Thi công thủy điện Sông Bung 2: Chạy đua với thời gian

TRUNG LỘ 27/05/2015 08:41

Gần một nghìn công nhân, kỹ sư không quản nắng mưa, ngày đêm hăng say làm việc tại công trình thủy điện Sông Bung 2 (huyện Nam Giang) để gấp rút hoàn thiện các hạng mục chính công trình trước mùa mưa lũ năm 2015.

Thi công thủy điện Sông Bung 2. Ảnh internet
Thi công thủy điện Sông Bung 2. Ảnh internet

Đẩy nhanh tiến độ

Dự án thủy điện Sông Bung 2 được đánh giá là “khúc xương” trong hệ thống thủy điện bậc thang trên địa bàn tỉnh vì nơi đây có nhiều yếu tố bất lợi về địa hình, địa chất, thời tiết khắc nghiệt của vùng giáp biên... Quá trình triển khai xây dựng công trình được ví như “hành trình chinh phục thử thách” mà liên minh chủ đầu tư, tư vấn, thiết kế, các nhà thầu luôn phải sẵn sàng đối mặt. Riêng vị trí hầm dẫn nước thủy điện Sông Bung 2 thuộc tuyến năng lượng, có tổng chiều dài 9.299m là đường găng chính của dự án. Trong đó, tuyến hầm dẫn nước thuộc mũi 3 & 4 có tổng chiều dài khoảng 3.700m vừa chính thức thông hầm, được xem là bước ngoặt lớn trong quá trình triển khai thi công nhà máy thủy điện Sông Bung 2. Cả 2 công trình do Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô và Công ty Xây dựng công trình ngầm Vinavico đảm nhận thi công. Sau hơn 3 năm triển khai thi công, trải qua những khó khăn, vất vả và điều kiện khí hậu khắc nghiệt, các đơn vị thi công đã từng bước khắc phục, xử lý nhiều đoạn hầm có địa chất phức tạp, nhiều đoạn đứt gãy sạt trượt nguy hiểm.

Nhà máy thủy điện Sông Bung 2 có công suất lắp đặt 100MW, sản lượng điện trung bình hàng năm là 425,57 triệu kWh; gồm 2 tổ máy, tổng mức đầu tư công trình gần 5.000 tỷ đồng. Theo ông Dũng, kế hoạch tiến độ đặt ra là đến hết năm 2015 công trình sẽ cơ bản hoàn thành phần xây dựng bê tông các hạng mục tuyến năng lượng, hầm dẫn nước 1 & 2, cửa lấy nước, nhà máy, tháp điều áp... Tới thời điểm này, công trình đã hoàn thành thi công được trên 47.000m3 bê tông đập tràn; trên 5.970m3 bê tông đường ống áp lực (cơ bản hoàn thành giai đoạn 1); 12.420m3 bê tông thi công hạng mục nhà máy (hoàn thành lắp đặt dầm đỡ cầu trục, chuẩn bị lắp đặt cầu trục phục vụ nhà máy)… Công tác đổ bê tông cửa nhận nước, đập tràn, cung cấp thiết bị như cơ khí thủy công, thiết bị quan trắc, thiết bị cơ điện… đều cơ bản đáp ứng theo tiến độ.

Ông Huỳnh Dũng - Phó Trưởng ban Quản lý dự án thủy điện Sông Bung 2 cho biết, trong quá trình thi công đào, gia cố tuyến hầm dẫn nước ở mũi hầm 3 & 4 gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp, sai khác số liệu lý thuyết với thực tế về điều kiện địa chất công trình và địa chất thủy văn. Việc thông hầm dẫn nước có ý nghĩa rất lớn đối với dự án. Đường hầm dẫn nước là hạng mục có đường găng căng nhất trong biểu đồ tiến độ của dự án nên việc thông hầm khẳng định các đơn vị thi công đã đảm bảo tiến độ. Ngay sau khi thông hầm mũi 3 & 4, các đơn vị nhà thầu do liên doanh Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô và Công ty Xây dựng 47 đảm nhận thi công mũi 1 & 2 sẽ đẩy nhanh tiến độ, thi công khối lượng còn lại để tiến hành đổ bê tông vỏ hầm sớm nhất, mục tiêu đề ra là đến tháng 2.2016, thủy điện Sông Bung 2 sẽ dẫn dòng và tích nước lòng hồ.

So với các dự án thủy điện khác, nguồn vốn bố trí đầu tư thủy điện Sông Bung 2 tương đối thuận lợi. Ngay từ đầu triển khai đầu tư, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chủ động ký kết hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng Sumitomo Mitsui Bangking Corporation (SMBC), BNP Paripas, Societe Generale tài trợ vốn. Mới đây, Cơ quan Giám sát cơ chế phát triển sạch (CDM EB) đã chính thức công nhận dự án thủy điện Sông Bung 2 là dự án theo cơ chế phát triển sạch (Clean Development Mechanism - CDM), giảm phát thải khí nhà kính. Đây là dự án được đánh giá có chỉ tiêu môi trường tốt nhất trong các thủy điện đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh.

 An toàn, chất lượng

Trên công trình thủy điện Sông Bung 2, bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, gần một nghìn công nhân, kỹ sư với chế độ làm việc 3 ca 4 kíp, lăn lộn với đất đá, bê tông, sắt thép để đạt khối lượng, đảm bảo tiến độ đề ra từng ngày. Theo ông Dũng, các đơn vị được chọn thi công công trình thủy điện Sông Bung 2 đều có uy tín, đã tạo dựng được thương hiệu qua việc thi công nhiều công trình thủy điện trên địa bàn miền Trung và cả nước. Tuy cường độ lao động cao, nhưng không vì thế mà công tác đảm bảo vệ sinh, an toàn lao động và phòng chống cháy nổ bị coi nhẹ. Tất cả cán bộ, công nhân của các đơn vị trước khi tuyển dụng vào làm việc tại công trường đều được tham gia các lớp tập huấn về an toàn lao động. Cùng với việc thành lập Tổ quản lý an toàn và môi trường, hàng năm, Ban Quản lý dự án thủy điện Sông Bung 2 phối hợp với Trung tâm Huấn luyện an toàn - vệ sinh lao động (Bộ LĐ-TB&XH) mở các lớp huấn luyện và cấp chứng chỉ cho cán bộ ở các đơn vị đảm nhận thi công công trình. Ngoài ra, Ban Quản lý dự án thủy điện Sông Bung 2 cũng phối hợp với đơn vị nhà thầu kiểm tra định kỳ thiết bị máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động… Chính nhờ vậy, đến nay cơ bản trên công trường thủy điện Sông Bung 2 chưa có đơn vị nào để xảy ra thiệt hại hay bị ảnh hưởng lớn trong việc đảm bảo an toàn lao động.

Dự án thủy điện Sông Bung 2 có quy mô lớn và kỹ thuật phức tạp, yêu cầu về chất lượng luôn được đặt lên hàng đầu. Phương châm của chủ đầu tư (Tổng Công ty Phát điện 2) là dù tiến độ thi công có thể đẩy nhanh nhưng phải bảo đảm an toàn và quản lý, giám sát chặt chẽ về chất lượng công trình. “Mục tiêu phấn đấu của dự án nhà máy thủy điện Sông Bung 2 là sẽ phát điện tổ máy số 1 vào tháng 7.2016. Để thực hiện được điều này, Ban Quản lý dự án thủy điện Sông Bung 2 chỉ đạo các đơn vị thi công tranh thủ thời tiết thuận lợi, huy động nhân lực, phương tiện đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục công trình, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát từng phần việc để công trình đảm bảo cả về tiến độ và chất lượng” - ông Huỳnh Dũng cho hay.

TRUNG LỘ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thi công thủy điện Sông Bung 2: Chạy đua với thời gian
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO