Thi công đường nối ven biển hướng lên cao tốc: Trục trặc mặt bằng

CÔNG TÚ 25/09/2018 06:21

Rất nhiều giải pháp đã được đưa ra, song ách tắc về giải phóng mặt bằng (GPMB) khiến các dự án giao thông kết nối từ đường 129 lên gần nút giao cao tốc qua Thăng Bình chưa thể thông suốt.

Thi công đường nối ven biển lên cao tốc. Ảnh: C.T
Thi công đường nối ven biển lên cao tốc. Ảnh: C.T

Lại ách tắc

Các dự án vừa đề cập gồm đường nối từ đường cứu hộ cứu nạn (đường 129) đến quốc lộ (QL) 1 tại ngã ba Cây Cốc và đường nối từ QL1 (tại ngã ba Cây Cốc) đến nút giao đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với QL14E. Cuối tuần qua, đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết, dự án đường nối từ đường 129 đến QL1 (dài 6,67km) hiện chưa khai thông được mặt bằng đoạn dài 300m thuộc xã Bình Đào và đoạn dài 150m qua thị trấn Hà Lam (giáp ngã ba Cây Cốc). Trên mặt bằng ách tắc dài 450m này, còn 24 trường hợp gồm 17 hộ của xã Bình Đào đang chờ nhận đất tái định cư (TĐC), 1 hộ thuộc xã Bình Phục và 6 hộ dân ở thị trấn Hà Lam. Đoạn mới bổ sung từ khu dân cư ven biển đến đường 129 (dài 1,63km) đi qua 2 xã Bình Đào và Bình Minh. Đến thời điểm này, mặt bằng dài 530m thuộc địa phận xã Bình Minh chưa hoàn thành phương án bồi thường, hỗ trợ do đang chờ phê duyệt giá đất cụ thể. UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh bổ sung danh mục đất rừng vào kế hoạch sử dụng đất để có sơ sở điều chỉnh diện tích chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ.

Đầu tuyến tại ngã ba Cây Cốc, đường nối từ QL1 đến nút giao đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với QL14E (dài 3,8km) đi qua thị trấn Hà Lam và xã Bình Quý. Thi công kể từ ngày 15.10.2016, đến nay liên danh nhà thầu chưa được nhận bàn giao 100m mặt bằng còn lại để thúc đẩy kịp về đích theo tiến độ hợp đồng (ngày 15.10.2018). Khối lượng vướng mắc chủ yếu tập trung hai đoạn trùng QL14E (Hà Lam 80m và Bình Quý 30m). Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh Trần Cảnh Hà thông tin, đoạn qua thị trấn Hà Lam tiếp tục gặp ách tắc mặt bằng của các hộ Lê Văn Bé, Võ Khởi, Phạm Hoàng, Nguyễn Văn Khánh, Phạm Cư, Ngô Cư. Ngoài ra, người dân không cho di dời 3 trụ điện hạ thế dọc đoạn trùng QL14E bên trái tuyến, mặc dù đã được bồi thường. Đoạn tuyến thuộc xã Bình Quý vướng 6 trường hợp, gồm 4 thửa của hộ ông Trương Hữu Dục và các con, hộ bà Diệp, hộ bà Liên. Chưa kể, địa phương chưa triển khai thực hiện GPMB phạm vi làn tăng tốc dọc QL1 tại nút giao Cây Cốc.

Gỡ vướng

Đường nối từ đường 129 đến QL1 (kể cả đoạn mới bổ sung) với tổng mức đầu tư hơn 193,7 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư đường nối từ QL1 đến nút giao đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với QL14E là hơn 80,1 tỷ đồng.

Tuần qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra thực địa và làm việc với huyện Thăng Bình, chỉ đạo triển khai giải pháp tháo gỡ vướng mắc mặt bằng cho các dự án. Theo kiến nghị của ông Trần Cảnh Hà, UBND huyện và Trung tâm Phát triển quỹ đất Thăng Bình cần khẩn trương tiến hành bốc thăm đất TĐC đối với các trường hợp còn lại ở xã Bình Đào. UBND huyện chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Thăng Bình đẩy nhanh các thủ tục đầu tư mở rộng khu TĐC Bình Đào; tổ chức xây dựng hoàn thành giai đoạn 2 trong thời gian sớm nhất để bàn giao đất cho các hộ bị giải tỏa trắng. Với đường nối QL1 lên gần nút giao cao tốc, địa phương cần tổ chức họp đối thoại, vận động lần cuối các trường hợp đã phê duyệt phương án nhưng chưa đồng ý nhận tiền. Nếu họ vẫn không thống nhất, đề nghị trong tháng 9.2018 có kế hoạch cưỡng chế thi công. Đồng thời đôn đốc và tổ chức bảo vệ thi công di dời hạ tầng điện chiếu sáng cho các trụ còn lại.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thăng Bình Phan Công Vỹ yêu cầu Trung tâm Phát triển quỹ đất Thăng Bình phối hợp với Văn phòng HĐND - UBND huyện xây dựng kế hoạch chi tiết, có mốc thời gian để tháo gỡ từng “nút thắt”. Hộ nào đã đủ điều kiện thì ban hành quyết định cưỡng chế. Ông Phan Công Vỹ còn khuyến nghị chính quyền huyện phải có kế hoạch hoàn thành cụ thể từng phần việc trong triển khai xây dựng khu TĐC Bình Đào, chứ không nói chung chung. Chánh Văn phòng UBND tỉnh Văn Anh Tuấn góp ý, lãnh đạo UBND huyện Thăng Bình nên tổ chức họp giao ban hàng tuần về tiến độ thực hiện, để qua đó thấy chỗ nào chưa được thì bàn giải pháp tháo gỡ ngay. Công tác GPMB cho các dự án này cần hoàn thành càng sớm càng tốt. Mùa mưa bão đã đến, nếu kéo dài khơi thông tất yếu sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thi công, chưa kể khâu điều hành phát triển kinh tế - xã hội cũng bị chi phối khá nhiều.

Thống nhất về mặt chủ trương đối với những đề xuất của các bên liên quan, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn đề nghị Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất Thăng Bình phối hợp với Văn phòng HĐND-UBND huyện xây dựng kế hoạch một cách chi tiết; liệt kê mốc thời gian 30.9 năm nay phải hoàn thành những công việc cụ thể trong GPMB. Lãnh đạo UBND tỉnh bày tỏ, các công trình kể trên sẽ hình thành nên trục giao thông chiến lược kết nối cao tốc, QL14E, QL1, đường 129. Đây là lợi thế để tiếp tục “đánh thức” vùng đông Thăng Bình nói riêng, tạo điều kiện cho nhân dân trong khu vực đi lại thuận tiện, an toàn, góp phần cải thiện đời sống và sắp xếp dân cư. Với tầm quan trọng như thế, dẫu ngân sách khó khăn, tỉnh vẫn quyết định đầu tư bằng nguồn vượt thu và cải cách tiền lương. Vì lẽ đó, người dân vùng dự án cần chia sẻ, đồng thuận bàn giao mặt bằng nhằm thúc đẩy thi công công trình hoàn thành, phục vụ cho lợi ích chung.

CÔNG TÚ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thi công đường nối ven biển hướng lên cao tốc: Trục trặc mặt bằng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO