Theo dõi trạng thái rừng

TRẦN HỮU 11/08/2017 08:51

Nhiều “điểm nóng” xâm hại rừng trái phép tái diễn ở các khu vực giáp ranh nhạy cảm. Để quản lý chặt chẽ, ngành lâm nghiệp đang tiếp tục kiểm kê, triển khai theo dõi diễn biến trạng thái giàu - nghèo của rừng.

Cán bộ lâm nghiệp điều tra thực địa, kiểm kê, lập hồ sơ theo dõi trạng thái rừng. Ảnh: T.H
Cán bộ lâm nghiệp điều tra thực địa, kiểm kê, lập hồ sơ theo dõi trạng thái rừng. Ảnh: T.H

Nghiêm khắc với các hành vi xâm lấn

Những năm gần đây, nhiều địa phương và các ngành chức năng đã thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng bền vững. Tuy nhiên, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi như Núi Thành, Phú Ninh, Bắc Trà My… và chưa được xử lý dứt điểm. Tại xã Trà Đông (Bắc Trà My), tình trạng lấn chiếm đất rừng tự nhiên để trồng keo rất phức tạp, trong thời gian chờ giải quyết, chính quyền gần như “đóng cửa rừng sản xuất”, không cho người dân khai thác với diện tích chưa hoàn tất thủ tục pháp lý về đất đai. Hơn 2 năm qua, xã Trà Đông phát hiện, xử lý hàng chục hộ lấn chiếm đất rừng trái phép để trồng rừng. Nhiều trường hợp mặc dù xác định được chủ sở hữu tài sản cây trồng nhưng địa phương chưa đồng ý cho khai thác keo đến độ tuổi khai thác. Đời sống của phần lớn người dân vùng giáp ranh các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My (Quảng Nam) với các huyện Tây Trà, Sơn Tây (Quảng Ngãi) phụ thuộc khá nhiều vào rừng, gây thách thức cho nhiệm vụ bảo vệ rừng.

Một địa bàn khác là xã Phước Hiệp (Phước Sơn), lực lượng chức năng rất lúng túng trong giải quyết cây trồng trên đất xâm lấn trái phép. Thống kê của UBND xã Phước Hiệp cho thấy, từ năm 2008 đến nay có ít nhất 40 trường hợp xâm canh trồng keo, cao su, bời lời tại các tiểu khu giáp ranh với Hiệp Đức như 645, 646, 653… với diện tích lên đến hàng trăm héc ta. Rừng tự nhiên khu vực giáp ranh giữa Phước Hiệp với Hiệp Hòa (Hiệp Đức) bị xâm hại chủ yếu tại các khoảnh 2, 4, 5, 6 thuộc tiểu khu 653.

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, thực hiện Chỉ thị số 17/2015/CT-UBND ngày 18.8.2015 của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử lý các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép trên địa bàn tỉnh, đến nay đơn vị xử lý hơn 120 vụ phá rừng trái phép, với diện tích bị thiệt hại gần 300ha tập trung chủ yếu ở các huyện Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Phú Ninh, Phước Sơn. Một số chủ rừng chưa quản lý tốt lâm phận; công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hợp đồng khoán đối với diện tích rừng đã giao cho người dân quản lý bảo vệ theo chính sách chi trả môi trường rừng chưa thường xuyên nên còn xảy ra tình trạng phá rừng trên diện tích rừng đã nhận khoán bảo vệ.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phan Tuấn cho biết, đơn vị đang rà soát, tổng hợp và chuẩn bị sơ kết đánh giá thực hiện Chỉ thị số 17/2015/CT-UBND ngày 18.8.2015 của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử lý các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép trên địa bàn tỉnh. Riêng với các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép đã xác định được đối tượng vi phạm thì tiến hành xác lập hồ sơ vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật, buộc trả lại diện tích đất đã lấn chiếm trái phép cho đơn vị chủ rừng hoặc giao UBND các xã, thị trấn quản lý (đối với những diện tích rừng và đất rừng chưa giao). “Những hành vi xâm lấn đất rừng trái phép đều bị nghiêm khắc xử lý, chứ không có chuyện xử lý xuê xoa. Thực tế chính quyền địa phương đang gấp rút hoàn tất thủ tục hồ sơ bàn giao số diện tích lấn chiếm trái phép về cho chủ rừng quản lý” - ông Tuấn quả quyết.

Theo dõi trạng thái rừng

Nhiệm vụ xuyên suốt của Sở NN&PTNT từ khi triển khai Chỉ thị số 17/2015/CT-UBND ngày 18.8.2015 của UBND tỉnh là kiểm kê, cắm mốc và quy hoạch chi tiết 3 loại rừng. Điều tra hiện trạng rừng cộng đồng, xác định tăng trưởng và trữ lượng có thể khai thác được hàng năm. Theo ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, ngành đang xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về tài nguyên rừng phân theo địa phương và các chủ rừng, kế hoạch giám sát, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng theo từng năm. Đồng thời cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp cho những hộ có rừng, nương rẫy đã khai hoang từ lâu để hợp thức hóa thủ tục về đất đai, tránh tình trạng tranh chấp. Giữa 3 cơ quan chủ rừng, kiểm lâm và chính quyền địa phương đã xây dựng cơ chế phối hợp giữ rừng hiệu quả.

Khó khăn phổ biến của nhiều địa phương miền núi là chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho người dân. Vướng mắc chủ yếu nằm ở chỗ hồ sơ giao đất của các chủ rừng có sự sai khác giữa bản đồ với thực địa; thủ tục thuê tư vấn hỗ trợ kỹ thuật trong công tác kiểm kê rừng, lập hồ sơ quản lý rừng mất nhiều thời gian theo quy định của Luật Đấu thầu. Điển hình tại  6 xã thuộc huyện Đông Giang, khi thực hiện dự án thành lập bản đồ địa chính, tỷ lệ dự án đất lâm nghiệp 1/10.000 cho thấy, trong số 3.564 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp đã ký thì có đến 3.411 giấy (chiếm 95,7%) sai thông tin không thể cấp cho dân. Hiện nay, Sở NN&PTNT lập hồ sơ theo dõi diễn biến rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp theo trạng thái rừng giàu - nghèo, chủ quản lý, mục đích sử dụng rừng. Cán bộ chuyên môn thu thập thông tin về rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp. Lập bản đồ hiện trạng rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định, việc theo dõi trạng thái rừng, hoàn thành công tác kiểm kê rừng sẽ góp phần thuận lợi cho công tác giao khoán rừng đến hộ, nhóm hộ dân; góp phần hoàn thành công tác tổng điều tra nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh và cũng là cơ sở để dễ dàng thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho người dân.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Theo dõi trạng thái rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO