Theo nhịp sống công nghiệp

LÊ DIỄM 12/06/2018 14:31

Theo cuộc di dân tái định cư, nhường đất cho nhà máy, xí nghiệp, hàng trăm hộ dân của xã Tam Hiệp (Núi Thành) đã rời chỗ ở cũ. Cuộc di dân bắt đầu từ năm 2002, cho tới 2010 mới ngưng. Ở nơi mới, nhiều người đã ổn định với nhịp sống công xưởng.

Gia đình bà Lê Thị Liễu sau tái định cư sống bằng nghề buôn bán nhỏ. Ảnh: D.L
Gia đình bà Lê Thị Liễu sau tái định cư sống bằng nghề buôn bán nhỏ. Ảnh: D.L

Công nhân địa phương

Ban ngày, ngang qua các dãy nhà san sát nhau ở các khu tái định cư Mỹ Bình, Phái Nhơn, Vĩnh Đại (Tam Hiệp), rất khó tìm được một căn nhà mở cửa. Đến một căn nhà có cổng để mở ở thôn Mỹ Bình, tôi gọi cửa, chỉ thấy hai người lớn tuổi cùng những đứa trẻ. Ông Thông đang lúi húi sửa cái xe đạp cho cháu tập đi. Ngừng việc sửa xe cho cháu, ông Thông kể trong một lần bị tai nạn lao động, ông đã mất đi một chân, từ đó mọi công việc trong nhà đều do một tay vợ ông - bà Nguyễn Thị Hội lo toan.

Bởi thế nên khi rời xa đất vườn nhà hơn 5.000m2 vào năm 2002, ông vừa mừng cũng vừa lo. Mừng vì vợ ông không còn phải vất vả với ruộng vườn, lo vì không còn đủ củ khoai hạt gạo, trong khi các con còn đi học, mà khoản tiền 54 triệu đồng bồi thường thời điểm đó làm nhà đã bị thâm hụt. Sau tái định cư, cuộc sống của vợ chồng ông Thông vất vả hơn, ông bà dựng hai bàn bi-a, một bàn bi lắc, đổi nước lọc, bà đi làm thuê... lo cho các con. Rồi cũng qua, các con học xong đi làm, được tiếp nhận vào làm việc ở các công ty Trường Hải, CCI, Minh Dương. Ông Thông nói: “Giờ vợ chồng tôi cũng sống nhờ con và khoản tiền trợ cấp hàng tháng cho người khuyết tật. Tụi nó đi làm thì vợ chồng tôi giúp giữ cháu, đưa đón các cháu đi học. Sau tái định cư, chỉ có người trẻ có sức lao động mới sống tốt hơn, chứ già như vợ chồng tôi thì chỉ có làm việc vặt, giữ sắp nhỏ. Dù sao thì như thế cũng được, con cái có việc làm là mừng rồi”.

Vừa trở về nhà sau ngày làm việc dài, chị Trần Thị Thiên (thôn Phái Nhơn) thay bộ đồ công nhân Trường Hải, chuẩn bị chở con đi siêu thị mua ít đồ dùng. Chị Thiên nói rằng công ty mới cho một số phiếu mua hàng, nên chị chở con đi mua đồ và cho con đi chơi. Từ khi con bế giảng năm học đến giờ, mãi bận bịu công việc mà anh chị chưa cho con đi chơi. Chị Thiên về lúc cuối ngày, còn anh Phạm Văn Thành (chồng chị) vẫn còn đang trong ca sản xuất ở nhà máy của Trường Hải. Gia đình chị Thiên, anh Thành cũng như nhiều gia đình khác tái định cư đến thôn Phái Nhơn, nhường đất xây dựng nhà máy, xí nghiệp. Đất cũ của họ, giờ là nhà máy của các công ty Trường Hải, kính nổi Chu Lai. Ban ngày, người trẻ vào nhà máy làm công nhân, tối về thì khu dân cư mới đông đúc hơn. Chị Thiên chia sẻ: “Toàn bộ người dân ở khu tái định cư còn trong độ tuổi lao động đều vào làm công nhân ở các công ty trong Khu Kinh tế mở Chu Lai. Với chúng tôi, khi đi làm đều được lo các chế độ bảo hiểm đầy đủ, làm tốt thì hai vợ chồng tôi mỗi tháng cũng được hơn chục triệu đồng, đủ lo cho con cái ăn học và chi phí sinh hoạt chứ chưa dư được. Dù sao thì bây giờ đi làm trong các công ty vẫn tốt hơn là làm nông ở vùng cát trắng nắng cháy này”.

Thích nghi

Năm 2009, khi toàn bộ diện tích đất của gia đình nằm trong diện phải giải tỏa để xây dựng Khu công nghiệp Bắc Chu Lai, ông Phạm Văn Toàn và bà Lê Thị Liễu nhận khoản bồi thường gần 500 triệu đồng, rồi khăn gói đến nơi ở mới. Đất đổi đất, ông được nhận một thửa tái định cư ở thôn Phái Nhơn (Tam Hiệp), rồi dùng tiền bồi thường xây lại căn nhà mới. Hết khoản tiền bồi thường, con còn đang tuổi ăn học, vợ chồng ông phải tính kế sinh nhai. Ông Toàn tâm sự: “Người ta có sức khỏe, tuổi còn trẻ thì vào nhà máy được, chứ vợ chồng tôi tuổi cao, sức yếu, có muốn cũng không ai tuyển. Tôi bàn với vợ chuyển sang bán buôn nhỏ, mở hàng nước mía giải khát. Giờ thì mỗi ngày cứ đều đặn có thu nhập ít cũng một trăm, nhiều thì hai ba trăm nghìn đồng. Trước, ở chỗ cũ, vợ chồng tôi chỉ suốt ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời giữa mênh mông cát trắng, làm ruộng thì đi xa mà cũng nhờ trời. Giờ lớn tuổi có việc bán buôn thế này cũng đỡ, không nặng nhọc nhưng có đồng thu nhập, không khá lắm nhưng ổn định”.

Gia đình ông Nguyễn Thập từ thôn Vĩnh Đại nằm trong diện giải tỏa, ông dọn về sống ở thôn Mỹ Bình. Dù đi đến đâu, ông Thập cũng đảm đương nhiệm vụ Bí thư Chi bộ thôn. Ông thuộc diện giải tỏa sớm (từ năm 2004), cùng lúc với hơn 190 hộ dân của thôn Vĩnh Đại. Lúc đó, chỉ có hai khu tái định cư ở phần đất còn lại của Vĩnh Đại và Mỹ Bình, người dân đều được đến chỗ ở mới. Thấm thoắt đã 14 năm về nơi ở mới, những căn nhà tái định cư ngày nào đã ố màu thời gian, có nhiều căn nhà trong các thôn tái định cư Vĩnh Đại và Mỹ Bình đến hồi cần được sửa chữa. Nói về cuộc sống sau tái định cư, ông Thập phân định: “Phần lớn người già không biết làm gì cho ra đồng tiền, tiền bồi thường xây nhà hết, giờ đến lúc nhà xuống cấp không có tiền sửa sang... Một số người chuyển sang bán buôn nhỏ hay còn sức khỏe đi làm bảo vệ, tạp vụ trong các nhà máy. Nhà nào có con đến tuổi lao động thì có thể cho vô nhà máy, xí nghiệp. Các công ty đều dành sự ưu tiên cho những hộ dân mất đất sản xuất. Người trẻ họ thích nghi được với cuộc sống công nghiệp trong các nhà máy...”.

LÊ DIỄM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Theo nhịp sống công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO