Vượt qua nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 cùng những biến động thị trường, nhiều cơ sở, hợp tác xã (HTX) doanh nghiệp (DN) sản xuất chế biến các mặt hàng nông sản đang nỗ lực phục hồi và gia tăng hoạt động để chuẩn bị nguồn hàng phục vụ tết. Họ rất cần sự trợ sức từ Nhà nước cũng như các ngân hàng về cơ chế vay vốn, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa để bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường.
TÌM CÁCH XOAY XỞ TRONG KHÓ KHĂN
Sau dịch bệnh Covid-19 là bão lụt liên tiếp khiến cho quá trình sản xuất của các DN gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, đáng kể nhất là thiếu vốn đầu tư, thiếu nguyên liệu sản xuất, chi phí đầu tư tăng cao.
Thiếu nhiều thứ
Sản phẩm dầu phụng đất Quảng của HTX Nông nghiệp Điện Quang (thị xã Điện Bàn) đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch hoàn toàn, HTX này đã tạo vùng trồng đậu phụng sạch trên diện tích ích hơn 10ha ở 3 xã Gò Nổi là Điện Quang, Điện Trung, Điện Phong. Bão và lũ lụt liên tiếp kéo đến đã khiến cho vùng nguyên liệu của HTX tan hoang. Không chỉ vậy, lũ lụt đã khiến cho lượng lớn đậu phụng dự trữ cất giữ trôi theo dòng nước.
Ông Trần La Bình - phụ trách kinh doanh của HTX Nông nghiệp Điện Quang cho biết, thiếu nguyên liệu trầm trọng sẽ khiến cho vụ chế biến, kinh doanh chính phục vụ thị trường cuối năm và dịp tết của HTX gặp vô vàn khó khăn. “Hiện tại, chúng tôi cần hơn 20 tấn đậu phụng để sản xuất 3 nghìn lít dầu phụng nhưng không đủ nên kế hoạch bị phá vỡ” - ông Bình nói.
Về lâu dài, để khôi phục sản xuất, kinh doanh, ông Trần La Bình cho rằng, HTX Nông nghiệp Điện Quang cần nguồn vốn vay hơn 2 tỷ đồng, vừa khôi phục vùng trồng nguyên liệu, vừa sửa chữa máy móc, thiết bị, nhà xưởng đã bị bão lũ tàn phá. Nhưng đây lại là “bài toán” khó bởi không có gì đảm bảo thế chấp để ngân hàng ký kết hợp đồng, giải ngân vốn.
Năm 2016, HTX Nông nghiệp Điện Quang đầu tư 1,2 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc, hoàn thiện một số công đoạn chế biến dầu như đóng chai, nhãn mác. Năm 2018, HTX tiếp tục đầu tư hơn 300 triệu đồng nâng cấp cơ sở và hệ thống lọc dầu khép kín, nâng công suất ép dầu lên 500 lít/ngày. “Nay, HTX cần tiếp tục cải thiện thiết bị, máy móc, đầu tư công nghệ mới để kỳ vọng sản xuất, kinh doanh dầu ngày càng khởi sắc hơn” - ông Bình cho biết thêm.
Thiếu vốn, thiếu nguyên liệu sản xuất, công nghệ lại lạc hậu, chi phí đầu vào ngày một tăng cao đang khiến nhiều DN gặp khó. Ở làng nghề Quán Hương (thị trấn Hà Lam, Thăng Bình), ông Phan Thế Kỷ - chủ cơ sở sản xuất hương cho biết, quế, trầm, tùng... ngày càng khan hiếm, đắt giá nên kinh phí đầu tư cho sản phẩm hương thành phẩm tăng vọt. Trong khi đó, để giữ các mối làm ăn, cơ sở chỉ tăng giá nhỏ giọt. “Rất khó tích lũy nguồn vốn khá để đầu tư cải tiến kỹ thuật sản xuất, công nghệ mới. Giá thành tăng cao, thu lợi ít nên khó tăng quy mô để cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trên thị trường” - ông Kỷ nói.
Cần khơi thông thị trường
Hiện nay, người tiêu dùng dè dặt chi tiêu, ưu tiên mua sắm các mặt hàng thực phẩm, sản phẩm thiết yếu, những sản phẩm về sức khỏe nên các hàng hóa thứ yếu như thời trang hay điện máy, loại hàng phi thực phẩm có sức mua yếu.
Bà Nguyễn Thị Kim Hoa - chủ Cơ sở sản xuất tinh dầu quế Trà My - Minh Phúc (xã Trà Giang, Bắc Trà My) cho biết, mọi năm, thời điểm này, các đơn đặt hàng tinh dầu quế dồn dập nhưng nay rất ít nên quy mô sản xuất chỉ bằng 1/3 so với mọi năm.
“Dịch bệnh rồi thiên tai đang khiến khách hàng gặp khó, chắt bóp từng khoản chi tiêu. Chúng tôi khó bán hàng, thu nhập thấp, sản xuất, kinh doanh đi xuống. Rất mong các cơ quan chức năng tổ chức các chương trình kết nối cung cầu, giao thương, quảng bá sản phẩm, hội chợ để giúp DN, cơ sở sản xuất ổn định thị trường” - bà Hoa nói.
Ông Nguyễn Quang Lâm - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) cho rằng, cân đối cung cầu bao giờ cũng là bài toán khó đối với DN và ngành quản lý. Cuối năm và dịp tết, DN không thể không đầu tư quy mô lớn cho sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng, khi đã đầu tư lớn, liệu sản phẩm, hàng hóa có bán chạy hay không? Vấn đề đặt ra là DN cần chủ động đón đầu thị trường, làm sao để bán được nhiều hàng hóa, thu lợi lớn cho vụ chính. Có tích lũy thì sẽ ngày càng mở rộng quy mô, nâng tầm sản xuất, kinh doanh.
“Covid-19 vừa được khống chế thì bão lũ tàn phá nặng nề. Sức mua của người dân hiện xuống rất thấp. Chúng tôi khuyến khích DN cải tiến kỹ thuật, tiết giảm chi phí đầu tư, công lao động, có nhãn mác hàng hóa, bao bì bắt mắt để thu hút khách hàng, bán chạy hàng hóa. Cùng với đó là kích cầu tiêu dùng, khuyến mãi, giảm giá bán để thu hút người tiêu dùng mua sắm” - ông Lâm nói.
Với thói quen tiêu dùng thông thường, ở những tháng cận tết, sức mua sẽ tăng mạnh nhưng tình hình năm nay do thiên tai, dịch bệnh kéo dài nên sức mua của người tiêu dùng không dồi dào. Vì thế, các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh cần nắm sát diễn biến của thị trường, đổi mới sản xuất, kinh doanh, tạo nên các sản phẩm, hàng hóa chất lượng cũng như chuẩn bị lượng hàng phù hợp để đáp ứng các nhu cầu, đòi hỏi của thị trường.
TIẾP SỨC DOANH NGHIỆP
Thời điểm này, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đang kích cầu tín dụng, hỗ trợ DN vay vốn, đầu tư sản xuất lớn cuối năm.
Hỗ trợ sản xuất, kinh doanh
Anh Nguyễn Hữu Đắc - Giám đốc HTX Nông nghiệp Quảng Phú (phường An Phú, TP.Tam Kỳ) cho biết, cuối năm và dịp tết là vụ sản xuất, kinh doanh chính nên HTX đang tìm mọi cách để mở rộng quy mô. Qua nhiều kênh quảng bá thương hiệu, các sản phẩm nội thất từ gỗ của HTX được người tiêu dùng đón nhận, ưa chuộng nên các đơn hàng đã nhiều hơn.
“Hiện tại tôi đang vay vốn của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Quảng Nam để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Vừa rồi, sau dịch Covid-19 đến ảnh hưởng xấu của bão lũ nên hiện nay tôi cần thêm vốn để đầu tư. Được biết các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đang giảm lãi suất vốn vay, tinh giản thủ tục nên rất mừng” - anh Đắc nói.
Ông Đỗ Văn Bảng - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng giao dịch Ngân hàng HDBank chi nhánh Quảng Nam tại TP.Tam Kỳ cho biết, cho vay sản xuất, kinh doanh đối với DN và khách hàng cá nhân là lợi thế lớn của tổ chức tín dụng. Hiện tại, ngân hàng giảm 2% lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh đối với khách hàng cá nhân so với cùng kỳ năm trước. Không chỉ vậy, hỗ trợ tối đa về thủ tục giúp DN, cá nhân dễ dàng tiếp cận gói vay để đầu tư sản xuất, kinh doanh lớn thời điểm cuối năm, dịp tết.
Tiếp sức của ngân hàng
Hầu hết chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh đều tích cực hỗ trợ các DN, cá nhân vay vốn, đầu tư sản xuất, kinh doanh chịu thiệt hại do bão lũ bằng cách giãn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, hạ lãi suất cho vay đối với vốn vay cũ. Các DN, cá nhân chịu thiệt hại do bão lũ có dự án khả thi sẽ được các ngân hàng thương mại cho vay mới với lãi suất ưu đãi. Đến thời điểm này, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã tháo gỡ khó khăn cho 814 DN, cá nhân, hộ gia đình chịu thiệt hại do bão lũ; trong đó, có 643 cá nhân, hộ gia đình, 169 DN và 2 đối tượng vay vốn khác. Tổng dư nợ được hệ thống tín dụng trên địa bàn tỉnh cơ cấu lại là 2.804 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cơ cấu lại thời gian trả nợ là là 1.526 tỷ đồng, dư nợ của chương trình miễn giảm lãi là 1.287 tỷ đồng. Còn cho vay mới với lãi suất ưu đãi là 15.774 tỷ đồng.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 10 mới chỉ đạt 3,72%, quá ít ỏi so với cùng kỳ năm trước là 22,8%. Những tháng cuối năm, nhu cầu vay vốn để đầu tư lớn cho sản xuất, kinh doanh của cá nhân, DN dự đoán sẽ tăng cao nên kỳ vọng sẽ đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2020. Để kích cầu tín dụng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh giảm lãi suất cho vay 1 - 2%/năm. Theo đó, 3 lĩnh vực ưu tiên giải ngân vốn là phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 của Chính phủ; cho vay đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao; cho vay đối với DN nhỏ và vừa. Tín hiệu tích cực là trong khi tăng trưởng tín dụng chung mới chỉ đạt 3,72% thì lĩnh vực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn đã chiếm đến 8%.
Ông Phạm Trọng - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho biết, các tổ chức tín dụng đã giảm lãi suất huy động, “thắt lưng buộc bụng” chi tiêu để giảm lãi suất cho vay. Để giúp các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng, Ngân hàng Nhà nước đã hạ lãi suất điều hành, đồng thời chỉ đạo Trung tâm thanh toán quốc gia miễn, giảm thu phí thanh toán của các tổ chức tín dụng với nhau cũng như giữa các tổ chức tín dụng với khách hàng.
“Các thủ tục vay vốn phải được các ngân hàng thương mại niêm yết rõ ràng. Cán bộ ngân hàng phải thường xuyên liên lạc, trao đổi với khách hàng, nếu có vướng mắc về thủ tục thì phải lắng nghe, chia sẻ, tháo gỡ nhanh nhất có thể để khơi thông vốn vào thị trường, tiếp sức các DN, cá nhân đầu tư lớn cho sản xuất, kinh doanh cuối năm, dịp tết sắp đến” - ông Phạm Trọng nói.
SẢN XUẤT THEO CHUỖI CÓ THẾ MẠNH
Nhiều hàng hóa, sản phẩm của các DN trên địa bàn tỉnh có thị trường vững chắc nhờ đầu tư bài bản, chất lượng tốt, khẳng định vị thế.
Các sản phẩm dầu mè đen, dầu óc chó, nước mắm cá cơm than, dầu gấc của Công ty TNHH Sản xuất, thương mại, dịch vụ Sosafco (xã Tiên Cẩm, Tiên Phước) được người tiêu dùng đón nhận. Ở DN này, từ đầu tư công nghệ máy móc hiện đại đến khâu nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất, chế biến cho đến thành phẩm, bảo quản, cung ứng ra thị trường đều khép kín theo chuỗi. Hơn nữa, các sản phẩm nói trên đã được khẳng định qua thương hiệu “Sống Sạch” có mặt ở hệ thống cửa hàng Mẹ &bé, cửa hàng - siêu thị bán lẻ, siêu thị cao cấp và chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch ở TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, TP.Hà Nội.
Chị Nguyễn Thị Tố Nga - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, thương mại, dịch vụ Sosafco cho biết, DN luôn theo đuổi tâm niệm xây dựng chuỗi sản phẩm cao cấp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe người tiêu dùng. “Rất mừng là thương hiệu “Sống Sạch” được nhiều người tìm đến. Nắm được phân khúc thị trường, công ty tiếp tục sản xuất và phân phối thêm những sản phẩm của địa phương ở các thị trường mới. Chúng tôi tâm đắc và giữ phương châm “sống sạch, sống khỏe, sống ý nghĩa” cho người tiêu dùng” - chị Nga nói.
Nguồn cung, thị trường thịt heo trên địa bàn tỉnh biến động mạnh trong thời gian qua nhưng HTX Nông nghiệp - kinh doanh tổng hợp & dịch vụ Duy Đại Sơn (HTX Duy Đại Sơn) vẫn tự tin với doanh số bán hàng của mình.
Anh Võ Ngọc Sơn - Giám đốc HTX Duy Đại Sơn cho biết, đầu tư chuỗi thịt heo sạch là hướng phát triển bền vững của doanh nghiệp. Trước hết, HTX tự chủ nguồn giống, xây dựng trang trại quy mô 9ha để nuôi heo nái giống Đan Mạch ở xã Duy Tân (Duy Xuyên). Có nguồn giống tốt, doanh nghiệp đầu tư trang trại nuôi heo thịt siêu sạch rộng hơn 11ha với quy mô hơn 4.000 con, xuất chuồng mỗi lứa sau chừng 5 tháng nuôi. Với quy trình nuôi sạch, khép kín, doanh nghiệp đã “nói không” với dịch bệnh. Quá trình nuôi heo của HTX đã sử dụng thức ăn tự trộn gồm bột bắp, bã đậu nành, lúa mì, dầu ăn và bổ sung khoáng chất, vitamin nên tiết kiệm hơn 10% chi phí so với nuôi heo bằng thức ăn công nghiệp. Quan trọng hơn là chất lượng thịt heo rất thơm ngon, đảm bảo chất lượng sạch.
Theo ông Phan Quang Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản & thủy sản (Sở NN&PTNT), sản xuất theo chuỗi đã trở thành nhu cầu tất yếu của các DN muốn đầu tư lớn, khẳng định vị thế trên thị trường. Bởi đó là con đường để khẳng định chất lượng sản phẩm, ưu thế cạnh tranh và được người tiêu dùng đón nhận. Với các DN sản xuất, kinh doanh theo chuỗi, luôn có đầy đủ các chứng nhận như tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm an toàn.
“Thông qua các chứng nhận kiểm định cần thiết, người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc để tiện mua sắm, tiêu dùng và nhà phân phối sẽ dễ hợp tác, ký kết buôn bán, ổn định đầu ra cho sản phẩm” - ông Dũng nói.
KHÔI PHỤC CÁC VÙNG RAU QUẢ
Sau bão lụt, vào những ngày này, nông dân ở các vùng chuyên canh rau quả tất bật khôi phục sản xuất, đón đầu vụ cuối năm và dịp tết sắp đến.
Cuối tháng 11 đến nay, mặc dù trời mưa liên tục nhưng các nông hộ ở vùng chuyên canh rau quả Bàu Tròn (xã Đại An, Đại Lộc) vẫn miệt mài chăm sóc giống các loại rau quả như bí đao, khổ qua, mướp, đậu cô ve, đu đủ. Ông Phan Đức Anh - hộ dân có hơn 10 năm trồng rau quả ở vựa Bàu Tròn cho biết, do nằm ở vùng rốn lũ nên hầu hết nông hộ đều ươm giống các loại rau quả ở vườn nhà rồi đến khi thời tiết ổn định mới đem ra trồng, bón phân, chăm bẵm, thu hoạch, bán thương phẩm.
“Bão lũ tàn phá nghiêm trọng vùng rau quả nhưng chúng tôi đã bắt đầu khôi phục sản xuất từ giữa tháng 11, qua đợt mưa dài ngày, chúng tôi sẽ canh tác rộng khắp trở lại. Riêng 5 sào trồng dưa leo, khổ qua, mướp, bí đao, rau muống, rau lang, mồng tơi, các loại cải bẹ, cải mầm của gia đình tôi kịp bán chính vụ sắp đến” - ông Anh nói.
Ông Lê Văn Hùng - Giám đốc HTX Nông nghiệp, thương mại, dịch vụ Đại An cho biết, sẽ thu mua toàn bộ rau quả được nông hộ canh tác ở 50ha diện tích vùng Bàu Tròn nói riêng, hơn 320ha rau quả toàn xã Đại An nói chung. Theo ông Hùng, ở vụ chính là cuối năm, dịp tết sắp đến, rau quả trên địa bàn sẽ dồi dào, kỳ vọng đem lại thu nhập lớn cho HTX nói chung, người nông dân nói riêng. Duy chỉ có đu đủ là các nông hộ chưa thể bán ở vụ chính sắp tới vì bão đã tàn phá mà muốn trồng lại mất không dưới 6 tháng.
"Chúng tôi đã khởi động lại hoạt động của nhà máy sơ chế rau quả. Nông dân đang sản xuất rau quả sạch theo hướng hữu cơ, VietGAP nên người tiêu dùng tin tưởng đón nhận. Vượt qua khó khăn của thời tiết biến động cuối năm, vùng rau quả Đại An sẽ mướt mắt trong những ngày sắp tới” - ông Hùng nói.
Ở vựa rau quả khác của tỉnh là Hưng Mỹ (xã Bình Triều, Thăng Bình), nông dân cũng đang tất bật khôi phục sản xuất sau tàn phá của bão lũ. Khắp các cánh đồng, nông dân cày cuốc, vun xới, người trồng, người chăm bón các loại rau mồng tơi, cải bẹ, cải mầm, xà lách, diếp cá. Nhiều thửa hoa màu tan hoang ở đợt bão vừa rồi đang dần được thay bằng màu xanh tươi sáng của rau quả mới. Vợ chồng ông Hoàng Văn Hải được HTX Nông nghiệp sạch Mỹ Hưng (Bình Triều) giao canh tác rau quả trên khu vườn rộng 4 sào. Ông Hải cho biết, sau khi sửa lại các giàn lưới, sẽ đầu tư lớn cho các loại rau quả, nhất là xà lách, rau húng, hẹ, hành, ngò, bí đao.
“Bí đã ươm giống, sinh trưởng khá nhanh còn các loại cây ngắn ngày thì phát triển rất tốt. Khoảng nửa tháng nữa tôi sẽ có rau cung ứng cho HTX thu mua để đưa ra thị trường. Giá rau quả ổn định nên hy vọng sẽ có nguồn thu nhập khá trong thời gian đến” - ông Hải nói.
Bà Nguyễn Thị Sương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) cho biết, đến nay, hơn 400ha/500ha diện tích rau quả của nông hộ bị tàn phá ở các đợt bão lũ vừa qua đã và đang được khôi phục. Người làm nông tiếp tục mở rộng diện tích canh tác, nhanh chóng phục hồi sản xuất, bảo đảm sản lượng rau quả sạch cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh thời điểm cuối năm và dịp tết.