Theo dòng thiên di

NGUYỄN ĐIỆN NAM 20/12/2020 06:39

Sếu đầu đỏ bỏ trời mơ phương Nam…Nhiều lao động di cư và kiều bào vẫn còn mắc kẹt trong các vùng dịch bệnh trên thế giới…

Dòng tin tức chia sẻ rời rạc trên mạng xô nhau đến, không dưng dậy lên trong lòng người cảm thức về sự thiên di. Đi như cánh chim lưu lạc. Thân phận người cũng nào đâu khác với những xao xác sớm chiều mong ngóng, đợi trông.

Nhà thơ quái kiệt người Quảng - Bùi Giáng, sinh thời tự hỏi và tự trả lời “hỏi quê: rằng mộng ban đầu đã xa”. Phải chăng nghĩ sâu là sự xa bản thể, nghĩ cạn là về nơi chốn nào đó phận người nương náu mà quay đầu nhớ bến bờ xưa.

Nhưng cũng như loài chim thôi, thực tế dòng thiên di chưa bao giờ ngừng, vẫn đi như là trôi. Như cách đây 20 năm, hồi năm 2000, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã công bố chọn ngày 18.12 hằng năm làm “Ngày quốc tế người di cư”, thì nay vấn đề  di cư vẫn là câu chuyện đáng quan tâm về quyền con người. Có khác là, với đại dịch Covid-19, hai năm qua có nhiều biến động hơn với việc hạn chế xuất nhập cảnh đã ảnh hưởng tới quyền tự do đi lại của con người trên toàn cầu. Ngay công dân toàn cầu làm việc ở mọi quốc gia mà đi lại khó khăn thì dòng di cư, di dân cũng bội phần ách tắc.

Park Mi Hyung, chuyên gia của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), cho biết “mặc dù Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể trong việc đưa công dân về nước, vẫn còn rất nhiều người Việt đang mắc kẹt ở nhiều nơi trên thế giới. Ước tính, hơn 2,7 triệu người di cư đang bị mắc kẹt trên toàn cầu” (theo VnExpress).

Hãy nhớ các con số, IOM ước tính chỉ riêng giai đoạn 1990-2015 có hơn 2,5 triệu người Việt di cư ra nước ngoài và trung bình mỗi năm tăng thêm gần 100.000 người. Còn Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng ghi nhận trong năm 2019 có 540.000 lao động Việt đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài. Vậy “rất nhiều người Việt”, trong đó có bao nhiêu lao động di cư đang đối mặt với rủi ro khi mất việc làm mà chưa về được quê hương?

Phần đông lao động di cư có mục đích chính là tìm việc làm và thu nhập. Nhưng theo Báo cáo triển vọng phát triển châu Á, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19 sẽ đe dọa an ninh và phúc lợi nghề nghiệp của hơn 91 triệu người di cư quốc tế từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Khi lao động di cư khó khăn việc làm, lo ăn ở chưa xong thì có đâu ngoại tệ để gửi về? Thêm nữa, khi kiều bào nhiều nơi trên thế giới còn phải chật vật với tình trạng thất nghiệp kéo dài, kinh tế suy thoái, nên dòng kiều hối càng bị suy giảm.

Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo Di cư và Kiều hối với dự báo lượng kiều hối năm 2020 Việt Nam sẽ giảm xuống còn 15,7 tỷ USD (năm 2019 gần 17 tỷ USD). Với con số đó, dẫu biết Việt Nam vẫn nằm trong top 10 nước có lượng kiều hối lớn nhất thế giới; kiều hối vẫn được xem là một trong những nguồn lực quan trọng để hỗ trợ kinh tế (chiếm tỷ trọng 5,8% GDP), góp phần cải thiện cán cân thanh toán tổng thể của nền kinh tế, nhưng rõ là đồng tiền gửi về thấm bao mồ hôi nước mắt của rất nhiều lao động di cư và kiều bào trong số khoảng 5,3 triệu người Việt sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài việc đóng góp nguồn kiều hối, người Việt Nam ở nước ngoài cũng ủng hộ gần 70 tỷ đồng trong phòng chống dịch bệnh và khắc phục hậu quả thiên tai vừa qua.

Hiểu những đóng góp của dòng lao động di cư và kiều bào trong lúc gian lao càng thấm bao nghĩa cử cần phải tri ân, ghi nhớ. Quê hương, không chỉ là nơi để ở mà quan trọng hơn cần làm sao luôn ấm áp “mộng ban đầu” của tình yêu, tình thương, tình máu mủ ruột rà, cho người đi xa trở về, hướng về…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Theo dòng thiên di
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO