Điểm mới đáng chú ý nhất trong dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm nay chính là giao toàn quyền cho các địa phương trong công tác tổ chức coi thi, chấm thi.
Trường đại học “ngoài cuộc”
Những năm trước đây, nhằm giúp cho công tác thi cử được công bằng, khách quan, hạn chế tiêu cực, Bộ GD-ĐT cử các trường đại học tham gia cùng với địa phương từ khâu coi thi, chấm thi đến thanh tra thi với số lượng cán bộ được điều động làm nhiệm vụ khá lớn.
Tại cuộc làm việc mới đây với Sở GD-ĐT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân khẳng định yêu cầu của tỉnh không phải tất cả HS đỗ tốt nghiệp mà là tổ chức kỳ thi tuyệt đối nghiêm túc, học ra học, thi ra thi theo đúng quy chế của Bộ GD-ĐT. Thời gian qua, Quảng Nam làm rất tốt công tác tổ chức các kỳ thi, được Bộ GD-ĐT đánh giá cao nhưng không được chủ quan.
Tại Quảng Nam, mỗi kỳ thi có hơn 1.000 cán bộ, giảng viên đến từ 6 trường đại học thuộc Đại học Đà Nẵng và Trường Đại học Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) được điều đến tất cả điểm thi trên địa bàn tỉnh để làm công tác thi, chiếm đến một nửa số cán bộ coi thi. Tuy nhiên, theo dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2020 vừa được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến, các trường đại học hoàn toàn đứng “ngoài cuộc”. Thay vào đó, địa phương được giao toàn quyền trong tất cả các khâu, bao gồm coi thi, chấm thi, thanh tra. Điều này có nghĩa, không còn sự góp mặt của các đồng nghiệp đến từ các trường đại học, Sở GD-ĐT sẽ điều động tất cả cán bộ quản lý, giáo viên của địa phương mình làm nhiệm vụ.
Dù không phải là kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1” như trước, song đến nay, số trường đại học cho biết sẽ lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 để xét tuyển sinh tăng lên khá nhiều. Tuy nhiên, từ những vụ việc tiêu cực thi cử năm 2018 được phát hiện, đã có không ít băn khoăn khi giao hết nhiệm vụ coi thi, chấm thi cho các địa phương. Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu, bởi nếu có sự giám sát của cán bộ, giảng viên đến từ các trường đại học sẽ khách quan hơn so với giáo viên trường phổ thông coi thi đối với học trò của địa phương mình. Nhưng việc cử cán bộ trường đại học làm công tác thi cũng có những khó khăn, bất cập riêng. Chẳng hạn tại Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, lần đầu tiên làm nhiệm vụ chấm thi trắc nghiệm tại Quảng Nam, một lãnh đạo Trường Đại học Duy Tân bày tỏ lo lắng và đề nghị Sở GD-ĐT hỗ trợ tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chấm trắc nghiệm cho cán bộ của trường.
Chuẩn bị sớm
Theo ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT, dù Bộ GD-ĐT chưa ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT chính thức song Quảng Nam vẫn chủ động chuẩn bị cho kỳ thi. Trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, ngành đã tổ chức dạy trên truyền hình, dạy trực tuyến cho học sinh (HS) lớp 12. Hiện nay thời khóa biểu vẫn ưu tiên và dành thời lượng ít nhất 2 tuần trước khi kiểm tra học kỳ 2 cho các lớp cuối cấp nói chung, lớp 12 nói riêng để tạo điều kiện cho các em ôn tập.
“Quan điểm cái gì làm được thì làm, không chờ Bộ GD-ĐT, sắp tới chúng tôi sẽ tham mưu UBND tỉnh thành lập ban chỉ đạo, hội đồng thi và các ban chức năng liên quan đến công tác tổ chức kỳ thi như ban coi thi, sao in, làm phách” - ông Quốc nói.
Cũng theo ông Quốc, thời gian thi tốt nghiệp THPT năm nay giảm 1 ngày nhưng số môn thi không giảm nên áp lực đối với HS không hề nhỏ. Do đó, về mặt chuyên môn, Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường tổ chức tốt ôn tập, phụ đạo, bồi dưỡng cho HS, tổ chức thi thử nhằm tạo điều kiện cho các em làm quen với cấu trúc đề thi. Đối với miền núi, sẽ có các đoàn giáo viên do Sở GD-ĐT thành lập đi đến các trường THPT để hỗ trợ chuyên môn, sau khi bế giảng vẫn tiếp tục tổ chức ôn tập, phụ đạo. Đồng thời, sẽ có chính sách hỗ trợ kinh phí cho HS và giáo viên các trường vùng cao trong thời gian ôn tập để thi tốt nghiệp THPT.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay tổ chức thi 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân), Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh). Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải dự thi 4 bài thi (3 bài thi độc lập và 1 bài thi tổ hợp). Ngày thi dự kiến 8 và 9.8.
Toàn tỉnh có gần 18.000 HS dự thi, trong đó hơn 16.000 HS đang theo học lớp 12. Tỉnh dự kiến bố trí 55 điểm thi với 770 phòng thi tại tất cả huyện, thị xã, thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của thí sinh. Sẽ có khoảng gần 2.500 cán bộ, giáo viên được điều động làm công tác thi và hơn 600 nhân viên, công an, y tế làm nhiệm vụ, đảm bảo an toàn cho kỳ thi.