Thị trường lao động năm 2018: Cơ hội cho lao động lành nghề

LÊ DIỄM 18/02/2018 19:02

Cùng với sự sôi động của các dự án đầu tư vào tỉnh, năm 2018 được dự báo là năm khởi sắc về cơ hội việc làm cho lao động (LĐ). Đặc biệt, thợ lành nghề, LĐ chất lượng cao sẽ có cơ hội việc làm tốt hơn.

Thị trường lao động năm 2018 cần lượng lớn lao động lành nghề. Ảnh: L.D
Thị trường lao động năm 2018 cần lượng lớn lao động lành nghề. Ảnh: L.D

Vùng đông nam của tỉnh trong thời gian qua sôi động với nhiều dự án lớn được đầu tư ở lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Các dự án đang được xây dựng như Khu nghỉ dưỡng cao cấp Nam Hội An, Vinpearl, các nhà máy thuộc Khu phức hợp ô tô Chu Lai - Trường Hải. Cùng với đó, nhiều nhà máy tiếp tục được đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, chủ yếu ở lĩnh vực may mặc, giày da, dịch vụ lưu trú, ăn uống. Song hành với sự đầu tư là nhu cầu về LĐ rất lớn. Như dự án Nam Hội An, để có thể đi vào hoạt động vào đầu năm 2019, ngay trong năm 2018, dự án sẽ cần đến 4.000 LĐ đã qua đào tạo hoặc tuyển dụng và đào tạo. Với 3 hạng mục là sân golf, khu khách sạn, casino, những ngành nghề mà dự án cần tuyển dụng bao gồm nhân viên phục vụ sân golf, casino, lễ tân khách sạn, phục vụ nhà hàng... Tuy vậy, tiêu chuẩn tuyển dụng của dự án Nam Hội An đưa ra rất khắt khe, cần LĐ đạt trình độ tiêu chuẩn quốc tế. Để đạt những tiêu chuẩn này, phía Nam Hội An sẽ ưu tiên tuyển dụng và đào tạo sau tuyển dụng theo đúng nhu cầu mà công ty cần.

Theo ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh, qua kết quả điều tra cung - cầu LĐ được thực hiện trong toàn tỉnh vào cuối năm 2017, thị trường cần lượng lớn LĐ lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Cơ cấu doanh nghiệp chiếm phần lớn ở lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và sẽ theo chiều hướng tăng dần ở lĩnh vực này, giảm lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể, lĩnh vực nông nghiệp có 135 doanh nghiệp (chiếm 4,58%), công nghiệp có 1.136 doanh nghiệp (chiếm 38,56%), và dịch vụ có 1.675 doanh nghiệp (chiếm 58,86%). Ông Thùy cho biết: “Nhu cầu LĐ ở ngành công nghiệp, dịch vụ sẽ tăng. Ở lĩnh vực này cần nguồn LĐ lành nghề, được đào tạo chuyên sâu. Mục tiêu đào tạo nghề, tạo nguồn LĐ đáp ứng nhu cầu thị trường sẽ đầu tư có chiều sâu cho một số nghề có kỹ thuật công nghệ cao để đón đầu phục vụ cho yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xuất khẩu lao động như bảo dưỡng, sửa chữa lắp ráp các thiết bị chính xác, hóa dầu, cơ khí chế tạo máy, các nghề thuộc lĩnh vực tự động hóa, công nghệ, thương mại, giải trí, du lịch... Cạnh đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc, giày da cũng cần lượng lớn LĐ nên tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện cơ chế hỗ trợ LĐ, đưa lực lượng LĐ ở miền núi đến làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp”.

Không chỉ là thị trường LĐ trong tỉnh, theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, nhu cầu của thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc trong năm 2018 cần lượng lớn LĐ thuộc các ngành xây dựng, cơ khí, chế biến và đóng gói thực phẩm, nông nghiệp và thủy sản. Dự kiến năm 2018, hai thị trường mà LĐ Quảng Nam hướng tới này cần gần 100 nghìn LĐ Việt Nam, bao gồm cả LĐ phổ thông và LĐ theo diện kỹ thuật viên ở ngành y tế. Đây sẽ là cơ hội lớn cho LĐ của tỉnh đi xuất khẩu lao động ở thị trường chất lượng cao.

LÊ DIỄM

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thị trường lao động năm 2018: Cơ hội cho lao động lành nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO