Thi công "nhảy cóc" vì vướng mặt bằng

CÔNG TÚ 16/05/2017 08:17

Dự án đường nối từ đường cứu hộ, cứu nạn (đường ven biển 129) đến quốc lộ 1 tại ngã ba Cây Cốc (Thăng Bình) tiếp tục gặp khó khăn do thiếu mặt bằng dẫn đến tình trạng thi công kiểu “nhảy cóc”.

Gián đoạn

Ký hợp đồng cuối tháng 10.2016, nhưng mãi đến hơn 3 tháng sau gói thầu số 2 từ km1+573,11 đến km6+700 do liên danh Công ty CP Xây dựng và kỹ thuật Toàn Thịnh cùng Công ty CP Đầu tư xây dựng và phát triển Nam Việt thực hiện mới rục rịch khi thông được đường công vụ tại ngã ba Cây Cốc xuống khu vực ruộng đồng. Gói thầu số 1 từ km0+00-km1+573,11 và cầu Trường Giang do Công ty TNHH Thanh Tùng đảm nhận thì gián đoạn vì không có đường vận chuyển máy móc, nguyên vật liệu chạy vào công trường. Tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh phê duyệt bổ sung 2 đoạn đường công vụ ở 2 đầu tuyến để tháo gỡ khó khăn trên. Tuy nhiên, đơn vị thi công cũng phải di chuyển dích dắc từ điểm đầu tại nút giao giữa tuyến chính (km0+572) với đường ĐH2.TB, đi theo đường ĐH2.TB, đường nội đồng, qua đồng ruộng và vào điểm cuối nối tuyến chính của dự án tại km0+840. Để thời điểm này, nhà thầu đang tập trung đào đắp đoạn đường chính dẫn lên khu vực thi công cầu Trường Giang.

Dù “nhảy cóc”, nhà thầu gói số 2 đã khắc phục khó khăn và tập trung thi công nhiều hạng mục. Ảnh: C.T
Dù “nhảy cóc”, nhà thầu gói số 2 đã khắc phục khó khăn và tập trung thi công nhiều hạng mục. Ảnh: C.T

Thông được đường công vụ cuối tuyến (giáp quốc lộ 1 tại ngã ba Cây Cốc), nhưng mới được 200m thì đụng vườn nhà của 5 hộ dân chưa bồi thường. Nhà thầu gói số 2 không thể khác hơn ngoài xin thương lượng, bỏ tiền thuê đất hết tháng 6 năm nay để “nhảy cóc” xuống phạm vi chiều dài 1 cây số được bàn giao mặt bằng chủ yếu là đất nông nghiệp. Chỉ huy trưởng công trường Công ty CP Xây dựng và kỹ thuật Toàn Thịnh, đồng thời là Chỉ huy trưởng liên danh - kỹ sư Trương Thanh Tú cho hay, tính đến cuối tuần qua, liên danh nhà thầu đạt được khối lượng khoảng 10% theo hợp đồng. “Đến khoảng km5+000 của dự án, đơn vị thi công lại gặp “điểm nghẽn” 7 hộ dân thuộc tổ 5, thôn Tất Viên (xã Bình Phục) vì chưa xong bồi thường, giải phóng mặt bằng. Nếu muốn “nhảy cóc” qua vị trí này xuống thi công đoạn km5+000 hướng về đầu tuyến, chúng tôi phải thuê đất vườn của bà con làm đường công vụ. Bởi vì, đặc thù nơi đây không có đường xương cá tiếp cận công trường” - kỹ sư Trần Phước, cán bộ điều hành dự án của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam (đại diện chủ đầu tư) nói. Được biết, nhà thầu đã thương lượng thành công với những hộ dân vừa nêu. Ngoài tiền thuê đất 3 tháng (thời gian chờ mặt bằng), họ cũng phải trả luôn chi phí vật kiến trúc, cây cối bị ảnh hưởng.

Cần quyết liệt khâu mặt bằng

Theo báo cáo từ Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thăng Bình, đơn vị đã công khai giá trị bồi thường của từng hộ bị ảnh hưởng đoạn qua xã Bình Đào. Đa số chưa thống nhất với đơn giá bồi thường về đất, nhà cửa, vật kiến trúc và chưa xác định được việc di dời tái định cư (TĐC) tự do hay tập trung. Lý do là họ chưa rõ diện tích đất được bố trí, diện tích phân lô, quy mô xây dựng, đơn giá đất của khu TĐC, nhất là việc xây dựng khu TĐC Bình Đào vẫn chưa hoàn thiện.

Kỹ sư Trần Phước cho hay, chủ đầu tư và nhà thầu mới được bàn giao chiều dài mặt bằng chủ yếu là diện tích đất nông nghiệp, lâm nghiệp, mồ mả bị ảnh hưởng, riêng nhà ở hay đất thổ cư vẫn chưa cụ thể. Để giải quyết cốt lõi của vấn đề, các bên có trách nhiệm cần tháo ách tắc nằm tại 51 nhà bị giải tỏa trắng (xã Bình Phục 6 hộ, xã Bình Đào 21 hộ, xã Bình Triều 20 hộ, thị trấn Hà Lam 4 hộ). Trước mắt, cần vận động, giải thích đả thông tư tưởng của các hộ cho rằng giá bồi thường, hỗ trợ thấp, sớm hoàn thành xác định nguồn gốc đất. Chẳng hạn, đất các hộ Nguyễn Tài, Nguyễn Chức, Đoàn Lư, Trà Anh Minh ở xã Bình Phục chưa thể thu hồi. Bởi họ đề nghị bồi thường loại đất ở vì cho rằng gia đình sử dụng đất trước ngày 18.12.1980, nên không thống nhất loại đất thu hồi là đất ở và đất trồng cây lâu năm. Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất Thăng Bình đề nghị UBND các xã tiến hành lấy ý kiến khu dân cư, họp Hội đồng tư vấn xác định nguồn gốc, thời điểm các hộ sử dụng đất nhằm đề nghị thu hồi theo quy định. Sau đó, UBND huyện Thăng Bình thống nhất để đơn vị có cơ sở áp dụng, công khai đến hộ dân và tổ chức vận động bàn giao mặt bằng.

Được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh giao điều hành trực tiếp trên công trường, kỹ sư Nguyễn Đình Phong cho biết, lãnh đạo UBND tỉnh đã yêu cầu đôn đốc nhà thầu thi công hoàn thành dự án trước ngày 30.4.2018. Nhưng muốn về đích đúng hạn định, các bên liên quan phải giải quyết dứt điểm các trường hợp tồn tại, vướng mắc về mặt bằng trên tuyến. Công trình này là dự án hạ tầng giao thông quan trọng, kết nối liên vùng, khi hoàn thành sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Cung đường còn san sẻ lưu lượng lớn phương tiện đang lưu thông trên quốc lộ 14E, đoạn ngã tư Hà Lam xuống vùng đông Thăng Bình hiện đã xuống cấp trầm trọng, mất an toàn giao thông.

CÔNG TÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thi công "nhảy cóc" vì vướng mặt bằng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO