Thí điểm chính sách - lời giải cho Luật Đất đai sửa đổi?

VĂN PHONG 19/07/2023 10:21

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã đi vào những bước cuối của quá trình thảo luận và chỉ còn một kỳ họp vào tháng 10 năm nay để Quốc hội xem xét, thông qua. Thế nhưng, dù đã trải qua hai kỳ họp Quốc hội, nhiều phiên cho ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và lấy ý kiến toàn thể Nhân dân, “độ chín” của dự án luật này vẫn còn nhiều nỗi băn khoăn.

Cần triển khai thí điểm một số chính sách về đất đai để Luật Đất đai sửa đổi phù hợp hơn. Trong ảnh: Một người dân ở xã Tam Anh Nam (Núi Thành) kiến nghị về chính sách thu hồi đất không sát thực tế. Ảnh: H.Quang
Cần triển khai thí điểm một số chính sách về đất đai để Luật Đất đai sửa đổi phù hợp hơn. Trong ảnh: Một người dân ở xã Tam Anh Nam (Núi Thành) kiến nghị về chính sách thu hồi đất không sát thực tế. Ảnh: H.Quang

So với phiên bản trình tại Kỳ họp Quốc hội thứ 4, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi lấy ý kiến toàn thể Nhân dân đã tăng 3 mục với 22 điều bổ sung mới và 12 điều lược bỏ. Tiếp đó, dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 5 tăng thêm 5 mục, 40 điều, lược bỏ 13 điều. Có thể thấy, sau mỗi lần lấy ý kiến, dự thảo luật lại liên tục được bổ sung nội dung mới và thay đổi về bố cục.

Cùng với đó, nhiều chính sách liên tục được chỉnh lý, như quy định về thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì mục đích quốc gia, công cộng. Điều luật này sau nhiều lần “gọt giũa” về thẩm quyền, mục đích, phạm vi, điều kiện, tiêu chí để làm căn cứ thu hồi đất đã được cấu trúc lại hoàn toàn theo hướng bỏ hẳn các nội dung trước đó và liệt kê từng trường hợp cụ thể. Rõ ràng, lối thiết kế chi tiết này sẽ không bao quát hết các tình huống xảy ra trên thực tế và từ đó khó có thể phù hợp để đi hết “chu kỳ” khoảng 10 năm của Luật Đất đai.

Hoặc với thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai – vấn đề còn mâu thuẫn giữa Luật Đất đai năm 2013 với Luật Khiếu nại và Luật Tố tụng hành chính. Để tháo gỡ, Bộ TN-MT đã đề xuất giải pháp TAND giải quyết tranh chấp đất đai theo pháp luật về tố tụng dân sự.

Thế nhưng, dự thảo trình tại Kỳ họp Quốc hội thứ 5 lại quay về với Luật Đất đai năm 2013 khi quy định thẩm quyền gồm cả tòa án và UBND các cấp. Điều này, theo lập luận ban đầu của Bộ TN-MT sẽ không giải quyết được vướng mắc đã chỉ ra giữa các luật vừa nêu.

Những ví dụ trên cho thấy, việc chỉnh sửa, cập nhật liên tục ở nhiều mức độ, phạm vi, từ chỉnh sửa từ ngữ, cấu trúc điều khoản, chương, mục đến thay đổi nội dung quy định… sẽ kéo theo rủi ro về tính đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, hợp lý của dự thảo luật. Việc góp ý, chỉnh lý dường như chưa đủ “liều lượng” để có thể là lời giải cho sự trọn vẹn của dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

 Các chính sách về đất đai đều sẽ tác động tới hàng loạt chủ thể trên phạm vi rộng khắp, trong một chu kỳ dài hơi. Những sai sót, bất cập, hạn chế trong quá trình xây dựng luật sẽ gây ra những hậu quả không thể đo đếm cho đời sống người dân, quản lý nhà nước và sự phát triển kinh tế - xã hội.

Biện pháp thí điểm, thử nghiệm các chính sách trên một phạm vi có thể kiểm soát được, trong quy mô và nhóm đối tượng ở mức độ vừa phải mà tác động tiêu cực không quá lớn, dễ khắc phục cần được xem xét tiến hành.

Mục tiêu của việc thí điểm, thử nghiệm là kiểm tra tính khả thi, hợp lý, hiệu quả, phù hợp thực tiễn, phát hiện khó khăn, bất cập, kiểm nghiệm tác động, rủi ro của các giải pháp chính sách.

Thí điểm cũng sẽ cung cấp thêm cho Quốc hội, Chính phủ, cơ quan soạn thảo và các bộ ngành liên quan cái nhìn thực tế để có thể đánh giá tính đồng bộ của chính sách về đất đai với các quy định khác và với tổng thể hệ thống pháp luật; giúp các địa phương hoàn thiện công tác tổ chức, bảo đảm nguồn lực thực hiện khi chính sách được luật hóa.

Với 13 chính sách lớn về đất đai, có thể xem xét thí điểm nhiều vấn đề còn bất cập, quá cấp thiết được Nhân dân, chính quyền địa phương quan tâm như: giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất; tài chính đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giải quyết tranh chấp đất đai…

Chính phủ cũng có thể xem xét, cân nhắc để các tỉnh, thành được phép lựa chọn chính sách và đăng ký thí điểm trên cơ sở tự cân đối nguồn lực (con người, tài chính) và các điều kiện thực hiện. Như vừa qua, TP.Hồ Chí Minh đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ được thí điểm những chính sách mới thuộc lĩnh vực quy hoạch, đất đai, môi trường.

Thiết nghĩ, thí điểm chính sách sẽ là lời giải cho việc xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) được hoàn thiện ở mức độ cao, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và yêu cầu mà Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thí điểm chính sách - lời giải cho Luật Đất đai sửa đổi?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO