Chủ yếu chỉ mới kinh doanh giống keo lai; không đăng ký kinh doanh; không có giấy chứng nhận nguồn giống và giấy chứng nhận lô cây con... là những bất cập cho thấy thị trường giống cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đang thiếu và yếu.
Các cơ sở kinh doanh giống cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhỏ lẻ. Ảnh: V.Q |
“Độc tôn” giống keo
Quảng Nam có mùa vụ trồng rừng từ tháng 9 đến tháng 1 năm sau, tuy nhiên hiện thị trường giống cây lâm nghiệp chưa mấy sôi động. Nhiều đơn vị, cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp đang gặp khó về đầu ra. Anh Nguyễn Hữu Đạo - chủ vườn ươm cây giống Hữu Đạo (Phái Tây, thị trấn Tiên Kỳ, Tiên Phước) cho biết, mặt hàng chủ đạo là keo tai tượng. Hạt giống được mua về từ các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định sẽ được gieo, ươm thành cây và bán ra thị trường. “Tính bình quân, 1kg giống cây lâm nghiệp đủ loại có giá chừng 500 nghìn đồng. Với 1kg giống, chúng tôi tốn 4 tháng để gieo hạt, ươm thành 40 nghìn cây giống và bán ra thị trường với giá 500 đồng/cây. Mọi năm lời nhiều nhưng năm nay khó khăn đầu ra nên chắc khó có dư” - anh Đạo nói.
Với các ưu thế là thời gian canh tác ngắn, dễ bán, giá phải chăng nên keo lai, keo tai tượng được trồng rộng rãi trên địa bàn tỉnh. Hầu hết cơ sở sản xuất và kinh doanh giống cây lâm nghiệp của Quảng Nam đều tập trung vào 2 loại cây này. Ông Nguyễn Văn Quý - Chủ tịch UBND xã Tiên Thọ (Tiên Phước) cho biết, toàn bộ 650ha trồng rừng của xã đều được người dân tập trung trồng keo tai tượng. “Để cung cấp giống cây phục vụ trồng rừng, trước đây trên địa bàn có hàng chục cơ sở sản xuất và kinh doanh giống cây lâm nghiệp ăn nên làm ra. Do sản xuất, kinh doanh ngày càng khó khăn nên tại địa phương chỉ còn 1 cơ sở nhưng hoạt động nhỏ lẻ” - ông Quý nói.
Tại xã Duy Hải (Duy Xuyên) có hàng chục hộ sản xuất, kinh doanh giống keo lai. Ông Nguyễn Văn Thống - Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho biết, người dân thu lợi cao từ sản xuất và kinh doanh giống cây lâm nghiệp thì chính quyền địa phương tạo điều kiện tối đa. Chúng tôi đặt câu hỏi, các hộ đã đăng ký kinh doanh chưa thì ông Thống cho rằng, việc đó không thuộc trách nhiệm nên địa phương chưa xác thực. “Có người mua thì người bán mới tồn tại được. Các cơ sở sản xuất và kinh doanh giống cây lâm nghiệp trên địa bàn hoạt động đã nhiều năm nay. Họ mua hạt từ các cơ sở lớn trong và ngoài tỉnh về gieo, ươm thành cây rồi bán” - ông Thống nói.
Còn bất cập
Theo bà Nguyễn Thị Sáu - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước, trên địa bàn có 8 cơ sở và 1 doanh nghiệp đã được cấp giấy phép kinh doanh giống cây lâm nghiệp. Còn lại, nhiều hộ sản xuất và kinh doanh giống cây lâm nghiệp chưa thực hiện các thủ tục cần thiết. Tất cả cơ sở đều mới chỉ sản xuất và kinh doanh giống cây keo lai, keo tai tượng, còn các loại giống chất lượng như sến, lim, kiền kiền thì chưa thể. “Hầu hết các hộ sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp đều nhỏ lẻ, tự phát. Xác minh nguồn gốc để đánh giá chất lượng giống cây lâm nghiệp thuộc trách nhiệm của cơ quan cấp tỉnh. Chúng tôi chỉ thực hiện chức trách giám sát, kiểm tra các điều kiện về sản xuất và kinh doanh giống cây lâm nghiệp mà thôi” - bà Sáu nói. Chúng tôi đặt câu hỏi, huyện đã triển khai chương trình, dự án, đề án hay siết chặt việc sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp để nâng cao chất lượng giống chưa thì bà Sáu trả lời chưa. “Theo phân cấp quản lý giống cây lâm nghiệp thì ngành chức năng của tỉnh phụ trách về giống nên cấp huyện chưa thể có chương trình, dự án thí điểm nâng cao chất lượng giống cây lâm nghiệp được. Còn về thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất và kinh doanh giống lâm nghiệp nói chung thì chúng tôi đang phối hợp với cơ quan cấp tỉnh và cấp xã để triển khai chặt chẽ hơn” - bà Sáu nói.
Theo Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam, hiện tại trên địa bàn tỉnh có 175 đơn vị, cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp. Trong số đó, có 43 cơ sở đã đăng ký và được cấp giấy phép kinh doanh, 132 cơ sở còn lại chưa đăng ký kinh doanh. “Để tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam đang phối hợp với ngành kiểm lâm, ngành nông nghiệp các huyện trên địa bàn tổ chức đánh giá lại các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp, qua đó đề xuất cấp trên triển khai nhiều giải pháp cụ thể trong thời gian đến” - ông Trần Thanh Bình, Trưởng phòng Sử dụng & phát triển rừng nói. |
Ông Trần Thanh Bình - Trưởng phòng Sử dụng & phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam) cho rằng, việc kiểm tra, xử lý các hộ kinh doanh sản xuất và kinh doanh giống cây lâm nghiệp gặp khó trong thời gian qua. Trước đây, công việc này giao cho cấp huyện quản lý, tuy nhiên do không kiểm soát được nên từ năm 2014 đến nay, ngành kiểm lâm tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra. Tuy nhiên rất khó xử lý, bởi các hộ sản xuất và kinh doanh giống cây lâm nghiệp cho rằng, họ tự sử dụng giống chứ không bán ra bên ngoài. “Phải mật phục, bắt tại chỗ các cơ sở sản xuất và kinh doanh giống lâm nghiệp bán sản phẩm ra bên ngoài thì mới xử lý được. Mà việc này rất tế nhị nên bỏ ngỏ suốt thời gian dài” - ông Bình nói.
Theo ông Bình, cơ quan cấp tỉnh cấp phép quản lý về giống cây lâm nghiệp, nhưng cấp huyện phải giám sát việc cấp phép đó. Cụ thể, phòng NN&PTNT cấp huyện phải đến cơ sở sản xuất, kinh doanh giống lâm nghiệp kiểm tra xem cơ sở đó đã được cấp phép chưa, nếu không có thì xử lý. “Chúng tôi cấp giấy chứng nhận nguồn giống cho cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp để xác minh nguồn gốc nguyên liệu gieo, ươm tạo ra sản phẩm giống cây lâm nghiệp chất lượng. Phải có giấy chứng nhận nguồn giống thì mới được cấp giấy chứng nhận lô cây con - điều kiện quyết định lô hàng của cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp có được phép lưu thông trên thị trường. Với chức năng quản lý địa bàn, ngành nông nghiệp cấp huyện phải đến giám sát, kiểm tra nếu cơ sở không có thì hướng dẫn họ đến cơ quan chức năng để làm thủ tục và được cấp phép. Nếu cơ sở không thực hiện thì lần sau có thể áp dụng chế tài xử phạt” - ông Bình nói.
VIỆT QUANG