Những trở lực về địa hình phức tạp, thời tiết bất thường vùng cao được nhà thầu dự án đường vào trung tâm xã A Xan, nối xã Ch’Ơm đến cửa khẩu phụ Tây Giang (giai đoạn 1) khắc phục để thúc đẩy tiến độ thi công.
Nền nhiều đoạn tuyến dự án lên vùng cao huyện Tây Giang đã được san ủi. Ảnh: C.T |
Thử thách thời tiết
Ngày 20.3.2010 diễn ra lễ thông đường giao thông liên xã phóng tuyến cận “cổng trời” - thôn Ch’Nốc (xã Ch’Ơm). Tuyến đường lên biên giới Việt - Lào đã phá thế cô lập đường cụt, mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào vùng cao. Vậy nhưng, do nền và mặt đường đất, nên mùa mưa lầy lội không thể đi lại thông suốt, mất an toàn từ cửa khẩu phụ Tây Giang xuôi về các xã Ch’Ơm, A Xan đến trung tâm huyện. Rời quê nhà Túy Loan (Hòa Vang, Đà Nẵng) lên mưu sinh tại A Xan hơn 10 năm, vợ chồng cô Thu buôn bán tạp hóa trong căn nhà nhỏ cất ven con đường đất đi qua trung tâm xã. “Trời mưa đường khó đi, mất an toàn, chạy xe máy phải có người lội theo phía sau đẩy mới được” - cô Thu nói. Thầy Bling Thành - giáo viên Trường Tiểu học A Xan chia sẻ, đường xấu, nhiều chỗ có độ dốc lớn, học sinh đi học rất nhọc nhằn. Gặp mưa kéo dài, nước suối băng qua điểm trũng thấp gây chia cắt lưu thông dài ngày, các cháu phải nghỉ học... Trước tình hình đó, ngày 5.9.2016, Sở Giao thông vận tải (chủ đầu tư) chính thức khởi công công trình đường vào trung tâm xã A Xan, nối xã Ch’Ơm đến cửa khẩu phụ Tây Giang. Giai đoạn 1 triển khai thực hiện hơn 11,750km chiều dài.
Dự án đường vào trung tâm xã A Xan, nối xã Ch’Ơm đến cửa khẩu phụ Tây Giang (giai đoạn 1) có điểm đầu tuyến nối tiếp vào km52+000 đường A Zích - Lăng - A Xan (ĐH1.TG), điểm cuối tuyến tại km11+760,38 qua trung tâm xã Ch’Ơm, cách cửa khẩu phụ Tây Giang khoảng 3km và cách biên giới Việt - Lào khoảng 6km. Cấp đường cấp VI miền núi; nền đường rộng 6m, mặt đường kết cấu bằng bê tông xi măng rộng 3,5m (lề mỗi bên rộng 1,25m). Bình đồ tuyến bám theo đường đất cũ, kết hợp chỉnh tuyến cục bộ một số đoạn để đảm bảo tiêu chuẩn của cấp đường; riêng đoạn km6+500-km9+000 hướng tuyến đi mới hoàn toàn nhằm tránh đoạn đường cũ có độ dốc lớn. Tổng mức đầu tư là 185,733 tỷ đồng; nguồn từ ngân sách trung ương hỗ trợ theo Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng và ngân sách tỉnh. Thời gian thi công theo hợp đồng là 34 tháng, bắt đầu từ tháng 9.2016. Được biết, nguồn vốn thực hiện cho giai đoạn 2 của dự án (khoảng 9km còn lại) đã được đưa vào kế hoạch trung hạn 2017-2020. |
Đảm nhận thực hiện dự án, Công ty TNHH MTV Hữu Hay đã huy động tối đa các đội thi công cùng xe tải, trang thiết bị chuyên dụng trên công trường. Theo ông Lê Văn Dũng - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Hữu Hay, đơn vị luôn động viên đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân lao động khắc phục mọi khó khăn để triển khai nhiệm vụ. Tuy nhiên, đáng lo nhất là thời tiết vùng này mưa nhiều, nhịp độ khá thất thường so với những năm về trước. Ở đây, trung bình một tháng có tới 20 ngày mưa, khiến đất cao lanh chảy tràn ra lòng đường nhão nhẹt, xe vận chuyển vật liệu phải “bò” vài ngày mới vào tới công trường. Nhiều vị trí bám tuyến cũ đang khai thác lại vừa thi công hạ cốt nền, vì vậy khâu đảm bảo an toàn giao thông không dễ dàng. Cạnh đó, đối phó với nền đường trơn trợt, lên xuống, quanh co, người dân lồng xích vào lốp xe tải để chở hàng hóa càng làm cho bề mặt hư hỏng nặng thêm. Một khó khăn nữa là khâu giải phóng mặt bằng chậm hơn so với mục tiêu đề ra (mới hoàn thành trong tháng 8.2017). Chính vì thế, thời điểm trời khô ráo mà nhà thầu lại thiếu mặt bằng thi công.
Vượt khó
Nhận diện lực cản, đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh đã tích cực phối hợp với huyện Tây Giang, các sở, ban ngành liên quan để trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt hoàn thành phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng khu rừng thuộc phạm vi công trình. Ban còn cử cán bộ bám sát công trường nhằm điều hành, phối hợp tháo gỡ vướng mắc, chỉ đạo nhà thầu khắc phục khó khăn để thúc đẩy thi công. Kỹ sư Phan Thanh Hải - cán bộ điều hành thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết, với nỗ lực của mình, nhà thầu đã thi công cơ bản các hạng mục trong phạm vi mặt bằng được bàn giao với tổng giá trị khối lượng là 69,119/139,569 tỷ đồng (đạt 49,5% giá trị hợp đồng). Riêng tổng khối lượng đào nền đất, đá là 467.347/636.824m3 (đạt 73,38%). Nhiều vị trí hiện đã đắp nền K95, đúc xong cống hộp, lắp đặt đủ cống tròn, đổ bê tông xi măng rãnh cơ, dốc nước… Kỹ sư Phan Thanh Hải đánh giá, chất lượng công việc của nhà thầu cơ bản đảm bảo yêu cầu, tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy định hiện hành của Nhà nước trong quá trình thi công.
Được biết, công trình hoàn thành sẽ kết nối đường giao thông huyết mạch giữa các xã của Tây Giang vào tỉnh lộ 606. Cung đường không những góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo công tác y tế, giáo dục triển khai hiệu quả, giữ vững an ninh - quốc phòng mà còn phát triển hạ tầng khu cửa khẩu phụ Tây Giang, tăng cường giao lưu văn hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực biên giới. “Đây là dự án trọng điểm nhằm hiện thực hóa chiến lược phát triển vùng tây của tỉnh. Vì vậy, chúng tôi đôn đốc nhà thầu tăng cường nhân lực và thiết bị để đẩy nhanh tiến độ thi công bù lại thời gian trì hoãn do vướng mặt bằng và bất lợi về thời tiết. Đơn vị tư vấn giám sát theo dõi, kiểm tra chặt chẽ nhằm đảm bảo chất lượng công trình” - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, ông Trần Cảnh Hà chia sẻ. Để thúc đẩy tiến độ, Công ty TNHH MTV Hữu Hay đang cho đào hạ thấp cốt nền tới đâu sẽ đổ đá tới đó để chống lầy. Đoạn nào đổ xong bê tông xi măng sẽ dùng bạt che mưa. Nếu trong quá trình san ủi, đất có rơi vãi xuống vườn nhà dân thì nhờ chính quyền địa phương can thiệp giúp. Một giải pháp khác được đưa ra là tranh thủ tăng thời gian làm việc khi thời tiết thuận lợi. Công tác thi công sẽ tiến hành theo kiểu cuốn chiếu, không dàn trải.
CÔNG TÚ