Dư nợ tín dụng đồng loạt tăng trưởng sau một thời gian dài ảm đạm là tín hiệu khả quan, cho thấy nền kinh tế dần vận hành trở lại trạng thái bình thường. Nhưng liệu vốn có nhanh chóng được khơi thông vào nền kinh tế hay không thì chưa thể định lường!
Tín dụng gia tăng
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, đến cuối tháng 5.2020, vốn huy động đạt hơn 56.465,6 tỷ đồng, tăng 1,72% so với tháng trước và tăng 1,63% so đầu năm. Lượng giao dịch của các doanh nghiệp bắt đầu tăng trở lại sau mấy tháng kiệt quệ vì Covid-19 khi tổng tiền gửi của tổ chức kinh tế đạt khoảng 10.475,5 tỷ đồng, tăng 1,31% so với đầu tháng.
Không chỉ huy động, dư nợ cho vay cũng tăng trưởng. Hiện dư nợ trên địa bàn đạt hơn 76.062,7 tỷ đồng, tăng 1,75% so tháng trước và tăng 3,2% so với đầu năm, bao gồm: tín dụng ngắn hạn tăng 2,37% so đầu tháng (chiếm tỷ trọng 48,88%); tín dụng trung, dài hạn tăng 1,17% (chiếm 51,12%).
Chiếm thị phần lớn trong tổng dư nợ cho vay thuộc về bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (26,17%), công nghiệp chế biến, chế tạo (15,62%), kinh doanh bất động sản (12,59%), nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (9,63%), dịch vụ lưu trú và ăn uống (10,74%)…
Hộ kinh doanh, cá nhân chiếm tỷ trọng dư nợ cao nhất (52,88%), giảm 0,13% so đầu tháng, nhưng tăng 2,74% so đầu năm. Dư nợ doanh nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng 46,95%, nhưng đã tăng 3,65% so đầu tháng và tăng 3,7% so với đầu năm.
Trong bức tranh tín dụng này, trừ cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao không phát sinh từ nhiều năm qua thì tất cả lĩnh vực khác đều dư nợ. Cụ thể, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn 20.809 tỷ đồng (thời điểm 31.12.2019) đã tăng 21.500 tỷ đồng ước đến 31.5, so với tháng trước tăng 0,95%; dư nợ cho vay xuất khẩu 450 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 9,76%; dự nợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa 13.500 tỷ đồng, tăng 3,85; tín dụng theo Nghị định 67 là 666,8 tỷ đồng, so với tháng trước giảm 0,01%.
Theo ông Trần Quang Hổ - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, tín dụng tăng trưởng trở lại (kể cả huy động lẫn tiền gửi) sau nhiều tháng ảm đạm vì đại dịch Covid-19, dù chậm so cùng kỳ nhưng đã chứng tỏ nền kinh tế dần vận hành trở lại trạng thái bình thường. Hệ thống ngân hàng đang đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp với nhiều giải pháp hỗ trợ trực tiếp như tăng cường cho vay mới, cơ cấu lại nợ vay, giảm lãi suất cho vay, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, xây dựng các chương trình tín dụng cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp với lãi suất hợp lý, quy trình, thủ tục thuận tiện, minh bạch...
Không dễ tăng trưởng nhanh
Những thống kê trên cho thấy nền kinh tế địa phương đang bước vào một chu kỳ phục hồi, tìm đường phát triển sau nhiều tháng bị suy thoái. Cơ cấu nguồn vốn huy động của các ngân hàng thương mại đã được cải thiện khi tỷ trọng nguồn vốn dài hạn cao hơn so với đầu năm (25,34%), dễ dàng tạo sự chủ động cho các ngân hàng thương mại trong đầu tư tín dụng. Tuy nhiên, các giám đốc ngân hàng thương mại (không công bố con số tăng trưởng hay sụt giảm), đều cho rằng tín dụng tăng chậm hay nợ xấu là quy luật bình thường của nền kinh tế suy thoái trong cơn khủng hoảng.
Lãi suất cho vay không còn là rào cản khi đã giảm khá nhiều so với trước đây. Cụ thể, lãi suất cho vay VNĐ hiện mặt bằng lãi suất phổ biến ở mức 6 - 9%/năm ngắn hạn, 9 - 11%/năm trung và dài hạn. Một số ngành lĩnh vực chỉ ở mức 5,5%... Hiện lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 3,0 - 6,0%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 3,0 - 4,5%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,2 - 6,0%/năm... nhưng cũng khó bơm vốn ra thị trường.
Ông Trần Ngọc Ánh - Phó Giám đốc Agribank Quảng Nam nói tăng trưởng tín dụng mấy tháng đầu năm có chậm. Nhưng đó là khó khăn chung của cả nền kinh tế. Một khi thị trường không cần vốn thì làm sao đẩy tín dụng ra được. Còn nợ xấu thì chưa xuất hiện ở ngân hàng này.
Tổng nợ xấu hiện 762 tỷ đồng, chiếm 1%/tổng dư nợ. Con số này tăng 1,38% so tháng trước và tăng 52,99% so với đầu năm. Nợ xấu cho vay theo Nghị định 67 chiếm đến 30,2%/tổng nợ xấu. Khối ngân hàng thương mại nhà nước có tỷ lệ nợ xấu chiếm 69,73%, khối ngân hàng thương mại cổ phần 28,10%, ngân hàng chính sách xã hội 1,22%, quỹ tín dụng nhân dân 1,89%...
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, số nợ xấu gia tăng do ảnh hưởng dịch Covid-19. Khả năng trả nợ những khoản vay đến hạn của khách hàng gặp nhiều khó khăn. Ông Trần Quang Hổ nói hệ thống ngân hàng đang áp dụng các biện pháp hỗ trợ theo quy định tại Thông tư 01 đã giữ tỷ lệ nợ xấu trong tầm kiểm soát. Sắp đến Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020, cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo hướng mở rộng hơn.
Hệ thống ngân hàng Quảng Nam cam kết mở rộng tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nhưng tín dụng có tăng hay không, phụ thuộc rất lớn vào “sức khỏe” của nền kinh tế và sự phát triển của doanh nghiệp. Giải pháp nào cho tín dụng vẫn là câu hỏi. Với nợ xấu hiện tại (luôn trở thành rào cản tăng trưởng tín dụng) khi nền kinh tế không phục hồi nhanh thì cả ngân hàng và doanh nghiệp đều “chết”.
Ông Phạm Trọng – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho biết, tín dụng tháng 5 khởi sắc, nhưng mức tăng trưởng 5 tháng qua chỉ đạt trên 3% thì dự kiến sẽ khó đạt kế hoạch tăng trưởng như kế hoạch các ngân hàng. Nợ xấu, nhất là nợ theo Nghị định 67 rất đáng lo. Khả năng ngày càng tăng nữa. Vấn đề quan trọng nhất là thị trường và nền kinh tế phải nhanh chóng phục hồi, phát triển. Nếu thị trường không thể hấp thụ vốn thì làm sao ngân hàng có thể khơi thông vốn vào nền kinh tế.