Những ngày chưa xa, P’rao, Thạnh Mỹ, Khâm Đức còn là cái tên gợi lên bao cách trở. Người miền xuôi mỗi khi có việc phải “ngược nguồn” là một lần ám ảnh bởi những khó khăn về đường sá. Cái khó ở vùng cao đi vào trong câu ví: “Chỉ có Giằng (Nam Giang ngày trước) - chẳng có gì”. Nay, những thị trấn trên cung đường Hồ Chí Minh huyền thoại ấy đã vươn mình, lớn dậy.
Những cán bộ lão thành kể cho chúng tôi nghe về những lần đi công tác, trên giấy đi đường chỉ đóng dấu mỗi ngày đi. “Năm thì mười họa” mới có một chuyến xe chuyển hàng lên núi. Thị trấn cô độc, buồn như một bếp lửa khuya hiu hắt trong nhà duông. Dăm ba nóc nhà lụp xụp, vài trụ sở nhạt nhòa trong sương giăng. Chưa ai dám nghĩ về một ngày phố núi bừng tỉnh nhộn nhịp như bây giờ.
Khâm Đức (Phước Sơn) đã không còn là một thị trấn “mồ côi” mỗi khi mùa mưa về. Ký ức kinh hoàng trong những trận lũ đổ xuống cầu Xơi chỉ còn tồn tại như dấu chấm lặng trong trí nhớ của những người đã kinh qua một thời gian khó. Hoặc từ Thăng Bình ngược lên, hoặc từ Thạnh Mỹ rẽ về, đường Trường Sơn Đông cũng đang vươn mình đến phố núi. Thạnh Mỹ (Nam Giang) như một ché rượu cần đón đợi những cuộc hội ngộ, hội tụ cơ duyên phát triển bằng địa thế thuận lợi, bằng nguồn tài nguyên dồi dào và cửa khẩu mở ra con đường thông thương với nước bạn Lào. Còn P’rao (Đông Giang) đang từng ngày hòa nhịp đập với sự phát triển không ngừng của núi. Ba thị trấn - ba trái tim cùng hướng đến việc khơi dậy tiềm năng cho vùng tây xứ Quảng. Cung đường Hồ Chí Minh như một mạch nước ngầm tưới mát, khoác lên một màu áo mới, màu áo của phố thị. Chỉ riêng sức hút của “cung đường du lịch” đã là một lợi thế đang dần được đánh thức của vùng cao.
Ông Alăng Mai - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang chia sẻ, Thạnh Mỹ là ngã ba kết nối đường Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn Đông, lại cách TP.Đà Nẵng không xa. Đây là một trong những lợi thế kích thích sự phát triển của địa phương trong tương lai. Chưa kể cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Oọc đã mở và đang dần được hoàn thiện sẽ thu hút đáng kể sự đầu tư vào thị trấn Thạnh Mỹ. “Vài năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu đến khảo sát, tìm cơ hội đầu tư vào Thạnh Mỹ. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà đầu tư quan tâm đặc biệt đến vùng đất này. Gần đây nhất, nhà máy xi măng Thạnh Mỹ được xây dựng và đưa vào hoạt động, trở thành một trong những dự án lớn trong vùng” - ông Mai nói.
Diện mạo thị trấn Thạnh Mỹ hôm nay. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Rời bỏ những năm tháng tách biệt, trung tâm hành chính huyện Nam Giang đang được quy hoạch lại, trở về trong lòng Thạnh Mỹ để hòa cùng nhịp phát triển thị trấn hơn bảy nghìn dân. Thạnh Mỹ hứa hẹn sẽ sôi động, xứng tầm với kỳ vọng về một vùng kinh tế đầy tiềm năng đang bừng tỉnh giữa đại ngàn.
