Theo đuổi mục tiêu tăng trưởng xanh

TRẦN HỮU 16/10/2020 06:10

Quảng Nam đang lồng ghép nhiều nguồn lực xây dựng công trình ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) và theo đuổi mục tiêu tiêu tăng trưởng xanh.

Phát triển đô thị sinh thái ở Hội An. Ảnh: H.P
Phát triển đô thị sinh thái ở Hội An. Ảnh: H.P

Đầu tư cấp bách cho vùng bị tổn thương

Giai đoạn 2020 – 2022, từ nguồn vốn của Trung ương và ngân sách địa phương, phía bờ hữu sông Thu Bồn sạt lở dài 1,4km thuộc thôn Phú Đa (xã Duy Thu, Duy Xuyên) đã được kè cứng. Phía hạ lưu sông Thu Bồn thuộc thôn Triêm Tây, xã Điện Phương (thị xã Điện Bàn) cũng triển khai dự án xây dựng kè sinh thái chống xói lở rất hiệu quả. Cũng trong giai đoạn này, Nam Trà My đầu tư xây dựng công trình kè bảo vệ bờ sông Nước Là với tổng chiều dài 831m.

Các nguồn vốn ưu tiên cho công trình, dự án ứng phó BĐKH trước đây thường phân bổ không lớn, chủ yếu từ nguồn tài trợ của các tổ chức nước ngoài hay triển khai mô hình điểm. Tuy nhiên, từ năm 2020, có dự án thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng tránh thiên tai vừa phục vụ phát triển kinh tế đã được vào danh mục đầu tư công.

Điển hình, năm 2020, HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư 300 tỷ đồng xây dựng tuyến đê ngầm để chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại. Tuyến đê này dài hơn 1km, nối tiếp với dự án chống xói lở khẩn cấp và bảo vệ bờ biển Hội An kết hợp nạo vét luồng Cửa Đại về phía bắc. Đây là dự án thuộc nhóm B sử dụng vốn ngân sách Trung ương. Theo chủ đầu tư  (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh), dự án này sẽ khắc phục tình trạng xói lở diễn ra phức tạp tại biển Cửa Đại, đồng thời góp phần phát triển du lịch, dịch vụ, phát triển kinh tế - xã hội của TP.Hội An. Tiến độ thực hiện dự án trong vòng 3 năm (2020 - 2023). Tương tự, dự án xây dựng tuyến kè dài 340m (gồm sửa chữa và xây mới) tại xã đảo Tam Hải (Núi Thành) hoàn thành tạo điều kiện ổn định đời sống dân cư và phát triển sản xuất của nhân dân trong khu vực; chống xâm thực bờ biển vùng cửa sông khu vực vịnh An Hòa; ngăn chặn sạt lở 5ha đất bờ biển mỗi năm.

Công trình kè bờ biển Tam Hải (Núi Thành) nằm trong hạng mục ứng phó với biến đổi khí hậu.
Công trình kè bờ biển Tam Hải (Núi Thành) nằm trong hạng mục ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hiệu quả rõ nhất của công trình thích ứng BĐKH, phòng chống thiên tai là dự án sắp xếp dân cư miền núi, theo Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh. Giai đoạn 2017 - 2025 theo thống kê có khoảng 17.769 hộ có nhu cầu sắp xếp, bố trí ổn định dân cư; trong đó, phân theo nguyên nhân có 2.808 hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, 13.869 hộ đặc biệt khó khăn, 1.006 hộ sống phân tán có điều kiện khó khăn, 28 hộ cần ra khỏi khu vực bảo vệ của rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và 58 hộ thuộc nguyên nhân khác. Từ nguồn vốn bố trí theo Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh, đến nay hàng trăm ngôi nhà tại các huyện Nam Trà My, Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang, Hiệp Đức đối mặt với nguy cơ sạt lở đất được sắp xếp đến nơi an toàn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu khẳng định, giữ được bản sắc không gian văn hóa cộng đồng ở miền núi, đồng thời kết hợp với bố trí nơi ăn chỗ ở ổn định, an toàn cho người dân cũng là mục tiêu tăng trưởng xanh. Bởi giảm nghèo ở miền núi không chỉ là chuyện cái ăn, cái ở, đầu tư hạ tầng dân sinh, sâu xa hơn giữ được không gian sinh kế lâu dài và bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa.

Cần giã từ kinh tế xả thải

Cần đa dạng nguồn lực đầu tư công trình ứng phó với BĐKH

Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục BĐKH (Bộ TN-MT) cho biết, 10 năm qua Việt Nam đã có kế hoạch hành động quốc gia về BĐKH, từ việc “tự nguyện” chuyển sang hình thức “bắt buộc” có sự kiểm tra, giám sát quốc tế. Với các tỉnh duyên hải miền Trung (trong đó có Quảng Nam), Bộ TN-MT sẽ tiếp tục đầu tư các công trình kiên cố tăng cường khả năng chống chịu với BĐKH ở lĩnh vực tài nguyên nước, nông nghiệp, giao thông, hạ tầng đô thị. Đặc biệt tăng cường khả năng phục hồi của hệ sinh thái tự nhiên và bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học; chống sạt lở bờ sông, bờ biển; đối phó với hiện tượng hạn hán, xâm nhập mặn.

TS.Chu Mạnh Trinh (chuyên gia bảo tồn của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm) cho rằng, Quảng Nam là địa phương trực tiếp bị tổn thương bởi BĐKH, nên Nhà nước phải đa dạng nguồn lực đầu tư; phát triển kinh tế - xã hội phải xem xét các yếu tố bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH. “Khu vực núi rừng và vùng ven biển đều bị tổn thương bởi BĐKH với mức độ khác nhau, vì vậy chúng ta phải quản lý tổng hợp “từ đầu nguồn xuống biển”, áp dụng mô hình cộng đồng quản lý, cộng đồng làm du lịch, phát triển kinh tế xanh” - TS.Chu Mạnh Trinh nói.

Các dự án đã và đang triển khai ở khu vực dễ bị tổn thương trên địa bàn tỉnh vừa thực hiện chức năng “phòng vệ” thiên tai vừa giúp các địa phương có chỉ số tăng trưởng ổn định, giảm thiểu tác động của BĐKH. Về phát triển kinh tế xanh, mấy năm nay miền núi hầu như không đầu tư các nhà máy chế biến dăm gỗ để hạn chế sử dụng lãng phí nguồn lực đất đai do các nhà máy này tiêu thụ rừng trồng chu kỳ ngắn.

Để phát triển ngành lâm nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh, sau khi Việt Nam ký kết với Liên minh châu Âu (EU) Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (gọi tắt FLEGT), từ năm 2019, một số doanh nghiệp tại miền núi dành diện tích chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến liên kết đầu tư trồng rừng gỗ lớn với người dân các huyện Hiệp Đức, Bắc Trà My, Nông Sơn, Tiên Phước. Theo Sở NN&PTNT, để thực hiện FLEGT, ngoài trồng rừng đảm bảo các khâu kỹ thuật từ giống, chứng minh nguồn gốc hợp pháp khi xuất khẩu, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn có trách nhiệm xã hội (sử dụng lao động, chế độ tiền lương, y tế, an toàn thực phẩm…).

Khi quy hoạch không gian phát triển, các đô thị lớn trong tỉnh ưu tiên giải bài toán “trị thủy”; xây dựng kịch bản, phương án đối phó với BĐKH. Hội An và Tam Kỳ luôn “trung thành” với đô thị sinh thái, nỗ lực giải quyết dứt điểm xung đột giữa phát triển hạ tầng, kinh tế với bảo vệ môi trường.

Tại đô thị Tam Kỳ, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội được đặt trong “hệ quy chiếu” với tăng trưởng xanh và BĐKH. Mở rộng không gian đô thị về hướng đông cộng sinh với môi trường có sông, hồ, núi, biển. Đối với thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phải gắn với xử lý, giải quyết môi trường đô thị.

Hội An cũng vậy, để giảm tải cho tình trạng “đất chật người đông”, ngập úng cục bộ khu phố cổ, chính quyền thành phố từ hơn 10 năm nay đã dịch chuyển mở rộng không gian đô thị sang các vùng phụ cận. Quyết định của UBND tỉnh về điều chỉnh quy hoạch chung TP.Hội An giai đoạn đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050 xác định cụ thể khu vực bảo tồn, khu vực chỉnh trang đô thị, khu vực phát triển đô thị, khu vực phát triển tiểu thủ công nghiệp, khu vực phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vùng bảo tồn môi trường thiên nhiên và hệ sinh thái. Phát triển đô thị tuân thủ nguyên tắc bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó BĐKH, đảm bảo công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hóa thế giới đã được công nhận.

Theo UBND tỉnh, Quảng Nam sẽ tiếp tục sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, tích cực vận động các nguồn tài trợ để thực hiện những dự án trồng và khôi phục rừng ngập mặn, nạo vét lòng sông, đê biển, kè biển, nhà cộng đồng tránh bão, đường tránh lũ; triển khai có hiệu quả kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về BĐKH trên địa bàn tỉnh. Từng bước đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng cơ sở để kiểm soát ô nhiễm và tăng sức chống chịu của công trình xây dựng với thiên tai. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp lớn cần nói “lời giã từ” với mô hình kinh tế sản xuất kiểu “khai thác - sản xuất - xả thải” để chuyển sang kinh tế tuần hoàn, tập trung phát triển không rác thải nhờ phát huy tối đa hiệu quả nguồn tài nguyên, tăng tỷ lệ tái sử dụng nguyên liệu. Năm 2019, HĐND tỉnh đã quy định mức chi thực hiện các nhiệm vụ của chương trình mục tiêu ứng phó BĐKH và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 – 2020 trên địa bàn tỉnh.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Theo đuổi mục tiêu tăng trưởng xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO