Tại Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI-2017, nhiều sự kiện văn hóa nghệ thuật diễn ra mang ý hướng bảo tồn và phát huy các bộ môn nghệ thuật truyền thống của các dân tộc Việt Nam nói chung, văn hóa - nghệ thuật địa phương Quảng Nam nói riêng trong bối cảnh hội nhập, giao lưu văn hóa quốc tế.
Liên hoan dân ca Bài chòi các tỉnh miền Trung được tổ chức ở biển Tam Thanh, Tp. Tam Kỳ trong khuôn khổ các hoạt động của Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI-2017. Ảnh: THÀNH CÔNG |
Thị dân với nghệ thuật dân gian
Nhìn chung nghệ thuật dân gian vốn hình thành từ môi trường cộng đồng làng xã và khi đô thị hình thành thì các phường, hội nghề mở rộng “thương trường” ra khỏi phạm vi làng xã, hình thành các phố nghề (như Hà Nội xưa có nhiều phố nghề trong 36 phố phường). Ngay bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống như múa rối nước, hô hát bài chòi (còn gọi là trò chơi, trò diễn dân gian), chèo, tuồng (hát bội) cũng theo người làng mà có bước “chuyên nghiệp hóa” biểu diễn nơi thị tứ, nơi đô hội phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn của thị dân. Trong diễn trình đô thị hóa ở nước ta thì phần lớn thị dân vốn xuất thân từ nông thôn nên đã kế thừa văn hóa dân gian làng xã, vì vậy thị dân có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình quảng bá các giá trị nghệ thuật, giá trị nhân văn của các bộ môn văn hóa - nghệ thuật dân gian nơi đô thị. Hô hát bài chòi từ một trò chơi/trò diễn, cũng “từ đất lên giàn” - từ đất diễn dưới mặt đất, bài chòi lên sân khấu, từ một hoặc hai anh, chị hiệu đến việc “cảnh diễn hóa”, phân vai theo kịch bản rồi thành tuồng, tích để sau này hình thành nên bộ môn kịch hát bài chòi hiện nay.
Trong lịch sử hát bội Quảng Nam - Đà Nẵng, theo nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu, vùng đất này nằm giữa hai vùng tuồng Huế và Bình Định nên tiếp thu và ảnh hưởng rất lớn tuồng cung đình và tuồng miền Nam. “Cho đến cuối thế kỷ 19 tuồng Bình Định đã phát triển rực rỡ. Ở Quảng Nam đầu thế kỷ 19, hai giáo phường Khánh Thọ (thuộc Phú Ninh hiện nay) và Đức Giáo (Quế Sơn hiện nay) đã nổi tiếng… Nhưng đến đầu thế kỷ 20 tuồng Quảng Nam mới phát triển đến thời rực rỡ… Nhất là sự ra đời của trường tuồng cụ Tuần An Quán Nguyễn Hiển Dĩnh ở Vĩnh Điện”, rồi các rạp hát tư nhân ở Hội An, tạo ra “một công chúng đông đảo”, lớp công chúng “có tiền để nuôi sống nghệ thuật” (sách “Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại” - NXB Văn hóa - thông tin, H.1995).
Trong thời hiện tại…
Hiện nay đời sống tinh thần của thị dân có quá nhiều chọn lựa vì ngoài những sân khấu ca nhạc, nhiều live-show của các ca sĩ nổi tiếng diễn ra thường xuyên, thì các chương trình nghệ thuật, các chương trình sân khấu truyền hình, các game-show trên truyền hình… cũng là nguyên do khiến sân khấu cổ truyền, nghệ thuật dân gian cổ truyền (trò chơi, trò diễn, nghề thủ công truyền thống…) dần phai nhạt, không có “đất diễn”. Nghệ thuật hô hát bài chòi ngoài Hội An tổ chức thường xuyên trong các hoạt động của Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền, hoạt động “Đêm phố cổ”… thì ở các nơi khác chỉ được phục dựng vào các dịp lễ hội và diễn không thường xuyên, điều đáng quan ngại là không có ai “theo nghề”. Hát bội thì càng thưa vắng hơn trong những dịp hội làng, lễ tết ở làng. Thị dân ở Hội An cũng chỉ được thưởng thức vài ba trích đoạn tuồng cổ điển, mẫu mực hoặc xem Đội tuồng không chuyên Thanh Hà biểu diễn trong “Đêm phố cổ”. Điện Bàn - nơi có trường tuồng của cụ Tuần An Quán ngày xưa - đã “hết” nghệ nhân hát bội, khi nghệ nhân Hai Khuê đã cao tuổi, nhiều “con cháu” cụ Tuần thì số đã bỏ nghề, số đi nơi khác gắng cầm cự với nghề, bữa có bữa không… Nhiều bộ môn nghệ thuật, thủ công địa phương khó quảng bá với công chúng rộng rãi như nghề tơ tằm Mã Châu (Duy Xuyên), nghề làm trống Lâm Yên (Đại Minh, Đại Lộc), nghề đúc chiêng Phước Kiều (trong câu “Trống Lâm Yên chiêng Phước Kiều”), nghề dệt thổ cẩm Cơ Tu, nghệ thuật hát lý Cơ Tu…
Thời hiện tại, văn hóa nghệ thuật dân gian ngoài việc phục dựng, phục hiện ở các làng nghề, trong các dịp lễ hội ở làng thì cũng được sử dụng trong đời sống, sinh hoạt đô thị bằng việc tái hiện những thành phần, thành tố của một chỉnh thể đã có bước biến đổi, phân hóa. Có thể thấy đặc điểm này ngay trong sự kiện hợp xướng quốc tế, khi các đoàn tham gia đã chọn lựa trình diễn những bài dân ca của đất nước mình (có phối bè hòa thanh theo loại hình hợp xướng) để tham dự hội thi và khi trình diễn đã mặc theo trang phục truyền thống của người bản địa. Nghĩa là các đoàn đã mang đến những tác phẩm vừa dân gian (nguyên gốc) vừa hiện đại (hợp xướng - hát nhiều bè). Cũng vậy, trong festival tơ lụa và thổ cẩm có những tà áo dài lụa, những chiếc váy thổ cẩm theo hướng cách tân (kiểu dáng, hoa văn trang trí), vừa giữ được những yếu tố văn hóa truyền thống vừa tương thích với lối mặc hiện tại… Nghệ thuật dân gian đang song hành hai phương cách bảo tồn và phát huy nếu không muốn ngày càng mai một trong dòng sống không ngừng biến đổi.
Nhiều hy vọng ở festival
Có thể nói các hoạt động của Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI-2017 là cơ hội để kích hoạt các di sản văn hóa vật chất và tinh thần của địa phương nói riêng, trong nước và quốc tế nói chung. Từ thành công bước đầu của cuộc thi hợp xướng quốc tế (đã tổ chức tại Hội An đến lần thứ 4 trong 5 lần tổ chức tại Việt Nam), chúng ta có thể hy vọng một cuộc thi hay liên hoan kịch hát các dân tộc (trong đó có tuồng, chèo, cải lương (Việt Nam), kinh kịch (Trung Quốc), kịch Nô (Nhật Bản), kịch hát Dù Kê (Campuchia)… Ngoài bài chòi và các loại hình nghệ thuật được UNESCO vinh danh di sản phi vật thể nhân loại như nhã nhạc cung đình Huế, dân ca quan họ, hát xoan, ca trù…, một liên hoan các loại hình nghệ thuật âm nhạc phi vật thể quốc tế cũng sẽ được những nhà tổ chức sự kiện lưu tâm.
Cũng như vậy với các làng nghề. Sau Festival Tơ lụa và thổ cẩm 2017, hy vọng tiếp theo sẽ là các sự kiện giao lưu nghề gốm, đúc đồng, mộc, đan lát, làm nhạc cụ, làm lồng đèn… từ các làng nghề, phố nghề, phường nghề trong nước và quốc tế...
PHÙNG TẤN ĐÔNG