Đơn vị thi công đang tập trung nhân lực cho dự án tuyến đường 129 (giai đoạn 2). Đây là công trình có tầm quan trọng đối với sự phát triển của Quảng Nam, nên để đảm bảo tiến độ, chính quyền địa phương và các bên liên quan cần lắng nghe, giải thích, vận động để nhân dân đồng thuận.
Đẩy nhanh tiến độ
Giữa cái nắng như thiêu như đốt của những ngày cuối tháng 5, dọc theo tuyến ven biển từ Khu công nghiệp Tam Thăng đi cảng Kỳ Hà và sân bay Chu Lai (đường 129), chúng tôi bắt gặp hàng trăm công nhân cùng nhiều phương tiện khẩn trương thi công tuyến đường này. Với quyết tâm hoàn thành tiến độ, chất lượng công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII, nhiều đơn vị thi công huy động tối đa nhân lực.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Núi Thành Nguyễn Minh Khả chia sẻ: “Cơ chế hỗ trợ để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng theo quy định hiện hành của UBND tỉnh cần phải được tiếp tục nghiên cứu sao cho sát với thực tiễn của từng dự án. Hơn nữa có một vấn đề nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của các dự án ở vịnh An Hòa nhưng tác động trực tiếp đến tâm tư của người dân, ảnh hưởng đến việc triển khai dự án đó là làm sao để giải quyết tái định cư cho 50 hộ dân ở khu vực chợ Trạm. Đây là nguyện vọng rất thiết tha của người dân nhưng lời giải của bài toán này không đơn giản, không thể một sớm một chiều và nếu như không có sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh”.
Tay gạt mồ hôi nhễ nhại trên gương mặt sạm nắng, ông Trần Văn Duẫn (cán bộ chỉ huy thi công thuộc Công ty CP Đạt Phương) tâm sự: “Dịch Covid-19 xảy ra, việc thi công của đơn vị bị ảnh hưởng rất nhiều về tiến độ nhưng ý thức đây là công trình có ý nghĩa, phục vụ mục tiêu phát triển của Quảng Nam nên chúng tôi rất quyết tâm và luôn động viên lực lượng công nhân làm hết sức mình, không quản sớm trưa, cắm chốt, làm lán trại tạm ngay tại khu vực nhà dân với các giải pháp thi công tối ưu để sớm hoàn thành các hạng mục”.
Tuyến đường 129 là công trình có tầm quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh; kết nối giao thông thông suốt hành lang ven biển từ Đà Nẵng qua Hội An vào Tam Kỳ đến sân bay Chu Lai (Núi Thành) và nối tiếp đến Dung Quất (Quảng Ngãi), đáp ứng nhu cầu phát triển của Khu kinh tế mở Chu Lai và các hoạt động du lịch, dịch vụ trên địa bàn.
Ông Trần Cảnh Hà - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết, tổng chiều dài đường 129 (giai đoạn 2) là 26,5km với điểm đầu giao với ĐT616 (quốc lộ 40B), thuộc xã Tam Phú (TP.Tam Kỳ); điểm cuối giao với ĐT620 và đường vào sân bay Chu Lai, thuộc xã Tam Quang (Núi Thành).
Đến nay, đơn vị thi công tập trung đẩy nhanh tiến độ các đoạn tuyến đã bàn giao mặt bằng, khối lượng đạt khoảng 70%; có đoạn đã thảm bê tông nhựa lớp 1; thi công nền đường, đắp đất nền, cấp phối đá dăm và hạng mục phụ trợ khác; các cây cầu Tam Tiến, Diêm Trà, Tam Hiệp, An Tân 2, Tam Quang, Tam Nghĩa cơ bản hoàn thiện…
Hỗ trợ tối đa cho người dân
Khảo sát hiện trường công trình trọng điểm này, chúng tôi có dịp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân và cũng được tiếp cận rất nhiều thông tin liên quan về công tác chỉ đạo, triển khai các dự án trên địa bàn.
Không điều chỉnh hướng tuyến đường 129
Tại buổi làm việc mới đây của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với các ngành liên quan và đại diện lãnh đạo của Huyện ủy, UBND huyện Núi Thành, ông Lê Văn Thương – Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cho biết: “Đường 129 phù hợp với quy hoạch chi tiết đường bộ ven biển Việt Nam của Chính phủ; trong đó có Vùng trọng điểm miền Trung bao gồm các tỉnh từ Thừa Thiên Huế tới Bình Định nhằm phục vụ phát triển kinh tế -xã hội của các địa phương có biển, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh.
Về hướng tuyến đường 129, trên cơ sở đề nghị của Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, Sở Giao thông vận tải và UBND huyện Núi Thành, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương tại Văn bản số 5110/UBND-KTN ngày 22.9.2017. Theo đó, chủ đầu tư đã và đang chỉ đạo triển khai thi công, không có sự điều chỉnh hướng tuyến như thông tin một số báo đã phản ánh”.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp - ông Lê Chí bộc bạch, trước đây và nay cũng thế, người dân luôn ủng hộ các chủ trương của cấp trên, luôn mong muốn có nhiều dự án triển khai ở quê mình. Tuy nhiên, người dân trong vùng dự án cũng còn băn khoăn và có những ý kiến khác nhau do họ chưa được thông tin, giải thích, phân tích một cách đầy đủ.
Trước hết, qua tìm hiểu các văn bản mà Văn phòng HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh cung cấp, có thể khẳng định, các dự án ở đây đã đảm bảo cơ sở pháp lý, tuân thủ chặt chẽ trình tự, quy định về thủ tục đầu tư. Đường 129 và dự án khu đô thị sinh thái cao cấp vịnh An Hòa đều có chủ trương, quyết định và được phê duyệt đánh giá tác động môi trường của cấp có thẩm quyền. Việc triển khai các dự án chỉ ảnh hưởng một phần diện tích mặt nước và bãi cạn ven sông Trường Giang chứ không phải là san lấp vịnh An Hòa làm mất ngư trường của người dân. Có chăng ở khu vực mặt nước sông gần nhà dân hiện nay, khi thủy triều rút đi, một số người dân lớn tuổi không đi ghe, đi thuyền để ra xa ngoài vịnh đánh bắt hải sản thì tại đó họ có thể mò được con ốc, bắt được con cua, cạy được con hầu, bứt được những cọng rong câu… để có thêm thu nhập hằng ngày.
Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành - ông Trương Văn Trung cho biết: “Người dân của các thôn Vân Thạch, Nam Sơn (xã Tam Hiệp), khối phố 1, 2 và 3 (thị trấn Núi Thành) với 60 hộ có ghe thuyền công suất nhỏ dưới 20CV phải di dời chỗ neo đậu bị ảnh hưởng; theo đó, các đơn vị chủ đầu tư đã phối hợp địa phương thực hiện việc hỗ trợ vượt mức quy định hiện hành của UBND tỉnh. Ngoài ra, theo nguyện vọng chính đáng của người dân, UBND huyện Núi Thành đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT huyện bố trí địa điểm xây dựng chỗ neo đậu ghe thuyền cố định cho người dân; đồng thời chủ đầu tư Khu đô thị sinh thái cao cấp vịnh An Hòa là Công ty CP Chu Lai Hội An cũng đã thống nhất với địa phương là xây dựng một tuyến đường từ khu vực dân cư ra chỗ neo đậu ghe thuyền khoảng hơn 500m để phục vụ người dân”.
Việc triển khai công trình có thể sẽ khó khăn bước đầu trong việc đi lại của người dân nhưng nếu chủ đầu tư có cam kết, triển khai làm đường và những người có trách nhiệm ở địa phương kịp thời gặp gỡ, lắng nghe, động viên, cùng chia sẻ và thuyết phục, chắc chắn người dân địa phương sẽ đồng thuận. Bên cạnh đó, công tác truyền thông về các dự án cũng cần được triển khai một cách chủ động, đầy đủ và kịp thời hơn.