Theo hướng chỉ còn một đầu mối đào tạo nghề công lập

NGUYÊN ĐOAN 17/07/2018 16:51

Tin liên quan

  • Không giao đất cho các chủ đầu tư không đảm bảo điều kiện theo quy định
  • Thảo luận, đề xuất các giải pháp thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ năm 2018

(QNO) - Hàng năm, kinh phí hoàn trả lại cho ngân sách nhà nước lớn hay bộ máy hoạt động của nhiều cơ sở đào tạo nghề còn cồng kềnh là các nội dung đáng chú ý được nêu ra tại báo cáo giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh về công tác tuyển sinh, đào tạo, sử dụng kinh phí của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc tỉnh quản lý trong các năm 2015 - 2016 và 2016 - 2017.

Chiều nay, các đại biểu tiếp tục nghe đại diện UBND tỉnh và các Ban HĐND tỉnh trình bày các báo cáo đề án, tờ trình và ng
Chiều nay 17.7, đại biểu tiếp tục nghe đại diện UBND tỉnh và các ban HĐND tỉnh trình bày các báo cáo đề án, tờ trình và thẩm tra về các nội dung liên quan. Ảnh: N.Đ

Tuyển sinh không đạt chỉ tiêu

Theo báo cáo giám sát của Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh, mặc dù đã rất nỗ lực, cố gắng, linh hoạt, đổi mới phương thức trong công tác tuyển sinh, tuy nhiên số lượng tuyển sinh có xu hướng giảm dần qua các năm, thậm chí một số mã ngành đào tạo không tuyển được học sinh, sinh viên hoặc tuyển rất ít. Do tuyển sinh không đạt chỉ tiêu giao, không duy trì được sĩ số học sinh đến cuối khóa nên hàng năm kinh phí hoàn trả lại cho ngân sách nhà nước ở một số cơ sở giáo dục khá lớn.

Cũng theo báo cáo giám sát của Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh, hầu hết các cơ sở dạy nghề cơ bản ổn định về tổ chức, bộ máy, kể cả các đơn vị vừa chuyển sang loại hình giáo dục nghề nghiệp theo quy định.

Đến năm 2017, tổng số biên chế được giao tại các cơ sở giáo dục công lập là 746 người; trong đó cán bộ quản lý, giáo viên được bố trí theo biên chế là 586 người. Số lượng biên chế tỉnh giao hàng năm hầu hết đều đáp ứng yêu cầu và chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị. Nhiều cơ sở giáo dục đã chủ động sắp xếp khoa, phòng, bộ phận trực thuộc để phù hợp vị trí việc làm, yêu cầu nhiệm vụ và khả năng thực hiện tự chủ tài chính của đơn vị.

Tuy nhiên, báo cáo về kết quả giám sát, bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh cũng nhìn nhận, bộ máy hoạt động của nhiều cơ sở đào tạo nghề còn cồng kềnh với nhiều khoa, phòng, trung tâm trực thuộc, dẫn đến số lượng cán bộ quản lý, cán bộ gián tiếp tăng bất hợp lý. Mô hình tổ chức, biên chế, công tác quản lý nhà nước của các trung tâm dạy nghề  thuộc các hội đoàn thể chưa rõ ràng, gây khó khăn, lúng túng trong quá trình hoạt động.

Số lượng biên chế giao hàng năm cho các cơ sở giáo dục chưa sát thực tế. Qua các năm, kết quả tuyển sinh đều giảm dần song chỉ tiêu biên chế giao từ năm 2015 đến nay không thay đổi. Do đó có tình trạng cơ sở giáo dục được bố trí biên chế nhiều hơn định mức giáo viên/học sinh, hoặc không sử dụng hết biên chế. Ngoài ra có tình trạng đơn vị trực thuộc cơ sở giáo dục hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự đảm bảo thu - chi tài chính song vẫn được giao đủ biên chế.

“Một số cơ sở giáo dục nhiều năm liền chưa kiện toàn đội ngũ lãnh đạo; việc giao chỉ tiêu đào tạo lý luận chính trị chương trình trung, cao cấp ít so với nhu cầu thực tiễn dẫn đến bất cập trong công tác bổ nhiệm cán bộ quản lý. Nhiều cơ sở giáo dục, tỷ lệ giáo viên thỉnh giảng khá cao, có tình trạng thừa/thiếu giáo viên cục bộ, giảng dạy chuyên ngành không phù hợp chuyên môn... Những bất cập này diễn ra phổ biến, làm cho môi trường đào tạo một số cơ sở giáo dục thiếu ổn định, chất lượng đào tạo chưa đảm bảo, đội ngũ cán bộ, giáo viên chưa yên tâm công tác nhưng vẫn chưa có giải pháp khắc phục” - bà Thu cho biết.

Quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới

Từ kết quả giám sát, Trần Thị Bích Thu kiến nghị UBND tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo tinh thần Nghị quyết Trung ương số 19 (khóa XII) và Chương trình 15 của Tỉnh ủy theo hướng về cơ bản chỉ còn một đầu mối đào tạo nghề công lập (trừ trường cao đẳng y tế, trường đào tạo nghề đặc thù đang trong lộ trình nâng cấp lên đại học).

Qua đó nhằm ổn định bộ máy tổ chức, nâng cao năng lực quản trị và phát huy thế mạnh từng phân hiệu của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, khắc phục tình trạng thiếu, thừa cục bộ đội ngũ giáo viên, trang thiết bị đào tạo, giảm khung cán bộ quản lý, bộ phận gián tiếp; từng bước tinh gọn bộ máy, xây dựng lộ trình giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quản lý, điều hành, đảm bảo tính cạnh tranh tự chủ, đảm bảo xã hội hóa. Trước mắt, các cơ sở đào tạo nghề cần tiến hành rà soát, sắp xếp lại các khoa, phòng, bộ phận trực thuộc phù hợp với vị trí việc làm, tinh gọn bộ máy trong nội bộ từng đơn vị.

Đồng thời nghiên cứu và trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định chính sách hỗ trợ thôi việc cho cán bộ, viên chức, người lao động tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau khi sắp xếp lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp nhằm động viên, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, giáo viên có nhiều năm tham gia cống hiến cho sự nghiệp giáo dục đào tạo của tỉnh. Rà soát để giao chỉ tiêu biên chế viên chức sự nghiệp giáo dục gắn với chỉ tiêu tuyển sinh và định mức giáo viên/học sinh theo từng cấp đào tạo.

“Cùng với đó, tăng cường công tác dự báo nhu cầu lao động, thị trường việc làm và công tác tuyên truyền các chủ trương chính sách về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, miền núi. Hàng năm, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát và tham mưu giao chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp giữa ngành nghề cần đào tạo và nhu cầu sử dụng của thị trường lao động, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, gắn với chức năng nhiệm vụ và thế mạnh từng đơn vị hạn chế đến mức thấp nhất việc giao chỉ tiêu ảo, dẫn đến sử dụng kinh phí lãng phí, không hiệu quả. Nhà nước giao chỉ tiêu tuyển sinh, kết hợp đầu tư vào một số ngành trọng tâm, chủ lực của tỉnh. Kể từ năm 2018, không giao chỉ tiêu đào tạo trong ngân sách đối với giáo viên trình độ trung cấp, cao đẳng vì nguồn nhân lực hiện có quá dôi dư” - bà Thu kiến nghị.

NGUYÊN ĐOAN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Theo hướng chỉ còn một đầu mối đào tạo nghề công lập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO