Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được các cấp, ngành hưởng ứng thực hiện đã góp phần tạo sự đồng thuận và động viên, khích lệ các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Kinh nghiệm “dân vận khéo”
Hôm đến nhà bạn ở khối phố Phương Hòa Đông (phường Hòa Thuận, Tam Kỳ), tôi bất ngờ vì con đường nhỏ, đầy ổ gà ngày trước giờ rộng rãi, đổ bê tông sạch sẽ. Hỏi mới biết, đường được hoàn thành năm 2022, nhờ chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Nhân dân ở đây đã tự nguyện hiến đất, mỗi gia đình hai bên đường tháo dỡ tường rào, cổng ngõ để mở đường đủ 5m thay vì 3m như trước; đồng thời nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng lại kiến trúc đã tháo dỡ.
Đường mở rộng không chỉ giúp người dân đi lại thuận tiện mà còn góp phần nâng cao mỹ quan cho khu phố. Người bạn phấn khởi: “Trước đây đường cũ, một chiếc ô tô con đi khó nhưng bây giờ 2 chiếc tránh nhau vô tư. Đường rộng, nhìn nhà ai cũng đẹp hẳn lên”.
Ở TP.Tam Kỳ, những con đường kể trên không hiếm. Từ cách làm “dân vận khéo” hiệu quả, nhiều địa phương đã thực hiện nâng cấp, mở rộng được nhiều tuyến giao thông đô thị.
Điểm sáng cho phong trào này phải nhắc đến phường Trường Xuân - đơn vị vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2015 - 2020.
Chẳng hạn, trước năm 2020, phường thực hiện nâng cấp, mở rộng tuyến đường Xuân Hòa - Ấp Bắc từ 3m lên 8,5m. Đường có chiều dài hơn 800m, được đổ nhựa, xây dựng cống thoát nước, vỉa hè 2 bên, với tổng kinh phí đầu tư 7 tỷ đồng, phần kinh phí người dân hiến đất hơn 10 tỷ đồng. Đây là công trình có số người dân bị ảnh hưởng lớn với 76 hộ.
Theo Đảng ủy phường Trường Xuân, trong quá trình triển khai thực hiện dự án, ban đầu một số hộ dân chưa đồng tình với chủ trương do phần diện tích phải hiến lớn, có hộ hơn 100m2, giá trị đất hơn 1 tỷ đồng. Với sự vào cuộc tích cực của Tổ vận động giải quyết vướng mắc và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cuối cùng, toàn bộ 76 hộ đã đồng ý hiến đất để xây dựng tuyến đường.
Đại diện Đảng ủy phường Trường Xuân chia sẻ, bài học “dân vận khéo” từ dự án này là cơ sở để địa phương mạnh dạn, tự tin triển khai các công trình khác. Theo đó, ngoài công tác lãnh đạo, phối hợp của chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, thì cần đặc biệt coi trọng vấn đề phát huy dân chủ.
Bất kỳ dự án nào triển khai ảnh hưởng đến dân sinh thì phải công khai, lấy ý kiến nhân dân để đạt sự ủng hộ, đồng thuận. Trong vận động, cần xác định không thể một sớm một chiều, mà phải kiên trì, cương quyết, mềm dẻo bằng nhiều cách.
Không thể làm “dân vận suông”
Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết, thời gian qua, cấp ủy các cấp chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 43 ngày 7/1/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, gắn với đẩy mạnh phong trào thi đua “Dận vận khéo”, các mô hình tự quản và thực hiện đồng bộ quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.
Tại Hiệp Đức, Ban Thường vụ Huyện ủy đưa nội dung phong trào thi đua “Dân vận khéo” vào nghị quyết, chương trình công tác để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Qua đó phong trào được triển khai rộng khắp trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt đã có nhiều điển hình, mô hình “dân vận khéo” trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đem lại hiệu quả thiết thực.
Như mô hình “Vận động, phấn đấu giảm nghèo bền vững”. Hằng năm, Hiệp Đức tập trung thực hiện nhiều giải pháp giảm nghèo, trong đó chủ trương phân công các cơ quan, đơn vị, địa phương, đảng viên, cán bộ, công chức theo dõi, hướng dẫn, giúp đỡ hộ nghèo trên địa bàn.
Huyện đã thành lập 8 tổ công tác hỗ trợ, giúp đỡ 542 hộ nghèo tại 8 thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện cũng duy trì thực hiện tốt việc đối thoại với hộ nghèo do Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tổ chức. Với những cách làm này, từ năm 2019 - 2022, Hiệp Đức có 244 hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo.
Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết, năm 2022, toàn tỉnh đã xây dựng được nhiều mô hình, điển hình “dân vận khéo” trên các lĩnh vực. Nổi bật, các cơ quan nhà nước xây dựng mô hình “dân vận khéo” gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; xây dựng đạo đức công vụ, tăng cường tiếp dân, đối thoại, giải quyết những vấn đề bức xúc trong nhân dân…
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng, bên cạnh thuận lợi, công tác dân vận của Đảng còn có nhiều thách thức. Đó là tình hình sai phạm diễn ra trên nhiều lĩnh vực; công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực dễ bị kẻ xấu lợi dụng tuyên truyền chống phá.
Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn cao, nhất là ở các huyện miền núi; tệ nạn xã hội, tín dụng đen, cờ bạc, ma túy... còn diễn biến phức tạp. Do đó, cấp ủy, chính quyền các cấp cần làm tốt công tác dân vận, nhất là công tác “dân vận chính quyền”, phong trào thi đua “Dân vận khéo”…
Ông Dũng nhấn mạnh, công tác tuyên truyền không hiệu quả, không khéo sẽ là mảnh đất tốt để các thế lực chống phá lôi kéo nhân dân đứng về phía họ. Đồng thời làm công tác dân vận không thể làm tư tưởng, tuyên truyền suông mà cần gắn với quyền và lợi ích chính đáng của người dân thì dân vận mới thành công.
Đặc biệt, trong “dân vận chính quyền”, cần phát huy vai trò giám sát của Ban dân vận, Mặt trận, đoàn thể các cấp trong công tác tiếp công dân, lắng nghe ý kiến nhân dân và giải quyết kiến nghị nhân dân.
Phải giám sát việc giải quyết những kiến nghị, đề xuất của công dân. Đừng để tiếp công dân rồi, kết luận rồi nhưng kết luận chồng lên kết luận mà không hiệu quả. Làm tốt việc này thì công tác dân vận mới thành công…