Nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu Quảng Nam đã biết cách thích ứng, tìm những cơ hội để tiếp tục thúc đẩy các ngành hàng xuất khẩu ngay trong cơn đại dịch đang hoành hành, khi xuất khẩu quý I.2020 tăng hơn 20%.
Xuất tăng, nhập giảm
Có vẻ như đại dịch Covid-19 không ảnh hưởng nhiều đến những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Quảng Nam. Hàng hóa của những doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn như Rieker Việt Nam (ngành hàng giày da), Panko Tam Thăng, Việt Vương, Tuấn Đạt (ngành may mặc), CCI Việt Nam (chíp điện tử), Groz Beckert Việt Nam (sản phẩm phục vụ ngành may mặc), Thaco (linh kiện phụ tùng ô tô)… vẫn vượt trùng khơi đến với các thị trường truyền thống, không hề suy giảm.
Cục Hải quan Quảng Nam đánh giá tác động của Covid-19 đến lĩnh vực xuất nhập khẩu không nhiều. Trong quý I.2020, có khoảng 15.447 tờ khai (nhập khẩu 9.884 tờ và 5.563 tờ khai xuất khẩu) làm thủ tục. Khoảng 46 chuyến phương tiện tàu biển xuất, nhập cảnh, bao gồm 19 lượt tàu (334 thuyền viên) nhập cảnh và 27 chuyến tàu (480 thuyền viên) xuất cảnh…
Kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu đạt 514,52 triệu USD, chỉ giảm 9,65% so với kế hoạch. Số thuế thu được dù giảm 37,5% so với cùng kỳ nhưng vẫn đạt 21,8% dự toán.
Một điều đáng ngạc nhiên, trong khi tổng kim ngạch nhập khẩu (chủ yếu bộ linh kiện ô tô, nguyên phụ liệu ngành hàng may mặc, giày da, linh kiện chíp thô sản xuất chíp điện tử…) giảm 22,81% (304,79 triệu USD) thì tổng kim ngạch xuất khẩu (hàng giày da, hàng gia công may mặc, nông sản, chíp điện tử…) lại tăng đến 20,12% so cùng kỳ.
Ông Lê Thành Khang - Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Nam cho hay mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng do tồn kho nguyên liệu từ trước Tết Nguyên đán và thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn Quảng Nam thời gian qua chủ yếu đến các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU… nên xuất khẩu vẫn tăng.
Tuy nhiên, phía ngược lại, ảnh hưởng của lượng xe tiêu thụ giảm, kim ngạch nhập khẩu của Trường Hải đã giảm đến 38% so cùng kỳ (174,2 triệu USD). Các doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu thiếu nguồn nguyên liệu (chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc) đã làm cho việc nhập khẩu giảm sâu so với cùng kỳ.
Theo nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu, thành công xuất khẩu một phần nhờ vào việc ngành hải quan đã xây dựng kế hoạch, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu ứng phó, giảm thiểu tác động của đại dịch. Không chỉ đẩy mạnh việc đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, ngành hải quan phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan, tạo điều kiện thông quan nhanh chóng, giữ giao thương hàng hóa, nhất là linh kiện, thiết bị, nguyên liệu thiết yếu đi đôi với bảo đảm ngăn chặn nguồn bệnh nhằm giảm thiểu tác động đến sản xuất, tiêu dùng trong nước...
Cơ hội thay đổi
Không có một doanh nghiệp sản xuất nào có thế tự tạo tất cả quy trình sản xuất ra một sản phẩm, mà cần rất nhiều mắc xích, nhiều doanh nghiệp tham gia. Đại dịch Covid-19 đã làm chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy thì chuyện thiếu hụt nguyên liệu nhập khẩu hay việc tìm kiếm nguyên liệu thay thế khiến doanh nghiệp chật vật là điều hiển nhiên. Không khó để hình dung nhập siêu triền miên từ nhiều năm qua luôn là gánh nặng của nền kinh tế. Vì vậy, dù chỉ tăng trưởng thấp nhưng khá nhiều người đã nghĩ đến một kịch bản khác hơn, đó là nền kinh tế Quảng Nam sẽ chuyển sang xuất siêu dù rất khiêm tốn.
Ông Lê Việt Anh – Giám đốc Công ty Vietlink cho hay để chuyển đổi nguồn nguyên liệu cần nhiều thời gian và rất khó có nguồn nguyên liệu phù hợp về giá thành, tiêu chuẩn kỹ thuật… như các thị trường nhập khẩu truyền thống. Tuy nhiên, sự xáo trộn hiện tại đẩy các doanh nghiệp vào thế khó, nhưng cũng sẽ là cơ hội để nhìn nhận lại năng lực doanh nghiệp, tái cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu, giảm dần sự phụ thuộc vào một thị trường như lâu nay.
“Thị trường tiêu thụ hàng hóa xuất khẩu không phải là mối lo chính mà là năng lực sản xuất nội địa có đáp ứng được không. Những nghiên cứu cho thấy năng lực sản xuất nguyên liệu địa phương chưa thể đáp ứng yêu cầu từ phía doanh nghiệp” – ông Anh nói.
Những nút thắt của doanh nghiệp xuất nhập khẩu không thể một sớm một chiều có thể tháo gỡ. Song, cơn đại dịch chắc chắn sẽ cho một kinh nghiệm để họ có thể ứng phó với các biến động của nền kinh tế sau này (nếu có xảy ra). Có thể hiểu, giữa thời điểm khó khăn này, vẫn còn nhiều doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu chính ngạch bởi họ không quá lệ thuộc sâu vào thị trường nào là chỉ dấu và sức ép, động lực cho các doanh nghiệp khác phải thay đổi. Đại dịch rồi sẽ chấm dứt. Khó khăn sẽ hết, sẽ mở ra một cuộc tái thiết cho doanh nghiệp.
Một thông tin đáng chú ý là ngày 30.3.2020, Hội đồng châu Âu đã quyết định phê chuẩn EVFTA. Dự kiến, Quốc hội nước ta sẽ chính thức phê chuẩn hiệp định này trong kỳ họp gần nhất.
Theo ông Nguyễn Thanh Quang – Phó Giám đốc Sở Công Thương, EVFTA sẽ tạo cú hích cho xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường rộng lớn EU, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản, cũng như những mặt hàng Quảng Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh. Đây là một trong những giải pháp quan trọng mà Chính phủ quyết tâm thúc đẩy nhằm tháo gỡ khó khăn khi mà nền kinh tế đang chịu những tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19.
Những mặt hàng truyền thống như dệt may, da giày, đồ gỗ… vốn là thế mạnh của Quảng Nam, bởi có lợi thế về nguồn nguyên liệu tương đối ổn định, đang được chính quyền quy hoạch các vùng nguyên liệu nông - lâm sản và cây công nghiệp lớn phục vụ xuất khẩu. Hiện EU là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất Quảng Nam.
Ông Lê Ngọc Trung - Giám đốc Sở NN&PTNT nói, hạn hán, dịch bệnh nếu khống chế nhanh thì ngành chăn nuôi, nông sản sẽ phục hồi và tăng trưởng ngay trong các quý sau. EVFTA sớm được thực thi thì hầu hết sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản, đồ gỗ sẽ có cơ hội nhập khẩu vào EU...