Thị trường gạo toàn cầu tiếp tục biến động

QUỐC HƯNG 27/08/2023 16:38

(QNO) - Thị trường gạo toàn cầu chịu thêm áp lực mới khi Ấn Độ vừa quyết định đánh thế lên gạo đồ xuất khẩu, Myanmar có thể hạn chế xuất khẩu gạo trắng kể từ tháng 9 tới. 

 
Thu hoạch lúa tại Ấn Độ. Ảnh: Indiantimes 

Ngày 25/8 vừa qua, Ấn Độ - nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới hiện nay, chiếm gần 40% thương mại về gạo toàn cầu bao gồm gần 8 triệu tấn gạo đồ vào năm 2022 chính thức áp thuế xuất khẩu 20% đối với gạo đồ.

Đồng thái trên diễn ra một tháng sau khi Ấn Độ áp đặt lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati vốn được tiêu thụ rộng rãi.

Các tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) và Nga cũng hành động tương tự khiến giá giá gạo thế giới tăng mạnh, lo ngại thiếu hụt nguồn cung, tác động đến hàng triệu người tiêu dùng. 

Lệnh cấm và hạn chế xuất khẩu gạo của các quốc gia nhằm đảm bảo nguồn cung nội địa, kiềm chế lạm phát hay lo ngại về hiện tượng thời tiết El Nino khiến lượng mưa giảm tác động đến sản lượng lúa gạo. 

Theo các chuyên gia, lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati của Ấn Độ có thể kéo dài ít nhất đến tháng 11/2023 và phụ thuộc vào hiệu quả của các vụ mùa. 

Tính đến ngày 7/8/2023, giá gạo bán lẻ tại Ấn Độ tăng 10,63% so với cùng kỳ năm trước, trong khi trên thị trường bán buôn, giá gạo tăng đột biến 11,12% so với cùng kỳ.

Tờ Thehindubusinessline dẫn các nguồn tin cho biết Myanmar lên kế hoạch hạn chế xuất khẩu gạo trắng từ ngày 1/9/2023. Việc hạn chế trên sẽ diễn ra từ 45 đến 60 ngày cho đến khi chính phủ nước này đảm bảo giá ngũ cốc nội địa ổn định. 

 
Kế hoạch hạn chế xuất khẩu gạo của Myanmar có thể khiến thị trường gạo thế giới thêm căng thẳng. Ảnh: Reuters 

Myanmar - nhà xuất khẩu gạo thứ 5 thế giới với 2 triệu tấn gạo trắng trên thị trường toàn cầu chứng kiến nhu cầu gạo nội địa gia tăng sau lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati của Ấn Độ.

Việc hạn chế xuất khẩu gạo của Myanmar được coi là biện pháp nhằm kiểm soát giá lương thực tăng cao và đảm bảo an ninh lương thực nội địa. 

Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) cho biết sản lượng gạo của Myanmar giảm 8% vào năm 2022 do nhiều nguyên nhân. Trong đó, Myanmar vừa trải qua lượng mưa bất thường vào tháng 7/2023 và nhiệt độ tăng cao có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất cũng như năng suất của vụ mùa. 

Theo các chuyên gia, Myanmar không có kế hoạch cấm xuất khẩu gạo đồ, nhưng các biện pháp hạn chế có thể sẽ làm nóng thị trường gạo toàn cầu hơn nữa.

Dữ liệu từ Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho thấy ngoại trừ gạo đồ Ấn Độ, hầu hết loại gạo đều có giá trên 600 USD/tấn. 

FAO cho rằng, sản lượng gạo toàn cầu có thể sẽ đạt 523,7 triệu tấn của vụ mùa 2023 - 2024 so với 517,6 triệu tấn của vụ mùa 2022 -2023.

Các nhà phân tích nhận định, giá gạo khu vực châu Á nói riêng và trên thế giới nói chung biến động mạnh trong vòng một tháng qua, đạt đỉnh trong 15 năm qua và còn tiếp tục tăng trước động thái hạn chế chế xuất khẩu của các nhà sản xuất gạo. 

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thị trường gạo toàn cầu tiếp tục biến động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO