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, giám sát rừng trên cao qua các ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin được ưu tiên vào hoạt động chi trả dịch vụ môi trường theo Nghị định 99 năm 2010 của Chính phủ.

Tiếp cận REDD+

Triển khai Quyết định số 419/QĐ-TTg ngày 5.4.2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất rừng và suy thoái rừng; bảo tồn nâng cao trữ lượng các bon và quản lý bền vững tài nguyên rừng đến năm 2030 (chương trình REDD+), đồng thời nhận được sự tài trợ của dự án Trường Sơn xanh, Sở NN&PTNT đang xây dựng kế hoạch hành động REDD+ của Quảng Nam. REDD+ là công cụ vừa giúp giữ rừng, vừa tạo sinh kế cho người dân để khuyến khích họ bảo vệ môi trường rừng. Năm 2009, Việt Nam đã bắt đầu tham gia và có 19 tỉnh, thành phố đã được phê duyệt kế hoạch hành động REDD+.

Để chuẩn bị làm thí điểm, Sở NN&PTNT đã tổ chức tập huấn định hướng về REDD+ và lập kế hoạch hành động REDD+ cấp tỉnh cho nhóm cán bộ chủ chốt nhằm trang bị những kiến thức chung về REDD+; xác định nguyên nhân gây mất rừng, suy thoái rừng, chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia, mức độ phát xạ tham chiếu rừng, các hệ thống giám sát rừng, chính sách, biện pháp của REDD+ và các biện pháp đảm bảo an toàn REDD+. Chính quyền các địa phương chia sẻ nhiều thách thức, rào cản đối với các hoạt động nâng cao trữ lượng rừng gắn với bối cảnh thực tiễn hiện nay.

Để có nguồn lực tài chính thực hiện, trước mắt tỉnh lập danh sách các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có lượng khí thải ra môi trường lớn có trách nhiệm chi trả, hỗ trợ cho người dân vùng dồi dào trữ lượng các bon, giàu đa dạng sinh học. Thời gian qua, ngành lâm nghiệp tổ chức nhiều cuộc hội thảo và khảo sát thực địa để thu thập thông tin và đánh giá các nguy cơ gây mất rừng, suy thoái rừng; lập tiến trình, học tập kinh nghiệm thành công triển khai dự án REDD+ từ các tỉnh phía Bắc. Thực hiện chương trình REDD+ nằm trong kế hoạch của quốc gia trong khuôn khổ các thỏa thuận quốc tế về biến đổi khí hậu. Điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Quảng Nam trong công tác bảo vệ tài nguyên rừng bền vững.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Theo dõi rừng qua cách tiếp cận hiện đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO