Thí điểm khu công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí: Động lực phát triển công nghiệp

TÙY PHONG 20/08/2014 09:13

Đề án phát triển khu công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí tại Khu kinh tế mở (KTM) Chu Lai đang được hoàn chỉnh, dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt vào tháng 10 hoặc 11 năm nay. Đây được xem là một trong những bước đi cụ thể hóa chiến lược phát triển công nghiệp của Quảng Nam và rất cần cơ chế hợp lý để xúc tiến triển khai.

Chọn Chu Lai thí điểm dự án

TS. Trần Du Lịch - Trưởng nhóm Tư vấn, hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung cho biết, UBND tỉnh Quảng Nan và Ban điều phối vùng duyên hải miền Trung đã thống nhất chọn Khu KTM Chu Lai và Công ty CP Ô tô Trường Hải để xây dựng thí điểm khu công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí. Theo đánh giá của các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế và các nhà hoạch định chính sách, sở dĩ Chu Lai được chọn thí điểm khu công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí bởi hiện tại Khu KTM Chu Lai phát triển theo mô hình khu kinh tế tổng hợp, lấy công nghiệp cơ khí làm trung tâm, kết hợp với phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, điện tử, công nghiệp có kỹ thuật cao. Chu Lai cũng đã hình thành được một hệ thống giao thông kết nối quan trọng bao gồm cảng biển, đường bộ, sân bay…, đủ điều kiện phục vụ hoạt động xuất khẩu, vận chuyển sản phẩm đến các thị trường, các trung tâm tiêu thụ trong và ngoài nước. Sự phát triển của ô tô Trường Hải với 21 nhà máy sản xuất linh kiện, phụ tùng phục vụ cho việc lắp ráp ô tô du lịch, xe tải, xe buýt với các nhãn hiệu Kia, Hyundai, Mazda… chính là tiền đề để hình thành trung tâm cơ khí đa dụng và ô tô quốc gia tại Khu KTM Chu Lai. Tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm ô tô của Trường Hải lắp ráp tại Quảng Nam khá cao, bình quân khoảng 52% đối với xe khách, 46% đối với xe tải và xe du lịch hiện tại là 16,2%. Trường Hải cũng hợp tác với tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc) để xây dựng nhà máy động cơ. Từ đó sẽ bảo đảm đủ điều kiện đưa xe du lịch tăng tỷ lệ nội địa hóa trên 40% và là điều kiện cần cơ bản để xuất khẩu sang các  nước ASEAN.

Chu Lai và ô tô Trường Hải được chọn thí điểm đầu tiên về công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí. Ảnh: T.PHONG
Chu Lai và ô tô Trường Hải được chọn thí điểm đầu tiên về công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí. Ảnh: T.PHONG

Các chuyên gia cũng đã thừa nhận thị trường nội địa của công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí dựa vào các doanh nghiệp cơ khí còn kém phát triển. Số lượng doanh nghiệp cơ khí còn rất ít và phần lớn đã có nguồn cung ứng đầu vào từ trước. Linh kiện, phụ tùng (kính, nội thất, dây điện, vỏ xe…) hầu hết do Trường Hải sản xuất trong nội vi nhà máy, công ty rất khó khăn khi tìm kiếm nhà cung ứng tại Quảng Nam và cả miền Trung. Nhưng nhu cầu mở rộng thị trường và chủ động sản xuất vẫn bức thiết. Thực tế, việc xây dựng khu công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí tại Khu KTM Chu Lai còn gặp phải một số khó khăn, tuy nhiên chỉ mang tính tạm thời và có thể khắc phục. Trong khi đó, các cơ hội, thuận lợi, nhất là dung lượng thị trường, định hướng và phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí của Chính phủ, vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng của Khu KTM Chu Lai mang lại rất lớn. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia kinh tế thống nhất khẳng định xây dựng một khu công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí tại Khu KTM Chu Lai là một sự đầu tư hợp lý. TS. Dương Đình Giám – Viện trưởng Viện Chiến lược công nghiệp (Bộ Công Thương) - thành viên của nhóm soạn thảo Nghị định  về chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ  - cho rằng việc lựa chọn địa điểm, doanh nghiệp, mô hình và các chính sách xúc tiến phát triển một khu công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí làm động lực cho cả miền Trung là chuẩn xác, đúng đắn và mang tính khả thi cao. Đề án này phù hợp với chiến lược phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam.

Băn khoăn chính sách

Theo TS. Dương Đình Giám, vấn đề phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được Chính phủ đặt ra trong nhiều năm qua nhưng vì thiếu một hệ thống chính sách đồng bộ để dẫn dắt thị trường nên hệ quả là sự thất bại của nhiều ngành công nghiệp trong việc thu hút đầu tư và phát triển thị trường công nghiệp hỗ trợ. Ngày 24.12.2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 12/2011/QĐ – TTg về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ, nhưng nội dung và địa vị pháp lý của quyết định này chưa đủ sức để thực hiện mục tiêu phát triển như nền kinh tế đang đòi hỏi. Do vậy, công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam chỉ được xem như mới bắt đầu, thậm chí có nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam chưa có công nghiệp hỗ trợ.

TS.Trần Du Lịch cho rằng dự án thí điểm phát triển công nghiệp hỗ trợ cơ khí ô tô, tàu thủy, cơ khí nông nghiệp theo chuỗi cung ứng không bị cắt đoạn đặt tại Chu Lai để lan tỏa ra các vùng kinh tế khác. “chính sách hỗ trợ đặc thù không dàn trải cho tất cả nhà đầu tư mà chọn nhà đầu tư, doanh nghiệp có đủ năng lực là ô tô Trường Hải. Nhà nước phải tạo ra cơ chế hỗ trợ đặc biệt để có thể nhanh chóng xúc tiến và hình thành khu công nghiệp hỗ trợ thí điểm này thành công” - TS.Lịch nói.

Việc chuyển nền công nghiệp gia công sang sản xuất, từ xuất khẩu sản phẩm thô sang chế biến, tạo môi trường cho các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu là một chủ trương lớn của Đảng. Vấn đề khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, hình thành các “cụm liên kết sản xuất” đang được ưu tiên trong việc hoàn thiện các mô hình phát triển. PGS-TS. Bùi Tất Thắng – Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch – đầu tư) nói không thể công nghiệp hóa mà không phát triển công nghiệp hỗ trợ cơ khí. Hiện tại đã có 3 khu công nghiệp hỗ trợ (Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai) đã phê duyệt nhưng tiến triển chậm chạp là do thiếu một doanh nghiệp đầu đàn thực thi các ý tưởng và thiếu chính sách. Vì vậy, chính quyền và doanh nghiệp cần đưa ra những dự án cụ thể với những đề nghị ưu đãi đặc biệt cho các dự án đặc biệt. Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải, đề án này là một trong những cụ thể hóa chiến lược phát triển công nghiệp của Quảng Nam. Nhà nước sẽ phải hỗ trợ và doanh nghiệp đầu tư sẽ được nhận cơ chế ưu đãi đặc biệt. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh cho rằng, nếu đầu tư khoảng mấy nghìn tỷ đồng cho đề án này thì rất khó. Hệ thống chính sách ưu đãi đặc biệt, kể cả vượt khung, cần tập trung vào nhà đầu tư dẫn đầu. Quan trọng nhất là cần có chính sách tín dụng thuế, nghĩa là giãn thuế từ 1 - 2 năm, một kiểu tín dụng không lãi để doanh nghiệp đầu tư. Nếu để doanh nghiệp đơn thương độc mã thì không thể nào làm được.

TÙY PHONG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thí điểm khu công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí: Động lực phát triển công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO