Theo mẹ đi... học nghề

LÊ DIỄM 11/09/2017 09:38

Có những người mẹ với quyết tâm học nghề, lập nghiệp để thay đổi cuộc sống nên không muốn tuột mất cơ hội khi địa phương vận động đi học nghề may công nghiệp theo Quyết định 3577 của UBND tỉnh. Và những đứa con còn quá nhỏ không thể tách mẹ, cũng được địu lên trường và đi học cùng mẹ.

Chị Trần Thị Kiều rời núi rừng Nam Trà My đi học nghề may cùng với đứa con 4 tháng tuổi và người mẹ.  Ảnh: D.L
Chị Trần Thị Kiều rời núi rừng Nam Trà My đi học nghề may cùng với đứa con 4 tháng tuổi và người mẹ. Ảnh: D.L

1. Giờ cơm trưa ở nhà ăn của Trường Trung cấp Nghề thanh niên dân tộc miền núi tỉnh (tại huyện Nam Giang) trở nên đặc biệt hơn khi chị Trần Thị Kiều ẵm theo con gái 4 tháng tuổi và có cả mẹ của chị cùng đến ăn cơm. Những học viên khác xúm xít chung quanh nựng cháu bé. Chị Kiều ẵm con để mẹ là bà Hồ Thị Liên ăn cơm trước, sau đó đến phiên bà ẵm cháu để chị Kiều ăn cơm. Nhìn hình ảnh một người mẹ trẻ đi học ẵm theo con mới 4 tháng tuổi, đưa cả mẹ đi cùng để giữ cháu lúc mình lên lớp học nghề may, những học viên khác nói rằng nghị lực của người mẹ trẻ này thật đáng nể. Bao lâu nay, nói đến nữ lao động đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, ai cũng thường nghĩ ngay đến sự rụt rè, không dám thoát khỏi suy nghĩ bó hẹp, an phận với núi rừng, chồng con. Nhưng với Kiều, chị đã khiến những người chứng kiến phải suy nghĩ khác đi. Có thể nhìn thấy ở chị một niềm tin rằng cuộc đời chị sẽ trang sang mới nếu có được nghề nghiệp trong tay.

Giữa vùng núi rừng Trà Tập (huyện Nam Trà My), chị Kiều biết làm gì để có thể hiện thực ước mơ có nghề nghiệp mà ổn định cuộc sống? Trong khi chị lại còn vướng bận con nhỏ, những tưởng ước mơ đã lụi tắt. Nhưng khi cơ hội học nghề may công nghiệp đến, chị không ngần ngại bàn với chồng cho chị ẵm theo con, đưa cả mẹ cùng đi học nghề. Chồng đồng thuận, chị như mở cờ trong bụng. Rồi một người bà, người mẹ ẵm theo đứa bé mới 4 tháng tuổi, khăn gói đón xe khách qua vài chặng mới đến được trường nghề. Đó cũng là tất cả “hành trang” chị Kiều mang theo với ước mơ đơn thuần là có nghề nghiệp để có việc làm, ổn định cuộc sống, lo cho gia đình.

Cảm phục tinh thần của chị Kiều, lãnh đạo Trường Trung cấp Nghề thanh niên dân tộc miền núi tỉnh tạo điều kiện hết sức thuận lợi, bố trí chỗ ở cho cả nhà, lo ăn uống ngày 3 bữa. Với sự hỗ trợ đó, nỗi lo của chị Kiều được trút bỏ, chị có thể yên tâm theo đuổi nghề may - con đường mới của hy vọng mở ra trước mắt chị. “Học xong nghề may, mình và mẹ lại ẵm con xuống đồng bằng thuê nhà trọ, đi làm. Việc làm thì nhà trường đã lo rồi, chỗ ở nhà trường cũng hứa sẽ tìm giúp. Ban đầu con còn nhỏ, mẹ mình phải đi theo để giữ lúc mình đi học, đi làm. Sau này con lớn hơn, mình sẽ gửi nhà trẻ để mẹ về lại, tiếng Kinh mẹ cũng không biết nhiều nữa, nên giao tiếp cũng khó, mẹ đi lâu chắc sẽ nhớ núi lắm, không chịu được đâu” - chị Kiều tâm sự.

Con gái 2 tuổi của chị Nguyễn Thị Hoạt theo mẹ đến trường học nghề.  Ảnh: D.L
Con gái 2 tuổi của chị Nguyễn Thị Hoạt theo mẹ đến trường học nghề. Ảnh: D.L

2. Ban đầu, chị Nguyễn Thị Hoạt (xã Trà Tập, Nam Trà My) cũng chỉ vì con mới 2 tuổi, nên dù ước ao được đi học nghề may, chị vẫn không dám đăng ký tham gia. Nhưng khi gặp được chị Kiều con mới 4 tháng tuổi mà cũng đăng ký đi học nghề, chị Hoạt trò chuyện và được tiếp sức nên quyết tâm đi học nghề cùng đợt với chị Kiều. Chị Hoạt bàn thảo với chồng cho mang con theo, chứ ở nhà chồng đi làm rẫy cả ngày, không ai trông con. Cũng vừa hay chị Kiều có mẹ theo giữ con giúp, nên chị Hoạt có thể gửi con nhờ bà trông luôn thể. Hai người mẹ trẻ, gặp nhau ở sự quyết tâm thay đổi cuộc đời, ở nghị lực dám đương đầu với khó khăn để được học nghề. Họ đã cùng nhau đến trường, động viên nhau cùng cố gắng học nghề để sau này đi làm.

Chị Hoạt nói: “Thấy chị Kiều con nhỏ mà còn đi học nghề, mình con lớn hơn sao lại không đi học được, thế nên mình cũng quyết đi học nghề. Nhờ có chị Kiều “làm gương” nên chồng mình mới đồng ý cho đưa con đi học. Ở trường, chuyện ăn ở đều miễn phí, học cũng không tốn kém gì hết. Chỉ lo đến lúc đi làm phải gửi con, mà lúc đầu đi làm thì chưa có tiền, lấy tiền đâu để cho con đi nhà trẻ. Mặc dù nhà trường động viên mình yên tâm, sẽ hết sức tạo điều kiện cho, nhưng mình cũng thấy lo lắm! Mình sẽ cố gắng học nghề thật tốt để đi làm được, lo cho con được. Chỉ mong Nhà nước có thể xem xét những hoàn cảnh phụ nữ con nhỏ như mình, hỗ trợ tiền gửi trẻ để mình có thể yên tâm làm việc mấy tháng đầu. Khi công việc ổn định rồi, có tiền rồi thì không lo nữa”.

Những đứa trẻ phải theo mẹ đến trường học nghề, những người mẹ trẻ là những lao động ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số chấp nhận khó khăn, vất vả mong có được cái nghề ổn định cuộc sống. Họ có nghị lực, có sự quyết tâm, và quan trọng là ý chí dám vượt qua chính bản thân mình, dám đương đầu với thử thách. Có được cái nghề, đối với lao động vùng cao của tỉnh là điều khó, và sống được với nghề đó còn khó hơn gấp bội. Trước mắt những người mẹ trẻ ấy là con đường với đầy nỗi lo toan khi xuống đồng bằng bươn chải để nuôi bản thân và nuôi con. Khi bước chân vào môi trường làm việc công nghiệp với nhiều áp lực về cả thời gian, tác phong nghề nghiệp, đặc biệt là mối quan hệ chủ sử dụng lao động và người lao động tại nơi làm việc, đòi hỏi họ phải thích ứng và thay đổi hoàn toàn so với khi sống ở bản làng. Chỉ mong rằng với sự quyết tâm, nghị lực của bản thân, họ có thể trụ vững với nghề may mình đang học và sẽ gắn bó với nghề này, ổn định được cuộc sống và lo cho những đứa con đang theo mẹ.

LÊ DIỄM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Theo mẹ đi... học nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO