Tuyển sinh học nghề luôn gặp nhiều khó khăn, nhưng các trường nghề vẫn cố gắng thích ứng, tự lực tìm con đường đi trong thử thách.
Tuyển sinh suốt năm
“Dự kiến năm này sẽ tuyển sinh đạt hơn 50%, vẫn hơn năm 2013 (47%). Dù học nghề ra có việc làm tại chỗ trong khi hàng nghìn hồ sơ đại học thất nghiệp, nhưng học nghề vẫn bị xem nhẹ”- ông Nguyễn Tú, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Quảng Nam mở đầu câu chuyện tuyển sinh bằng nhận định khá bi quan.
Đi đến các trường THPT để tuyển sinh học nghề là cách mà nhiều trường nghề đang thực hiện. Ảnh: H.L |
Năm học 2014, Trường Cao đẳng Nghề Quảng Nam được UBND tỉnh giao chỉ tiêu tuyển sinh học nghề hệ cao đẳng và trung cấp là 650 người. Tính đến thời điểm này, nhà trường đã tuyển sinh được khoảng 30% chỉ tiêu. Ông Tú cho biết, trong năm 2014, Trường Cao đẳng Nghề tỉnh phân kỳ công tác tuyển sinh thành 3 giai đoạn. Từ tháng 3 đến tháng 5.2014, nhà trường cử bộ phận đến các trường THPT, làm việc với ban giám hiệu, họp phụ huynh học sinh, tham gia chào cờ đầu tuần ở các trường để định hướng nghề nghiệp cho học sinh (HS) lựa chọn. Giai đoạn 2 từ tháng 6 đến tháng 7.2014, làm việc trực tiếp với các địa phương, thông báo tuyển sinh rộng rãi trên hệ thống đài truyền thanh huyện. Giai đoạn 3 hiện nay đang thực hiện đến tháng 9.2014, làm việc với các doanh nghiệp nắm lại số lượng HS của nhà trường sau khi được tuyển dụng về hiệu quả công việc, nhu cầu lao động của doanh nghiệp thời gian tới, từ đó hai bên hợp tác ghi nhớ đào tạo và tuyển dụng trực tiếp sau khi ra trường.
“Khi định hướng nghề nghiệp cho HS, phụ huynh, chúng tôi rất chú trọng đến việc so sánh hiệu quả thực tế giữa việc học các ngành đại học với học nghề. Phải nói rằng, học đại học ra thất nghiệp nhiều, nhưng học nghề thường không đủ nguồn để doanh nghiệp đến tuyển người làm việc. Cách làm cũng đến tận nơi, nhưng dường như học nghề vẫn là lựa chọn cuối cùng của đa số HS và phụ huynh khi định hướng cho con cái” - ông Tú bộc bạch.
Bỏ học
Đối với Trường Trung cấp Nghề Nam Quảng Nam, đến nay nhà trường đã tuyển sinh đạt 80% chỉ tiêu (200 người), dự kiến sẽ đạt chỉ tiêu giao. Nhà trường không chỉ tuyển sinh khu vực huyện Núi Thành mà đến các huyện Bắc Trà My, Tiên Phước, Phú Ninh. Cách làm là đi đến từng thôn, khối phố nắm số lượng HS có nhu cầu học nghề, đồng thời định hướng nghề nghiệp để HS có trình độ học lực không thể thi đỗ các trường đại học có thể chọn học trường nghề. Ông Đặng Đôi - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Nam Quảng Nam, cho biết: “Tôi dám đảm bảo rằng HS học nghề ra trường có việc làm 100%, vì nhà trường có sự hợp tác với các doanh nghiệp trên địa bàn để tuyển dụng. Trong tuyển sinh học nghề nhà trường đã cố gắng để có thể tuyển sinh đủ chỉ tiêu. Tuy nhiên, khi tuyển đủ rồi thì vẫn phải vừa dạy vừa dỗ, nếu không các em bỏ học về hết vì điều kiện ăn ở tại trường chưa có. Các em ở Bắc Trà My xuống học là đồng bào dân tộc thiểu số, nếu như ăn ở không thuận tiện các em bỏ học về lại là chuyện bình thường. Hầu như năm nào ở trường cũng có chừng 20% HS bỏ học”.
Trường Trung cấp Nghề Bắc Quảng Nam hiện nay cũng đã tuyển sinh đạt 90% chỉ tiêu giao (200 chỉ tiêu), và hết tháng 9.2014 sẽ tuyển sinh đủ số lượng. Ông Trần Hữu Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Bắc Quảng Nam cho biết rằng nhà trường đã có nhiều biện pháp rất quyết liệt trong tuyển sinh, không chỉ hội đồng tuyển sinh của trường có trách nhiệm mà mỗi cán bộ, giáo viên cũng là một cộng tác viên tích cực. Mỗi người là một kênh tuyên truyền hiệu quả, bên cạnh là cách làm gõ cửa từng nhà, tư vấn cho từng HS lẫn phụ huynh khi đã nắm được những thông tin cơ bản nhất về đối tượng. Thông tin tuyển sinh được tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng ở các huyện, hệ thống loa truyền thanh ở các xã. Đồng thời nhà trường tập trung tạo thương hiệu bằng các biên bản ghi nhớ với doanh nghiệp để tuyển dụng sau học nghề, đảm bảo rằng người học không bị thất nghiệp.
Đối với miền núi, Trường Trung cấp Nghề Thanh niên dân tộc - miền núi Quảng Nam (đóng chân tại huyện Nam Giang), ngay từ đầu năm 2014 đã đến làm việc trực tiếp với các trường THPT ở các huyện Phước Sơn, Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang để tuyển sinh người học. Nhà trường căn cứ trên danh sách HS đã tốt nghiệp THPT, THCS, đến từng thôn, bản, nóc để tư vấn cho từng đối tượng về học nghề. Đặc biệt, trường có ký kết hợp đồng tuyển sinh với cán bộ xã, trưởng thôn, và HS đang học nghề tại trường vào dịp hè, xây dựng đội ngũ cộng tác viên tuyển sinh từ cơ sở và chi trả dựa trên số học sinh tuyển dụng được. “Nhờ các biện pháp này mà nhà trường đã tuyển sinh được 120 HS/150 chỉ tiêu giao, dự kiến đến hết tháng 9.2014 sẽ tuyển sinh đủ. Dù nhà trường đã rất cố gắng tạo điều kiện cho các em khi đến trường học được vui vẻ, có sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao thường xuyên, rồi luôn gần gũi tâm sự với các em để các em bớt nhớ nhà. Nhưng rồi các em vẫn nhớ núi, trở về với núi mà bỏ học giữa chừng. Hầu như năm nào cũng có HS bỏ học giữa chừng, ước mỗi năm khoảng trên 20%”- ông Nguyễn Quí Quý, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Thanh niên dân tộc - miền núi Quảng Nam cho hay.
HOÀNG LINH