Thị trấn “cây chò”

THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC 20/05/2023 05:17

Chúng tôi không còn nhận ra vạt đồi rậm rịt u tối dưới chân đồi gần nghĩa trang liệt sĩ của huyện Đông Giang của ngày cũ nữa. Thị trấn nhỏ, mang tên gọi “cây chò” (P’rao, trong tiếng Cơ Tu có nghĩa là cây chò) đã quá nhiều đổi khác. Những góc tối lui dần, để thị trấn sáng màu phố xá hơn.

P’rao, thị trấn trong lòng núi. Ảnh: C.N
P’rao, thị trấn trong lòng núi. Ảnh: C.N

Phố trong lòng núi

Vạt đồi rậm rịt trong trí nhớ mà chúng tôi vừa nhắc chỉ có những bụi cây tạp lô nhô, vốn chỉ là chỗ lấy củi cho trường phổ thông dân tộc nội trú huyện. Không có nhà cửa, và hẳn nhiên, thị trấn lúc ấy chỉ là vài hàng quán ngay ngã ba, điểm cuối của chuyến xe đò từ Đà Nẵng ngược lên Hiên - tên gọi của vùng đất này ngày chưa chia tách huyện.

Thị trấn như là một danh xưng xa lạ và sang trọng. Cư dân vẫn phần lớn là đồng bào Cơ Tu bản địa và một số nhỏ công chức, người lao động ở các đơn vị là người dưới xuôi lên công tác. Không có quá nhiều tiện ích, ngoài chức năng hành chính chung. Một vài “quán trọ” ven đường rất nhỏ, những quán xá đóng cửa sớm. Trừ những công trình trụ sở làm việc của các cơ quan Nhà nước tương đối khang trang, hạ tầng của một đô thị ở mức khiêm tốn nhất: hai trục đường chính là quốc lộ 14G và đường Hồ Chí Minh giao cắt ở ngã ba, một ngôi chợ. Phải rất lâu sau này, thị trấn mới có được... một ngã tư đèn đỏ nằm gần trụ sở UBND huyện.

Nhắc lại ký ức, để nhớ P’rao ngày ấy lặng buồn, như một ngôi làng ngay bên dòng A Vương xanh. Nhiều lần trở lại, chúng tôi vẫn cảm thấy phố núi như bị “bỏ quên” bên đường Hồ Chí Minh, khi những thị trấn khác ở cùng trục đường như Thạnh Mỹ, Khâm Đức đã có bước đi dài và xa trong câu chuyện định hình phố thị. Lượng người lưu trú khá khiêm tốn, sức bật về thương mại, dịch vụ chưa định hình, thị trấn lẻ loi, không đủ để là chốn dừng chân lý tưởng trên chặng dài thiên lý của cung đường Hồ Chí Minh. Khi ấy, du lịch còn xa lắm, như một giấc mơ mà cư dân còn chưa dám gọi tên. Người lạc quan nhất cũng chỉ trông đợi vào câu chuyện kết nối cửa khẩu phụ của “người hàng xóm” Tây Giang. Phố núi chật hẹp bởi những con đường cũ, bóp cứng nhu cầu phát triển.

Đón đầu cơ hội

Có một chặng dài người ta vẫn khó hình dung lối mở cho câu chuyện phát triển, xây dựng hình hài mới cho thị trấn “cây chò”. Bởi, một bên là dòng A Vương, một bên là đồi núi lô nhô, tìm kiếm quỹ đất để mở rộng đầu tư hạ tầng, hình thành các phân khu chức năng, tạo dáng thế cho phố núi gần như là thách thức. Nhưng rồi, bằng những chắt chiu nguồn lực, thị trấn như cậu học trò nghèo biết cách gom nhặt từng hạt lúa, ngọn rau, miệt mài tìm kiếm tương lai cho chính mình. Không gian dần nới rộng từng chút một. Những dự án cứ thế đắp bồi thành một “tấm áo mới” vừa vặn hơn với nhu cầu phát triển.

Không còn thưa vắng hơi người. Những chuyến xe kéo khách về với phố núi, nhắc lại những rộn ràng từng hiện hữu ngày mở đường Hồ Chí Minh. Là một thị trấn bên sông, bên núi, cảnh quan hữu tình được tính toán hài hòa, hợp lý, tạo dấu ấn riêng cho phố núi và cũng dọn đường để đón đầu những cơ hội đầu tư. Chủ tịch UBND thị trấn P’rao - ông Huỳnh Văn Tân nói, sau những dự án được triển khai, thế cô lập đã được phá bởi những chiếc cầu kiên cố, cùng nhiều hạng mục công trình mới kết nối P’rao với các khu vực lân cận.

“Một thời gian dài, chúng tôi loay hoay với câu chuyện phát triển. Nhưng đó đã là câu chuyện của quá khứ, khi địa phương gặp quá nhiều khó khăn trong kêu gọi nguồn lực đầu tư xứng tầm. Nhờ những công trình trọng điểm được xây dựng, chúng tôi đã tìm được lối mở không gian, nhìn thấy lợi thế về địa hình để phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch sinh thái. Đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 14G và các tuyến dân sinh kết nối như những đòn bẩy cho phát triển liên vùng. Trong đó, điểm nhấn là các tuyến đường ven sông A Vương đang được hình thành gắn với công tác sắp xếp, bố trí dân cư. Đi sau cũng là một thuận lợi khi chúng tôi tiếp cận được những mô hình hay, bài bản, học được nhiều bài học kinh nghiệm từ các địa phương tương đồng” - ông Tân nhấn mạnh.

Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang như mở cánh cửa bước vào “giấc mơ” du lịch một thời của Đông Giang. Có sản phẩm phục vụ du lịch, nhiều thế mạnh về sinh thái, văn hóa bản địa cũng được khai mở để đa dạng hóa sức hút, tạo tiền đề và gợi mở nhiều hướng đi mới trong tương lai. Thị trấn không nằm ngoài những rộn ràng của thời cuộc, bắt đầu ươm cho mình kỳ vọng lớn hơn cho cuộc đi dài phía trước.

Như một “cây chò” cao lớn giữa rừng, P’rao len ra khỏi những bóng tối, vươn mình lên trời cao, đón nắng.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thị trấn “cây chò”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO