Tết mùa, dù lần thứ 2 được tổ chức, nhưng vẫn thu hút hàng nghìn nghệ nhân, diễn viên đồng bào Bh’noong từ các xã của huyện Phước Sơn cùng chung vui, rộn rã theo nhịp cồng chiêng. Mừng lúa mới đã về, trên gương mặt họ rạng rỡ niềm mong…
Đầu năm, thị trấn Khâm Đức trở nên nhộn nhịp bởi không gian lễ hội tết mùa. Đây được coi là cái tết quan trọng và ý nghĩa nhất với người Bh’noong (một nhánh của dân tộc Giẻ Triêng) sau một năm tần tảo với nương rẫy. Vì thế, khắp các ngả đường, những dòng người tìm đến cứ nô nức, hòa chung niềm vui trong ngày mừng lúa mới của dân làng.
Cuộc trình diễn sắc màu
Mở rộng hơn lễ hội lần đầu tiên cả về quy mô và chất lượng các nội dung trình diễn, năm nay lễ hội tết mùa được tái hiện bằng rất nhiều hoạt động văn hóa mang đậm màu sắc truyền thống của đồng bào Bh’noong. Xúng xính trong bộ sắc phục thổ cẩm, đồng bào cùng nhau trình diễn tài năng nghệ thuật, tái hiện không gian văn hóa đặc sắc trong đời sống vật chất, tinh thần của tộc người vùng cao. Vì thế, trên từng không gian nhà làng, những món ăn truyền thống, các mặt hàng nông sản, đồ dùng sinh hoạt gắn liền với đời sống hàng ngày được đồng bào mang đến để trưng bày, thu hút rất đông du khách và người dân tìm đến tham quan, chiêm ngưỡng.
Ông Nguyễn Thế Thọ - Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Phước Sơn cho biết, theo quan niệm của đồng bào Bh’noong, lễ hội tết mùa mang ý nghĩa rất linh thiêng, nhằm tạ ơn thần linh đã cho dân làng một mùa nương rẫy bội thu, cầu mong mưa thuận gió hòa, bản làng bình yên, dân làng khỏe mạnh và con cháu thành đạt. Theo đó, một trong những nội dung chính của lễ hội năm nay là phục dựng và tái hiện nghi thức dựng cây nêu của đồng bào Bh’noong. Đây là nét văn hóa truyền thống đặc trưng, thể hiện rõ về văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào, thông qua lễ ăn mừng lúa mới.
“Lễ hội năm nay tiếp tục được tổ chức với quy mô toàn huyện, thu hút gần 1.000 nghệ nhân, diễn viên đến từ 12 xã, thị trấn. Với chủ đề “Văn hóa Bh’noong - điểm hẹn mới”, bên cạnh trưng bày, triển lãm hiện vật và giới thiệu mặt hàng nông sản địa phương, các nghệ nhân còn phục dựng và tái hiện không gian văn hóa độc đáo như: mô hình đuổi chim, tục cưới hỏi, nghi thức dựng cây nêu và giới thiệu ẩm thực truyền thống của người Bh’noong ở Phước Sơn. Ngoài ra, các cuộc trình diễn trang phục truyền thống, thi giã gạo, kéo co cũng được lồng ghép, giúp đồng bào thể hiện tài năng khéo léo, tinh thần đoàn kết tạo nên sức mạnh cộng đồng Bh’noong” - ông Thọ cho biết thêm.
Không nằm ngoài mục tiêu bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, lễ hội cũng là dịp để đón du khách tìm đến, khám phá và trải nghiệm không gian tết mùa độc đáo của đồng bào các dân tộc vùng cao Phước Sơn.
Điểm nhấn cho du lịch
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn - Nguyễn Mạnh Hà cho hay, không chỉ được kỳ vọng tạo ra không gian văn hóa truyền thống cho đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện, lễ hội tết mùa năm nay còn đồng thời mở ra cơ hội cho phát triển du lịch, tạo điểm nhấn liên kết vùng theo trục đường Hồ Chí Minh.
“Không chỉ gói gọn ở quy mô tết mùa, lễ hội được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa đặc trưng của đồng bào Bh’noong. Trong đó, điểm nhấn, ngoài các nghi thức trình diễn dựng cây nêu, còn là không gian tái hiện tục cưới hỏi và trưng bày nhiều sản phẩm nông sản của đồng bào địa phương. Hy vọng không gian lễ hội sẽ vừa là nơi để đồng bào giới thiệu những giá trị văn hóa độc đáo, vừa là nơi để mọi người mua sắm và thưởng thức các sản phẩm du lịch cộng đồng vùng cao, hướng đến hình thành nơi dừng chân lý tưởng cho du khách gần xa” - ông Hà nói.
Những kỳ vọng của địa phương không là điều viễn vông, bởi thực tế những năm gần đây, Phước Sơn đón được rất nhiều đoàn du khách trong và ngoài nước. Lợi thế từ văn hóa bản địa, kết hợp cảnh quan sinh thái, di tích lịch sử… đã giúp địa phương “níu chân” du khách bằng sản phẩm du lịch độc đáo. Chưa kể, dịch vụ lưu trú cũng đang ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu tham quan, khám phá và trải nghiệm cho du khách ghé thăm.
Có mặt tại không gian lễ hội tết mùa năm nay, bà Coco - du khách đến từ Paris (Pháp) bày tỏ sự phấn khích và ấn tượng. Bà Coco nói, sau hành trình “phượt” bằng xe máy dọc đường Hồ Chí Minh, khi dừng chân ở Khâm Đức, tình cờ hay tin địa phương đang tổ chức lễ hội tết mùa vì thế quyết định ở lại và tham gia. “Các bạn có điệu múa rất đẹp và sắc màu thổ cẩm lung linh, rất quyến rũ. Một kỷ niệm đáng nhớ với mình. Hy vọng các bạn sẽ luôn giữ được không gian lễ hội độc đáo này” - bà Coco chia sẻ.
Ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL đánh giá cao những nỗ lực của Phước Sơn trong công tác bảo tồn và phát huy bản sắc truyền thống của đồng bào địa phương. Đồng thời nhấn mạnh, lễ hội tết mùa được tổ chức hàng năm vừa góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo, vừa quảng bá, giới thiệu hình ảnh con người, vùng đất đa sắc màu truyền thống đến với du khách trong và ngoài nước.
“Tết mùa cũng được kỳ vọng sẽ là sản phẩm du lịch đặc trưng của Phước Sơn, tạo điểm nhấn để du khách, các nhà đầu tư, doanh nghệp tìm đến nhiều hơn trong tương lai” - ông Tường nhấn mạnh.