Tình hình kinh tế khó khăn khiến nhiều sinh viên (SV) mới ra trường đứng trước nguy cơ thất nghiệp hoặc chọn công việc trái với chuyên môn…
Sinh viên mới ra trường tìm kiếm cơ hội việc làm rất khó khăn.Ảnh: H.LINH |
Tại Sàn giao dịch việc làm định kỳ tháng 7.2013, phần lớn người lao động đến tìm việc là SV mới ra trường, hoặc đã ra trường một vài năm nhưng vẫn chưa tìm được việc làm phù hợp. Chị Nguyễn Thị Kim Hân (thôn Phú Mỹ, xã Thăng Phước, huyện Hiệp Đức) vừa tốt nghiệp cao đẳng ngành kế toán tổng hợp, đến sàn giao dịch việc làm với hy vọng tìm được một công việc phù hợp. Chị Hân nói: “Em mới ra trường, tìm việc làm đúng ngành khó quá! Nhìn bảng tuyển dụng đợt này chỉ có Công ty CP Ô tô Trường Hải cần tuyển kế toán, nhưng yêu cầu đại học và có kinh nghiệm. Em dự định sẽ nộp hồ sơ xin làm việc ở Công ty FPT, làm nhân viên kinh doanh”. Hân cho biết thêm, đợt tốt nghiệp vừa qua có đến vài trăm SV nhưng hiện chỉ vài người tìm được việc làm ưng ý bởi ngành kế toán đang bị bão hòa.
Nguyễn Văn An (xã Tam Xuân 1, Núi Thành) tốt nghiệp trung cấp ngành cơ khí chế tạo năm 2010, đi làm ở TP.Hồ Chí Minh một thời gian nhưng công việc không nhiều, đồng lương cơ bản không đủ sống ở thành phố nên về quê tìm việc làm. An đã khảo sát qua một vài công ty, chỉ có Công ty TNHH CCI Việt Nam (Núi Thành) cần tuyển kỹ thuật viên điện - điện tử, cơ khí nhưng An lại không chọn vì lương thấp. An nói: “Tôi thấy CCI có tuyển dụng nhưng lương thấp nên không nộp hồ sơ. Tôi định xin làm nhân viên thu cước tại nhà của một công ty viễn thông, công việc này nhẹ nhàng hơn, lại chủ động thời gian nên có thể làm thêm một việc khác nữa để tăng thu nhập”.
Bà Nguyễn Thị Phượng - Trưởng phòng Tư vấn, giới thiệu việc làm và thông tin thị trường lao động (Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh) phân tích: “Nếu người lao động chỉ cần có việc làm mà không câu nệ vị trí hoặc yêu cầu đúng chuyên ngành có thể không khó. SV mới ra trường đều mong muốn tìm kiếm công việc như ngành đã học hoặc trái ngành nhưng lương khá một chút. Tuy nhiên, hiện nay SV của Quảng Nam ở những ngành như kế toán, du lịch, văn thư... rất nhiều, trong khi nhu cầu tuyển dụng thấp, điều kiện khắt khe như tốt nghiệp đại học, có kinh nghiệm, thành thạo ngoại ngữ...”.
Tham gia Sàn giao dịch việc làm tháng 7, có 38 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cần tuyển dụng lao động nhưng số lượng không nhiều. Trong khi đó, một số công ty cần lao động phổ thông như Công ty CP Phước Kỳ Nam cần tuyển hơn 300 công nhân may công nghiệp, gò, ráp, thuê, ép đế; Công ty TNHH Sedo Vinako, Công ty TNHH Kết Đoàn (Duy Xuyên) cần tuyển hàng trăm công nhân may; Công ty TNHH CCI Việt Nam (Núi Thành) cần đến 1.000 lao động phổ thông... thì không thể tuyển dụng được, dù đã có thông báo tuyển dụng từ đầu năm 2013. Phần lớn đơn vị tham gia tuyển dụng với số lượng hạn chế dưới 20 người, thuộc các lĩnh vực như nhân viên kinh doanh, nhân viên thị trường, phụ bếp, tư vấn tài chính, kỹ thuật viên bảo trì... và đi kèm luôn là yêu cầu kinh nghiệm. Anh Huỳnh Văn Phương (xã Tam Thành, Phú Ninh) vừa tốt nghiệp cao đẳng điện, có ý định xin vào làm việc ở Công ty CCI. Phương cho biết: “Khi chuẩn bị thi tốt nghiệp, hầu hết SV đều đã tìm kiếm thông tin về việc làm. Ngành điện, cơ khí không thiếu nơi tuyển dụng nhưng đòi hỏi phải có kinh nghiệm. Bây giờ, nếu xin được việc làm, chắc cũng lương thấp hoặc trái ngành, hoặc làm công nhân thôi”.
Có thể nói, sự chênh lệch cung - cầu khiến cơ hội việc làm ngày càng hẹp, nhất là đối với SV mới ra trường. Chưa kể họ dù có bằng cấp nhưng lại thiếu kinh nghiệm, thiếu kỹ năng, doanh nghiệp tuyển dụng phải đào tạo lại cho phù hợp với dây chuyền công nghệ sản xuất...
HOÀNG LINH