Đêm vùng cao. Ánh điện rực sáng khắp những nẻo đường thị trấn Khâm Đức. Dọc cung đường Hồ Chí Minh, nhà nghỉ, khách sạn, những trụ sở uy nghi đã mọc lên. Quy hoạch cũ như một tấm áo quá chật với sự lớn lên không ngừng của phố thị. Mỗi ngày, hàng chục chuyến xe khách đi về, chưa kể mật độ lưu thông hàng hóa đang tăng cao từng ngày. Hình ảnh những đoàn khách Tây dừng chân lưu trú đã không còn xa lạ với người dân bản địa. Ông Lý Minh Tám - chủ khách sạn Bé Châu Giang (thị trấn Khâm Đức) chia sẻ: “Trong những năm gần đây, lượng khách lưu trú đến Khâm Đức ngày càng đông. Đây là cơ hội để những doanh nghiệp phát triển dịch vụ du lịch, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của du khách”. Rũ bỏ biệt danh “thị trấn giang hồ” với những mường tượng về vùng đất nổi danh xứ vàng, Khâm Đức như một đóa hoa rừng bung nở nơi cửa ngõ phía tây nối với Kon Tum. Cửa ngõ ấy bắc nhịp cầu thông thương cho vùng đất Tây Nguyên trù phú với duyên hải Trung Bộ. Giờ đây, Khâm Đức là một điểm tựa của kinh tế miền núi Quảng Nam với đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách tỉnh. Ông Phạm Thế Quyền - Bí thư Huyện ủy Phước Sơn cho biết: “Từ một thị trấn chỉ có vài nghìn dân, đến nay Khâm Đức đã trở thành một thị trấn sầm uất với hơn 20 nghìn dân, nhộn nhịp về thương mại và dịch vụ. Đặc biệt, với vị trí thuận lợi và nguồn tài nguyên còn khá đa dạng, địa phương trở thành một điểm đỗ quan trọng trên tuyến đường Hồ Chí Minh, tạo nguồn thu đáng kể, nâng cao đời sống người dân, đổi thay diện mạo của phố núi”.
Bắc ngang qua dòng sông Thanh, cây cầu ngay ngã ba - nơi có di tích lịch sử đường ống dẫn xăng dầu và đường dây thông tin tải từ Bến Giằng đi Khâm Đức, mỗi ngày đón hàng trăm chuyến xe qua lại. Cách đó không xa, nhà máy xi măng Thạnh Mỹ, dự án “khủng” với vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng, đã đi vào hoạt động, xuất xưởng tấn xi măng đầu tiên vào tháng 3.2014. Đây được xem là một trong những dự án trọng điểm của địa phương, nâng tầm Thạnh Mỹ trở thành trung tâm kinh tế huyện Nam Giang. Đoạn đường Hồ Chí Minh qua xã Cà Dy được phục dựng trở thành điểm du lịch hấp dẫn, níu chân du khách. Giấc mơ du lịch bắt đầu được đánh thức tại phố núi Thạnh Mỹ khi giá trị dịch vụ, du lịch có những khởi sắc trong những năm gần đây. Theo ông Chơ Rưm Nhiên - Bí thư Huyện ủy Nam Giang, trong quy hoạch vùng tây đến năm 2025, Thạnh Mỹ sẽ phấn đấu trở thành thị xã. Công tác quy hoạch đã được chú trọng gắn việc bố trí hài hòa dân cư, cơ sở hạ tầng, phù hợp mục tiêu đẩy mạnh phát triển thương mại dịch vụ. Đây sẽ là điều kiện quan trọng để kích thích sự phát triển đúng hướng của địa phương trong tương lai.
Không muốn đứng ngoài sự phát triển chung của các thị trấn trên trục đường huyền thoại, huyện Đông Giang cũng bắt đầu tập trung nguồn lực đầu tư cho thị trấn P’rao. Già làng Atùng Vẻ, chứng nhân cho những đổi thay của vùng đất P’rao, phấn khởi: “Ngày xưa còn khó khăn, tới cái ăn, cái mặc cũng thiếu thốn. Từ ngày đường Hồ Chí Minh hoàn thành, P’rao trở nên nhộn nhịp, đời sống người dân no đủ hơn trước”. Từ làng thành phố, người Cơ Tu bắt đầu biết kinh doanh, buôn bán, làm du lịch. Văn hóa truyền thống trở thành một thứ đặc sản không chỉ để phục vụ du lịch, mà còn được duy trì như một niềm tự hào, một chất riêng cho vùng đất Đông Giang vừa bước ra từ gian khó. Giá trị của những tấm thổ cẩm, hàng thủ công vì thế được nâng lên. Việc người dân tham gia và làm chủ hoạt động kinh doanh du lịch là một bước ngoặt trong đời sống của đồng bào. Cái tên P’rao dần xuất hiện dày đặc trên bản đồ du lịch, trong các tour lữ hành - điều mà trước đây vẫn còn là một khái niệm xa lạ với nhiều người.
Vẫn còn ấp ủ nhiều giấc mơ trong những bước chuyển mình của phố núi. Phía trước là thách thức, nhưng cũng là cơ hội. Đại ngàn vẫn đang bước tiếp trên hành trình phát triển.
Ghi chép của PHƯƠNG GIANG - ALĂNG NGƯỚC