Nhà thầu 2 dự án đường nối từ đường cứu hộ cứu nạn (đường 129) đến quốc lộ (QL) 1 tại ngã ba Cây Cốc và từ QL1 đến nút giao đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với QL14E đã cố gắng thi công, trong bối cảnh vướng mắc mặt bằng kéo dài.
Thi công đoạn bổ sung nối từ đường 129 xuống khu dân cư ven biển. Ảnh: C.TÚ |
Mặt bằng chưa thông
Hai dự án nêu trên do Sở Giao thông vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư, kể cả đoạn bổ sung khi hoàn thành sẽ kết nối liên hoàn từ xã Bình Minh lên gần tiệm cận nút giao đường cao tốc. Triển khai thi công từ tháng 3.2017, mặt bằng làm công trình đường nối từ đường 129 đến QL1 đến nay mới bàn giao tổng cộng 6,22/6,671km. Ách tắc hiện nằm chiều dài khoảng 450m, cụ thể tuần qua còn 24 vị trí mặt bằng chưa khai thông, gồm 17 hộ ở xã Bình Đào, 1 nằm xã Bình Phục và 6 tại thị trấn Hà Lam. Vướng mắc lớn nhất là chuyện bố trí tái định cư (TĐC) cho 17 hộ (19 nhà và 1 nhà thờ tộc) với 23 lô thuộc xã Bình Đào. Trong đó, khu TĐC giai đoạn 1 bố trí được 12 lô. Số lô còn lại được bố trí vào khu mở rộng giai đoạn 2, nhưng giai đoạn 2 lại chưa triển khai xây dựng trên thực địa. Về đoạn mới bổ sung từ khu dân cư ven biển Bình Minh đến đường 129, đại diện chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh) thông tin, 10 hộ dân của xã Bình Đào và 8 hộ xã Bình Minh bị ảnh hưởng dự án. Địa phương chỉ mới bàn giao được 0,5/1,63km chiều dài mặt bằng đoạn qua xã Bình Đào. Điểm nghẽn được xác định là 1,751ha rừng phòng hộ chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng, nên chưa thể lập phương án khai phóng.
Dự án đường nối từ QL1 đến nút giao đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với QL14E đi qua xã Bình Quý và thị trấn Hà Lam. Dù ký kết hợp đồng thi công từ tháng 11.2016, tổng chiều dài mặt bằng mà nhà thầu nhận được đến nay là 3,65/3,8km. Khối lượng còn lại chưa bàn giao tập trung đoạn trùng QL14E (Hà Lam 80m và Bình Quý 70m). Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh - ông Trần Cảnh Hà cho hay, qua Hà Lam, đoạn trùng QL14E vướng 10 trường hợp. Cụ thể, 4 hộ yêu cầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ), 4 trường hợp yêu cầu bồi thường sát mép đường cũ, 1 gia đình gửi đơn khiếu nại yêu cầu bồi thường phần đất hành lang phía trước, 1 hộ chưa có bìa đỏ và địa phương đã tổ chức họp nhưng chưa thống nhất phạm vi thu hồi. Cạnh đó, phạm vi giải phóng mặt bằng đoạn tăng tốc và giảm tốc dọc QL1 chưa triển khai, dù đại diện chủ đầu tư đã từng kiến nghị. Tại Bình Quý, 4 hộ đã phê duyệt phương án không đồng ý nhận tiền và yêu cầu bồi thường phần đất hành lang phía trước. Ngoài ra, hộ bà Diệp nằm cuối tuyến dù đã phê duyệt phương án nhưng gia đình không thống nhất nhận tiền và yêu cầu bồi thường phần đất phía trước thuộc đất hành lang.
Nỗ lực của nhà thầu
Mặt bằng chưa bàn giao hoàn thành, không ít thời gian thiết bị máy móc phải “đắp chiếu”, nhưng với trách nhiệm của mình, nhà thầu đã nỗ lực thi công, dù phải làm dích dắc. Để đến cuối tuần qua, gói thầu số 1 (đoạn km0+00 - km1+573,11 và cầu Trường Giang) của đường nối từ đường 129 đến QL1 hoàn thành cơ bản toàn bộ cầu; phần đường đang thi công nền K95, K98 (trừ đoạn 300m do vướng 17 hộ dân Bình Đào). Thuộc gói thầu số 2 (đoạn km1+573,11 đến cuối tuyến), toàn bộ cống ngang đường đã xong; hoàn thành đắp đất trên phạm vi chiều dài 4,4km để cấp phối đá dăm 4km, rồi tiến hành thảm 3km bê tông nhựa. Chia sẻ về đoạn bổ sung từ khu dân cư ven biển đến đường 129, kỹ sư Nguyễn Bảo Trung - cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Thanh Tiến cho biết, công trình triển khai thi công từ ngày 22.6 vừa qua. Hiện nay, nhà thầu đào nền, đắp đất và làm cống thoát nước trên mặt bằng được giao. Ghi nhận trên công trường, đơn vị thi công cũng đã tiến hành cấp phối đá dăm lớp 1 được vài trăm mét. Phạm vi mặt bằng được bàn giao của đường từ QL1 đến nút giao cao tốc, liên danh nhà thầu gồm Công ty CP Công trình GTVT Quảng Nam và Công ty CP Xây dựng giao thông Quảng Nam hoàn thiện toàn bộ cống thoát nước ngang, thoát nước dọc cho cả hai bên tuyến; xong móng cấp phối đá dăm và thảm 3,5km bê tông nhựa (đạt 85% giá trị xây lắp).
Để có cơ sở đôn đốc, chỉ đạo nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình, nhất thiết mặt bằng phải thông suốt đâu vào đó. Chính vì vậy, Sở GTVT và đại diện chủ đầu tư mới đây đã đề nghị huyện Thăng Bình tiếp tục tiến hành bốc thăm đất khu TĐC Bình Đào đối với các trường hợp còn lại; nghiên cứu phương án thuê nhà ở sau khi nhận tiền để họ sớm bàn giao mặt bằng. UBND huyện chỉ đạo đơn vị trực thuộc khẩn trương làm thủ tục đầu tư mở rộng, xây dựng khu TĐC Bình Đào giai đoạn 2. Đồng thời Thăng Bình cần yập trung giải phóng nút QL1 để thông tuyến và đảm bảo an toàn giao thông; đẩy nhanh việc rà soát hồ sơ, thủ tục, lập phương án cưỡng chế đối với các hộ bà Nuôi, ông Thiện, ông Văn và tổ chức thực hiện trong quý III/2018.
Đối với đoạn qua rừng phòng hộ, người có trách nhiệm kiến nghị UBND tỉnh cho phép vừa thi công, vừa làm các thủ tục bàn giao, chuyển đổi mục đích đất rừng… Do Sở GTVT không có chuyên ngành, chủ đầu tư kiến nghị thống nhất cho nộp tiền thay thế và giao cơ quan chuyên môn thực hiện. Thuộc phạm vi đường nối QL1 lên nút giao cao tốc, địa phương cần đối thoại, vận động lần cuối trường hợp đã phê duyệt phương án nhưng chưa đồng ý nhận tiền. Nếu các hộ vẫn không đồng thuận, đề nghị có kế hoạch cưỡng chế thi công. UBND huyện Thăng Bình chỉ đạo UBND thị trấn Hà Lam phối hợp với các bên liên quan làm việc, cấp sổ đỏ cho các hộ liên quan để người dân nhận tiền, bàn giao mặt bằng; đồng thời đôn đốc di dời 4 trụ điện chiếu sáng cũng như các trụ thuộc phạm vi làn tăng tốc, làn giảm tốc dọc QL1 tại nút Cây Cốc.
CÔNG TÚ