Trung tuần tháng 9 này, trường Đại học KH-XH&NV TP.HCM sẽ tổ chức tọa đàm khoa học mang tầm quốc gia về thi sĩ Bùi Giáng, nhân kỷ niệm 15 năm ngày mất của ông (7.10.1998 - 7.10.2013). Và chúng tôi men theo những câu thơ của Bùi thi sĩ viết về quê hương, tìm về “Vĩnh Trinh, Lệ Trạch Thanh Châu...” để cùng những người họ hàng của ông nhắc nhớ câu chuyện người xưa.
Nhà triết học Bùi Văn Nam Sơn là một người bà con của thi sĩ Bùi Giáng, trong cuốn “Bùi Giáng, trong cõi người ta” (in năm 2008), chia sẻ: “Viết đôi lời hay nhiều lời về Bùi Giáng không bằng đọc Bùi Giáng. Đọc Bùi Giáng không bằng giao du với Bùi Giáng. Giao du với Bùi Giáng không bằng sống như Bùi Giáng. Mà sống như Bùi Giáng thì thật vui mà thật khó”. Trong câu chuyện nhập nhòa hư thực về một con người sống bằng bản ngã, luôn xê dịch, luôn tìm cách tự minh định mình… thì việc xác nhận tính chân xác e không còn ý nghĩa. Ở tâm thế đó, người viết lắng nghe chuyện kể của những người tộc Bùi về “người anh cả, người chú, người bác, người ông” với tấm lòng ngưỡng vọng. Bà Phan Thị Tịnh, người em họ, đồng thời là em dâu, tức bà con cả hai bên vợ lẫn bên chồng với Bùi Giáng, vẫn còn nhớ như in lần đầu tiên gặp ông. “Tôi hỏi ông (Bùi Giáng) nên xưng hô thế nào, là anh hay là bác? Ông nói, mình chỉ muốn làm anh thôi, làm anh cho trẻ. Vậy là tôi gọi anh Sáu Giáng. Bẵng đi rất lâu, ông mới về quê vào khoảng đầu năm 90. Ông vẫn còn nhớ tôi, cứ nói dù già rồi nhưng vẫn cứ gọi là anh nhé!” - bà Tịnh kể.
![]() |
Nhà thờ tộc Bùi. |
Nhà thờ tộc Bùi nằm ở làng Vĩnh Trinh (Duy Hòa, Duy Xuyên) trên một cánh đồng rộng bao la. Ở đây, nhìn đâu cũng thấy màu xanh ngút ngàn. Làng Vĩnh Trinh xanh và đẹp đến nao lòng. Theo những người cao tuổi trong tộc kể lại, nhà thờ này được xây dựng năm Nhâm Tuất (1922), và chính những người tộc Bùi này cũng là những người có công khai phá nên vùng đất Vĩnh Trinh. Dòng họ Bùi lúc ấy giàu có bậc nhất trong vùng với ruộng đồng cò bay thẳng cánh. Mang gia phả họ tộc cho chúng tôi xem, những người nhà Bùi Giáng nói rằng, không chỉ có ông Sáu Giáng mới là người tài, tộc Bùi còn có những người con cháu rất đáng để vinh danh như ông Bùi Thế Mỹ - một nhà ngôn luận lỗi lạc vang tiếng cả Trung Nam Bắc đầu thế kỷ XX. Hay gia đình Bác sĩ Bùi Kiến Tín - người đầu tiên ở Duy Xuyên tốt nghiệp y khoa tại Pháp năm 1940, và nay người con trai Bùi Kiến Quốc là một vị kiến trúc sư lừng danh thế giới. Ngược dòng thời gian, các cụ trong tộc còn cho chúng tôi biết một thông tin khá thú vị ngay từ thế kỷ XVI, một người họ Bùi là võ sĩ Bùi Hý đã đoạt giải vô địch võ Việt Nam và dịp Hội chợ năm 1937 ở Hội An và giữ vững chức vô địch ấy suốt mấy năm liền…
![]() |
Những tập sách của Bùi Giáng lưu giữ tại nhà thờ tộc Bùi. |
Quay trở lại với câu chuyện của thi sĩ Bùi Giáng, rất nhiều người bà con trong tộc họ chia sẻ, nhắc đến Bùi Giảng phải kể đến người vợ của ông - tuy chỉ chung sống có 3 năm, nhưng đây là quãng thời gian theo nhiều nhà nghiên cứu về thơ văn Bùi Giáng, là mạch nguồn lai láng làm nên những vần thơ “đẹp - kỳ dị” của người thi sĩ này. Tuy Bùi Giáng tiết lộ “phải thuận theo ý cha mẹ lấy cô vợ người thành phố Hội An, suốt đời không biết cày sâu cuốc bẫm là gì”, nhưng quãng thời gian cùng vợ ở tại làng Trung Phước, rồi mấy tháng tại Duy Xuyên, cũng đủ để con người lãng mạn này có những suy tưởng về ký ức với vợ cho riêng mình. Cưới năm 1945, đến năm 1948, người vợ qua đời. Đời sống vợ chồng ngắn ngủi, nhưng bà đã kịp để lại cho ông một nguồn cảm hứng lạ thường, để rồi sau này, dù có yêu ai, thì những vần thơ dành cho người phụ nữ này vẫn tràn đầy tình cảm nhất. “Em chết bên bờ lúa/ Để lại trên lối mòn/ Một dấu chân bước của/ Một bàn chân bé con/ Anh qua trời cao nguyên/ Nhìn mây buồn bữa nọ/ Gió cuồng mưa khóc điên/ Trăng cuồng khuya trốn gió/ Mười năm sau xuống ruộng/ Đếm lại lúa bờ liền/ Máu trong mình mòn ruỗng/ Xương trong mình rả riêng/ Anh đi về đô hội/ Ngắm phố thị mơ màng/ Anh vùi thân trong tội lỗi/ Chợt đêm nào, gió bờ nọ bay sang” (Em chết bên bờ lúa - Mưa nguồn). Trong một bài viết của mình, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển viết: “Ông phong tặng người vợ của mình - con mọi nhỏ, lên thành mẹ của giang san. “Em thành mẹ của giang san. Em là thần nữ đoạn trường chở che”. Thơ ông viết cho vợ càng lúc càng sang trọng. Tất cả cái mẫu tính dịu dàng, hồn nhiên, tươi đẹp, đôn hậu toát lên từ con người của bà Bùi Giáng khiến ông cảm phục vợ. Từ một con người cụ thể, mảnh mai, bà vụt trở thành hình tượng cao quý nhất trong lòng ông, trong thơ ông”.
Những con người hồn hậu họ Bùi ở quê hương, vẫn luôn coi thi sĩ Bùi Giáng như một người anh làm thơ, rất giản dị, sống rất mực chân phương. Anh Bùi Toàn - người hậu duệ ở quê, vẫn ngày đêm khắc những vần thơ ông lên đá, như một cách nhắc nhớ về di sản thơ văn đồ sộ của thi sĩ Bùi Giáng với nhiều đời, nhiều người. Nhà thờ tộc Bùi hiện nay vẫn giăng đầy thơ ông lên các bức tường, để tưởng nhớ con người tài năng này. Tưởng niệm 15 năm sau ngày mất của ông, ngày 14.9 tới, trường Đại học KH-XH&NV TP.HCM sẽ tổ chức tọa đàm khoa học mang tầm quốc gia về thi sĩ Bùi Giáng, nhân kỷ niệm 15 năm ngày mất của ông. Sẽ có những đánh giá ở nhiều góc cạnh về con người tài năng và kỳ dị này. Hy vọng di cảo thơ đồ sộ của ông sẽ sớm được nhìn nhận và tôn vinh!
SONG ANH