Gần 120.000m2 cây hoa màu của người dân thôn Bình Trúc 1 (xã Bình Sa, Thăng Bình) bị thiệt hại, ngập úng từ khi thi công tuyến đường cứu nạn cứu hộ chạy qua địa bàn.
Theo thống kê của UBND xã Bình Sa, có 71 hộ dân trồng hoa màu dọc hai bên con đường cứu nạn cứu hộ phải chịu cảnh thất thu, bỏ hoang từ vụ đông xuân 2012 - 2013 đến nay; nhiều nhất là diện tích đất dùng để trồng đậu phụng, mè, khoai sắn… với mức độ thiệt hại 75 - 100%. Trong khi đó, đây là những cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế của người dân vùng cát này. Vợ chồng ông Võ Tấn Nhì (tổ 2, thôn Bình Trúc 1) đang thu hoạch cây cải củ, năng suất không đạt một nửa so với những năm về trước. Ông Nhì nói: “Từ khi thi công tuyến đường này, họ múc mương, múc đất nhưng không hoàn thổ khiến mạch nước ngầm bị ảnh hưởng, đất cát không có độ ẩm nên mùa khô trồng cây gì thì chết cây nấy. Còn mùa mưa thì không có chỗ thoát nước vì con khe mương Xã Thập đã bị đơn vị làm đường san lấp khiến cây trồng bị úng thối”. Lão nông này cho biết thêm, gia đình ông trồng 6 sào hoa màu quanh năm dọc hai bên con đường này, mỗi năm thu vào vài chục triệu đồng, nhất là vào dịp tết nhưng hiện nay phần lớn đất đã bỏ hoang, phần diện tích còn lại trồng không đủ bù chi phí phân bón, công chăm sóc.
Người dân thôn Bình Trúc 1 bức xúc vì việc thi công đường đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất. |
Ông Hà Như Diêu - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Sa cho biết, chủ đầu tư tuyến đường cứu nạn cứu hộ này là Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, còn đơn vị thi công là Tập đoàn Xuân Thành. Từ khi khởi công tuyến đường qua địa phận Bình Sa đã ảnh hưởng rất lớn đến sinh kế người dân. Ông Diêu nói: “Vì là đất cát nên khi đào lấy đất thì nơi cách xa cả trăm mét vẫn bị hút nước, dẫn đến khô cằn. Từ những khó khăn của bà con trong sản xuất, địa phương đã kiến nghị đơn vị thi công làm lại một con mương dài 2,4km để thoát nước vào mùa mưa nhưng từ tháng 4.2014 đến nay, đơn vị trên mới làm được có 800m. Tuy nhiên khi làm qua đoạn đường dân sinh lại lắp cống nước quá nhỏ khiến mưa xuống là nước tràn bờ, khoét xói và chia cắt hơn 20 hộ dân xóm An Thái thôn Bình Trúc 1”. Ông Diêu cho biết thêm, khi làm con mương trên, đơn vị thi công đã lấn nhiều diện tích đất sản xuất của các hộ dân và thông báo sẽ đền bù nhưng đến nay chưa có hộ nào nhận được số tiền này. “Người dân cũng không quan trọng chuyện đền bù, chỉ mong mỏi các đơn vị thi công quan tâm khắc phục những tồn đọng, từng bước giúp bà con khôi phục sản xuất” - ông Diêu nói.
Theo ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, những bức xúc của người dân thôn Bình Trúc 1 là hoàn toàn chính đáng và các bên liên quan cần quan tâm giải quyết rốt ráo cho người dân. “Tôi đã đến khảo sát, tìm hiểu và thấy việc sản xuất của bà con bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tình trạng này cần phải được khắc phục kịp thời để ổn định sản xuất cho nhân dân” - ông Muộn nói.
QUANG VIỆT - VĂN HÀO