Tôi đã nhiều lần đi qua các thị trấn ven sông: Thạnh Mỹ, Ái Nghĩa, Vĩnh Điện… Thị trấn của tôi, hai chục năm trước và bây giờ, là thị trấn ven sông Vu Gia, mà tôi gọi tên cho riêng mình: thị trấn thơm mùi cà phê.
Dọc sông Thu Bồn, mỗi thị trấn có một vẻ riêng, vừa mang phù sa châu thổ vừa mang đất cát của rừng nên người đi lướt qua, sẽ dễ thấy ở đó rập ràng chộn rộn chỉ dấu của thị thành, của cái người ta đọc tên là phố. Nhưng người sống lâu mới thấm nỗi đa mang, phố thì chưa thành tên, quê cũng chẳng hề mất, như cái sự dở dang mà tạo hóa bày ra đó, con người sống ở đó, nếu lực nào mạnh, sẽ kéo họ đi về mỗi phía.
Hồi gia đình tôi từ đội trồng rừng Đại Hiệp chuyển về thị trấn (hồi đó là xã Đại Phước), mọi thứ ở đây bé lắm - nhà cửa bé, đường sá bé. Quán tạp hóa, quán giải khát thì họa hoằn lắm mới thấy. Đó là những năm 1985-1987. Và điện là giấc mơ thường hằng.
Một góc thị trấn Ái Nghĩa. Ảnh: HỨA THẠNH |
Sự thay đổi ở thị trấn nhích chầm chậm, cư dân bản địa cứ cắm đầu kiếm sống, thỉnh thoảng ngước mặt lên và giật mình, sao mãi chẳng thấy đổi thay, nhưng người xa quê một vài năm trở về thì ngạc nhiên lắm, phát triển đến thế rồi ư. Hơn Vĩnh Điện rồi! Những năm 90 của thế kỷ trước, người Ái Nghĩa cứ hay so bì với người Vĩnh Điện. Là so bì thế thôi nhưng biết không thể bằng. Vĩnh Điện gần Hội An, sát rạt Đà Nẵng, làm ăn buôn bán gì cũng nhanh hơn. Tôi còn nhớ, đến cả cái đầu lân cho trung thu, người Ái Nghĩa cũng chờ Vĩnh Điện, chờ Hội An. Lân rồng, lân sư Vĩnh Điện mà lên, thì ăn đứt lân của cả Đại Lộc, chớ gì một Ái Nghĩa. Họ múa đẹp, đội lân hoành tráng. Nên những đêm rằm tháng Tám, mấy nhà khá giả một chút, nhà buôn bán thì luôn chờ lân Vĩnh Điện, đăng ký và mời để họ đến “xông” nhà cho mình. Chờ còn hơn chờ mua thịt heo thời bao cấp.
Phố nhỏ, đêm ba mươi xác pháo phủ đầy, hồng rực cả mấy ngày tết, dường kín mặt đường, từ nhà này sang nhà kia. Bởi bốn góc ngã tư hay ba góc ngã ba, nhà làm gì có cổng ngõ.
Chợ ngã ba (bây giờ là chợ Ái Nghĩa) đông buổi sáng, chợ ngã tư đông buổi chiều. cứ vậy xôn xao chợ sáng chợ chiều. Cách dăm bước là bến xe. Nhiều người bám vào đây để kiếm sống. Dân ngã tư như tôi thì gọi là dân chợ hay dân bến xe. Không biết ai… định nghĩa, nhưng người từ các xã vùng B, vùng A cứ nghe “danh xưng” ấy đều ngại. Dân ngã tư, dân thị trấn “hầm hố” đâu thì tôi không thấy, nhưng chắc một điều, họ khôn ranh như chồn, như cáo trong rừng - để tồn tại, để kiếm sống bằng đủ thứ nghề ở chốn đã thành hình hai chữ thị dân. Họ có thể dữ tợn chứ không ác. Chỉ mỗi điều như tôi nói, ai bị hấp lực mạnh nào lôi kéo, thì ngả về phía ấy. Thanh niên thế hệ cuối 8X, đầu 9X trở đi, nhiều người lọt vào vòng xoáy của ma túy, đập đá, đề lô, cá độ. Rồi cũng mon men giang hồ hảo hớn, dăm bữa nửa tháng vào ra trại như đi phượt. Những người mẹ thì cứ mải miết chạy theo, khi thì kiếm tiền trả nợ cho con kẻo giang hồ rượt đánh, khi thì xin công an cho đi cai nghiện, lúc lại ôm cháu về nuôi kẻo tội nợ đời…
Hồi ấy, ngã tư thị trấn còn có chợ heo tự phát sát bến xe. Mấy bác lớn tuổi có thêm nghề kéo xe bò thuê chở hàng tại bến. Góc phố lúc nào cũng chừng chục chiếc xe bò đậu. Bữa ế, họ chụm lại chơi các-tê, bỏ xe ghếch lên nhau, nhìn cứ như nghệ thuật sắp đặt. Họ đó, dân thị trấn gốc luôn, mà hiền queo.
Góc phố. |
Cái sự đổi thay thấy rõ nhất là từ khi thị trấn được chỉnh trang, quy hoạch lại khu đô thị trung tâm và tuyến ĐT 609 được nâng cấp, mở rộng. Cầu Ái Nghĩa được làm mới. Thị trấn vẫn bé như lòng bàn tay nhưng ngã ba, ngã tư không còn ít như xưa. Vài đường ngang, đường dọc mở ra, thị trấn có gương mặt mới với những “bàn cờ” được bày biện. Ra phố hẳn hoi. Tiếc là không hiểu quy hoạch kiểu gì, đứng bên ni cầu nhìn sang bên kia cầu, một quán cà phê tọa lạc gần như “tim đường”.
Vài chục ngôi nhà dọc từ cầu Ái Nghĩa đến ngã tư được giải tỏa. Người ra đi sẽ tự vẽ cho mình “bản đồ phố” chỉ còn trong hoài niệm bằng những cái tên như nhà bà Ba Thuấn, Mười Rân, Năm Huệ, Bảy Sành, Năm Giang. Mùa lụt, thì bản đồ nước lũ cứ theo chỗ trũng thấp mà tính lần lên: nước băng trường học (Trường tiểu học thị trấn) rồi, băng trung tâm (Trung tâm giáo dục thường xuyên của huyện), băng phốc (cầu Phốc), băng ngoại thương (Công ty CP Thương mại Đại Lộc). Đến lúc đó, thể nào cả thị trấn cũng mênh mông nước.
Nhà của bà Ba Thuấn ở góc ngã tư bên kia ra đi, ba góc còn lại thì chưa. Mọi thứ vẫn nằm trong quy hoạch. Vài năm nữa, khi tuyến đường nối cầu Giao Thủy mở rộng, thế nào cũng lại có tiếp những cuộc ra đi. Ra đi để phát triển. Kèm theo đó là ngậm ngùi của bao nhiêu thế hệ từng bám chặt đời mình với nhộn nhịp của phố.
Từ khi “bàn cờ” phố được bày biện, quán cà phê cứ như hiệu ứng đômino, rầm rập dựng bảng hiệu. Từ Nghĩa Trung xuống đến Gò Mùn, đếm được vài chục quán lớn nhỏ. Quán nào cũng đông khách. Tháng ba, trên vỉa hè sưa nở bừng. Loài hoa mà có thời lãnh đạo thành phố tỉnh lỵ định xây dựng “thương hiệu” cho Tam Kỳ cũng đã kịp xanh um, mỗi năm một mùa, vàng rực cả thị trấn. Nhưng hương sưa nồng nàn không thể át nỗi mùi cà phê thơm lừng. Trong vị cà phê ấy, là cơm áo gạo tiền cho bao nhiêu người… sống được. Ngoài cà phê còn có quán bán đồ ăn vặt, bánh bao bánh mì bánh cuốn. Quán nhậu lẩu dê lẩu bò lẩu thập cẩm. Quán bán đồ điện tử điện lạnh điện máy. Salon tủ bàn ghế. Salon xe máy. Ngân hàng các loại. Thêm nhiều phòng mạch tư đủ mọi lứa tuổi khám chữa bệnh, đủ mọi loại bệnh. Ngã tư đèn đỏ đếm ngược 26 giây. Lại sắp có tên đường. Đoạn này sẽ là Hùng Vương, kia Nguyễn Tất Thành, nọ Thượng Đức, Huỳnh Thúc Kháng… Chỉ cần thò chân ra ngoài là mọi nhu cầu được đáp ứng.
Thị trấn mở rộng, thêm vài thôn của xã khác nhập vào. Họ thành thị dân. Nhưng mấy ông bà già làm ruộng ở những khu vực được nhập vào thì chép miệng, làm dân thị trấn chi để thủy lợi phí tăng lên, phí chi cũng tăng; hồi làm dân xã, đóng đâu có cao như chừ. Họ ở cách trung tâm thị trấn chừng hai cây số, mọi thứ vẫn như xưa, chỉ có các loại phí là tăng.
“Dân thị trấn giàu” là câu cửa miệng của người ở các xã trong huyện. Bà con nói cứ như ngồi trong bếp xới cơm. Vì họ cho con đi du học ở Mỹ, ở Pháp, ở Úc. Mà toàn du học tự túc. Vì họ có bao nhiêu là nhà, đất ở Đà Nẵng, Sài Gòn. Tự dưng tôi nhớ câu này của nhà văn Nguyên Ngọc: “Cái chính thì bị che khuất, tự che khuất, cái nhìn thấy được, cái bộc lộ thường chỉ là cái phụ, cái vỏ”. Trong cuộc mưu sinh của người thị trấn, dễ mấy ai thấy được nhọc nhằn đánh đổi, trong lớp vỏ trơn tru không biết là thật hay giả kia.
Hai mươi năm trước, cha bỏ bốn chị em tôi ra đi. Chẵn hai mươi năm, lại một sự ra đi khác, không phải biệt ly bởi nỗi đau mồ côi, nhưng vẫn quặn niềm mơ hồ của sự mất mát. Ngày mai, nhà của mẹ tôi sẽ được dỡ đi, thay vào đó là siêu thị mini của thế giới di động. Từ xứ sở Kangaroo xa xôi, em tôi nhắn những dòng nghèn nghẹn: Cái góc phố gắn với cuộc đời của không chỉ riêng chị em tôi. Nó còn của một bác xe thồ, một ông buôn heo, một người kéo xe bò, của những người tha phương và của cả cái xóm nhỏ “ăn chơi” nơi thị tứ. Cũng có thể đâu đó - nghe những tiếng miệt thị. Từ góc phố đó, mẹ tích cóp từng ly cà phê hầu hạ đời để chị em tôi trưởng thành. Từ góc phố đó, mấy chị em tôi lớn lên. Góc phố thơm mùi cà phê.
Cái góc nhỏ của từ tâm. Của cái gốc gác khó khăn đầy hãnh tiến. Thì biết cũng còn đó của mình, chỉ là thay da đổi thịt. Nhưng mai mốt về góc phố cũ rục không còn nữa. Một cái chi đó mới mọc lên trên nền ký ức - lạ lẫm.
Tùy bút PHAN HOÀNG