Giảm áp lực số vụ việc tòa án phải giải quyết thông qua mở phiên tòa xét xử; đặc biệt là tuyên truyền, nâng cao kiến thức pháp luật cho mỗi công dân... là những hiệu quả tích cực mà Trung tâm hòa giải, đối thoại Thăng Bình đem lại.
Sau khi có chủ trương từ Tòa án nhân dân tối cao về triển khai thực hiện thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính, Tòa án nhân dân huyện Thăng Bình là 1 trong 10 điểm tổ chức trung tâm hòa giải, đối thoại được triển khai thí điểm trên địa bàn tỉnh. Bà Quách Thị Tuyết Mai – Chánh án Tòa án nhân dân huyện Thăng Bình cho biết, theo đề án thí điểm, trung tâm hòa giải, đối thoại có nhiệm vụ thực hiện hòa giải các tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại, hôn nhân và gia đình, lao động; đối thoại giải quyết các khiếu kiện hành chính trước khi tòa án thụ lý, giải quyết, trừ những tranh chấp, khiếu kiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính không được hòa giải, đối thoại. Sau khi tiếp nhận chủ trương từ cấp trên, Tòa án nhân dân huyện đã củng cố nhân sự trung tâm hòa giải và đối thoại; tập hợp những đối thoại viên, hòa giải viên có kiến thức chuyên môn về pháp luật, am hiểu các lĩnh vực phổ biến về các vụ án dân sự và hành chính. Cụ thể, họ là những thẩm phán, kiểm soát viên, công tác trong ngành tư pháp… đã nghỉ hưu.
Đơn cử như vụ việc bà N.T.N. (SN 1953, ở xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn) cho ông V.H.C. (SN 1970, thị trấn Hà Lam, Thăng Bình) mượn gần 2,3 tỷ đồng (lãi suất 1%/tháng). Tuy nhiên, sau thời gian dài đến hạn trả lãi, ông C. không trả tiền. Sau đó bà N. gửi đơn đến Tòa án nhân dân huyện Thăng Bình đề nghị giải quyết buộc ông C. phải trả lại số tiền đã mượn. Ông Trần Văn Một – Thư ký Trung tâm hòa giải, đối thoại Thăng Bình cho hay, xác định đây là vụ án dân sự nên các hòa giải viên đã tập trung hướng dẫn và mời các bên đến hòa giải để đưa ra giải pháp hữu hiệu nhất. Ban đầu ông C. vẫn chưa chịu hợp tác với bà N. và cơ quan chức năng. Giả thiết đưa ra, nếu hòa giải thành công thì ông C. chỉ chịu 300 nghìn đồng tiền án phí dân sự; nhưng nếu ông C. vẫn cố chấp, đi đến hòa giải không thành thì khi mở phiên tòa xét xử, ông C. phải chịu 5% trong tổng số tiền nợ là 2,3 tỷ đồng, chưa kể đến trường hợp phải trả đủ số tiền đã mượn của bà N. trước đó. “Bằng kinh nghiệm chuyên môn cùng sự thuyết phục, phân tích rõ ràng về lý và tình của hòa giải viên, ông C. đã đồng ý trả nợ và lợi ích giữa các bên vẫn được đảm bảo. Trong biên bản hòa giải, bà N. cũng không yêu cầu tính lãi đối với số tiền này” – ông Một cho biết thêm.
Hay như vụ việc gần đây, Trung tâm hòa giải, đối thoại Thăng Bình cũng giải quyết thành công, tạo sự đồng thuận giữa các bên liên quan. Cụ thể, vào ngày 28.6.2019, ông T.V.D. (SN 1952, ở thôn Liễu Trì, xã Bình Nguyên) gửi đơn khởi kiện lên Tòa án nhân dân huyện Thăng Bình về văn bản chứng thực thỏa thuận phân chia di sản vào ngày 21.6.2017 do lãnh đạo xã Bình Phục ký là sai. Bởi trước đó, ông T.M. (người thân trong gia đình của ông D.) đã tạo một văn bản thừa kế giả chữ ký các thành viên trong gia đình để hưởng lợi hỗ trợ bồi thường từ dự án mở rộng tuyến đường qua phần đất có trong tài sản thừa kế. Qua công tác đối thoại, đại diện UBND xã Bình Phục và bên kiện đã tìm được tiếng nói chung. UBND xã Bình Phục đã hủy văn bản chứng thực sai trước đó và làm các thủ tục để xác nhận văn bản chứng thực lại, đảm bảo quyền lợi và uy tín giữa các bên có liên quan.
Bà Quách Thị Tuyết Mai cho biết, được triển khai từ tháng 11.2018 – 9.2019, Tòa án nhân dân huyện đã tiếp nhận 345 vụ việc về hành chính và dân sự. Qua công tác đối thoại, hòa giải, có gần 80% vụ việc được giải quyết thành công, qua đó không phải thông qua mở phiên tòa xét xử. “Trung tâm đã giải quyết, giảm tải khối lượng công việc trong việc xét xử án, giải quyết mâu thuẫn, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân về pháp luật. Đây cũng chính là dịp để tuyên truyền kiến thức pháp luật cho công dân, tránh tình trạng tập trung khiếu kiện đông người, vừa mang tính nhân văn sâu sắc khi các vụ việc được giải quyết thấu tình, đạt lý” – bà Mai nói.