Thích ứng biến đổi khí hậu

VĨNH LỘC 21/03/2018 09:22

Nằm phía cuối hạ nguồn sông Thu Bồn, TP.Hội An thường xuyên đối diện với những tác động của thiên nhiên và biến đổi khí hậu trên diện rộng, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống dân sinh cũng như các hoạt động kinh tế, xã hội.

Hội An dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu gây ra. Trong ảnh: Sạt lở bờ biển tại Hội An.
Hội An dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu gây ra. Trong ảnh: Sạt lở bờ biển tại Hội An.

Sạt lở từ sông đến biển

Chỉ qua mùa lũ lụt cuối năm 2017 hàng trăm mét đất bờ sông thuộc thôn Phước Thắng, xã Cẩm Kim đã bị sạt lở nghiêm trọng. Nhìn những vạt đất nham nhở kéo dài nối tiếp mới thấy tác động khủng khiếp của thiên nhiên ảnh hưởng đến môi trường và đời sống người dân. Ông Phan Trọng Nhân - Chủ tịch UBND xã Cẩm Kim cho biết, tình trạng sạt lở trên địa bàn xã hiện đã cấp bách cần phải có giải pháp kịp thời. Khảo sát trong cơn lũ lụt cuối năm ngoái, có gần 2ha đất đã bị vùi lấp xuống sông. Với địa phương có diện tích đất nông nghiệp không nhiều như Cẩm Kim (173ha), tình trạng sạt lở trên rất đáng lo ngại. “Sạt lở đã diễn ra từ nhiều năm nay, nhưng mạnh nhất khoảng vài ba năm trở lại đây với tốc độ ngày càng nhanh hơn, gây ảnh hưởng đến đất sản xuất cũng như đời sống nhân dân” - ông Nhân nói.

Không riêng Cẩm Kim, một số xã, phường của Hội An như Cẩm Nam, Cẩm Châu cũng đối diện với hiện tượng sạt lở do tác động từ sự thay đổi dòng chảy phía cuối hạ nguồn sông Thu Bồn. Trong đó, tuyến đường Huyền Trân công chúa (Cẩm Châu) dù đã được kè chắn từ trước cũng đang xuất hiện sạt lún khi công trình Công viên Văn hóa chủ đề “Ấn tượng Hội An” ra đời. Tương tự, phường Cẩm Nam cũng đã xuất hiện sạt lở nhiều đoạn sau mùa mưa (khối Thanh Nam Đông). Theo ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, bên cạnh yếu tố con người, tình trạng sạt lở có tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino gây nắng nóng, khô hạn, khiến lượng mưa ít vào mùa khô hoặc không mưa dẫn đến xâm nhập mặn từ cửa biển vào ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp; mùa đông bão lũ gây sạt lở. “Nặng nề nhất là sạt lở bờ biển và bồi lấp cửa biển. Do đó, việc chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu đã trở thành vấn đề cấp thiết của xã hội nói chung, Hội An nói riêng” - ông Hùng nhấn mạnh.

Kè chống sạt lở bờ biển tại Hội An.Ảnh: VĨNH LỘC
Kè chống sạt lở bờ biển tại Hội An.Ảnh: VĨNH LỘC

Cũng theo ông Hùng, biến đổi khí hậu dẫn đến hiện tượng thời tiết cực đoan đã vượt  tầm hiểu biết và chủ động của con người. Do đó, khó thể lường trước được mọi điều, nhất là với Hội An - thành phố nằm phía hạ nguồn rất dễ bị tổn thương từ những tác động của thiên nhiên. “Chúng ta không thể nói là chủ động tất cả được, vì con người không thể làm chủ được tự nhiên mà chỉ có thể thích ứng. Trong khả năng điều kiện của mình, thành phố sẽ tìm mọi cách tốt nhất để có thể thích ứng” - ông Hùng nói.

Tăng cường khả năng chống chịu

Có thể khẳng định, “đau đầu” nhất của Hội An hiện nay chính là tình trạng sạt lở và bồi lấp cửa biển. Nếu việc khắc phục tình trạng bồi đắp tương đối nhanh chóng thông qua việc nạo vét thông luồng thì vấn đề sạt lở của bờ biển Hội An ngày càng phức tạp và có nguy cơ lan rộng. Hiện sạt lở đã kéo dài hơn 3km (từ Cửa Đại đến khu vực gần khách sạn Boutique), và tương lai không chỉ dừng ở đó. Thời gian qua, cùng với việc nghiên cứu giải pháp tổng thể, nhiều dự án cấp thiết đã được thành phố và các cơ quan chuyên môn của tỉnh triển khai. Riêng năm 2015-2016 từ nguồn kinh phí trung ương cấp (khoảng 60 tỷ đồng) thành phố đã thực hiện kè mềm, kè bờ, đê ngoài và kết hợp bơm cát trên chiều dài gần 1km (từ khách sạn Victoria đến giáp Palm Garden), đến nay cơ bản hoàn thành. Ngoài ra, năm 2017 UBND tỉnh cũng có tờ trình gửi Thủ tướng, Bộ NN&PTNT và các bộ ngành liên quan đề nghị trung ương hỗ trợ Quảng Nam khoảng 80 tỷ đồng để thực hiện dự án kè khẩn cấp trong khi chờ dự án tổng thể; Viện Khoa học Thủy lợi cũng đã báo cáo UBND tỉnh về phương án đề xuất, hiện Bộ NN&PTNT đã thống nhất và Bộ Kế hoạch - đầu tư tổng hợp để trình Thủ tướng phê duyệt (kinh phí khoảng 30 tỷ đồng).

Thực tế, để thích ứng biến đổi khí hậu, TP.Hội An và các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp. Nổi bật như dự án trồng dừa ở Cẩm Thanh (hơn 20ha) do Ban quản lý Dự án NN&PTNN thực hiện; giải pháp sản xuất sạch; làm nông nghiệp sạch; đầu tư xử lý phân loại nước thải, rác thải… nhằm giảm phát thải từ hoạt động của con người ra môi trường. Ngoài ra, thành phố cũng đầu tư bảo tồn gìn giữ hệ sinh thái rạn san hô và rừng đặc dụng Cù Lao Chàm nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và gắn với sinh kế của người dân. Có thể kể đến việc kết hợp giữa ngư nghiệp và du lịch, nông nghiệp và du lịch,… để đảm bảo yếu tố bền vững, đảm bảo an toàn cuộc sống người dân.

Ông Nguyễn Văn Phước - giảng viên cấp quốc gia về biến đổi khí hậu cho rằng, thách thức của biến đổi khí hậu ở Quảng Nam, nhất là các vùng xung yếu như Hội An đã ở mức nghiêm trọng. Do vậy, cần tăng cường ngay các giải pháp công trình, biện pháp thích ứng phù hợp với từng địa hình và mỗi địa phương. Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức cho người dân, cán bộ quản lý cơ sở những kiến thức và hiểu biết về biến đổi khí hậu cũng cần được thường xuyên hơn. “Chúng ta phải triển khai đồng bộ giải pháp để vừa thích ứng vừa chủ động; tăng cường các hoạt động, công tác liên quan như thực hiện công trình xanh - sạch, sử dụng năng lượng tái tạo để giảm phát thải. Với Hội An, các bên liên quan cần đưa ra giải pháp, kể cả sáng kiến của cộng đồng, nhất là về tình trạng ngập mặn và sạt lở; đồng thời tranh thủ tận dụng nguồn lực của các tổ chức phi chính phủ. Đặc biệt, cần có một nghiên cứu khả thi về Hội An để đưa ra các can thiệp phù hợp nhất” - ông Phước đề xuất.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thích ứng biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO