Tài chính - Thị trường

Thích ứng với tiêu dùng xanh

VIỆT NGUYỄN 14/02/2024 08:28

Trong mua sắm, người tiêu dùng ngày càng coi trọng yếu tố xanh, thân thiện với môi trường. Muốn tồn tại trong xu thế đó, các cơ sở sản xuất, nhà bán lẻ đã phải “dịch chuyển” để thích ứng.

tnb-62112.jpg
Sản xuất nông sản sạch theo hướng hữu cơ là hướng đi đang được Quảng Nam khuyến khích hiện nay. Ảnh: Q.VIỆT

Từ thay đổi của người tiêu dùng...

Xu hướng tiêu dùng hiện nay chuộng các sản phẩm, dịch vụ xanh thân thiện với môi trường. Người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng và tiện dụng của sản phẩm, hàng hóa. Đặc biệt là những sản phẩm hướng đến bảo vệ sức khỏe, tái tạo năng lượng và bảo vệ sinh thái.

Trước đây thường dùng túi ny lon đi mua sắm, vài năm gần đây bà Phạm Hải My (ở khối phố Xuyên Trung, phường Cẩm Nam, TP.Hội An) chọn cho mình chiếc giỏ bằng mây tre đan mỗi khi đi chợ. Từ chỗ lạ lẫm ban đầu, theo thời gian, bà My quen dần và thấy vui với hành động đó của mình.

“Qua các đợt tuyên truyền ở địa phương, tôi hạn chế sử dụng túi ny lon vì biết được rằng nó gây hại cho môi trường sống của mình” - bà My nói.

Sử dụng thực phẩm an toàn, thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên và thân thiện với môi trường ngày càng phổ biến và trở thành xu thế tiêu dùng hiện đại.

Bà Trần Thị Trang Nga - phụ trách bếp ăn tập thể của một trường học trên địa bàn TP.Hội An cho biết, tổ chức bữa ăn bán trú, nhà trường ưu tiên sử dụng thực phẩm sản xuất thuần tự nhiên, nhất là các loại rau củ quả, hạn chế sử dụng thực phẩm công nghiệp.

tnb-62112-01.jpg
Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm, hàng hóa xanh, bảo vệ môi trường, sinh thái.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đã dành ra sự quan tâm lớn đến các sản phẩm, hàng hóa thân thiện với môi trường.

Tuy vậy, giá cả của các mặt hàng sạch, an toàn, nguồn gốc hữu cơ, tự nhiên thường cao hơn đến 20 - 30% so với các sản phẩm cùng loại. Đó đang là rào cản của tiêu dùng xanh.

...đến thích ứng và vận động chung

Ở Quảng Nam, đã xuất hiện trào lưu nông dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thay vào đó họ dùng các chế phẩm sinh học để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp thân thiện với sinh thái, bảo vệ người tiêu dùng.

Hiện nay, nhiều cơ sở, doanh nghiệp chế biến nông sản đã liên kết với nông dân canh tác rau quả hữu cơ, thu mua để sơ chế, cung ứng thị trường.

Chuỗi nông sản sạch ổn định đầu ra cho nông dân, giúp cơ sở chế biến có nguồn nguyên liệu chất lượng; sản phẩm khi ra thị trường khẳng định thương hiệu hàng hóa, tăng sức cạnh tranh; điểm đến cuối cùng là người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm sạch, an toàn và thân thiện môi trường.

Bà Nguyễn Thị Tiến - chủ hộ kinh doanh “Cô Một” (xã Bình Định Bắc, Thăng Bình) cho biết, các sản phẩm bột ngũ cốc, trà gừng, bột đậu xanh, bột đậu đỏ, đậu đen của cơ sở đều là sản phẩm xanh, sạch, giàu dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe người dùng. “Tôi từng ngày hướng tới chế biến thực phẩm xanh, sạch, an toàn, thuần thiên nhiên, bảo vệ môi trường” - bà Tiến nói.

Trong xu hướng “sống xanh”, người tiêu dùng ngày càng kỳ vọng nhiều hơn vào doanh nghiệp, nhà bán lẻ với các sáng kiến, hành động thiết thực nâng cao chất lượng hàng hóa và cải thiện sinh thái.

Các doanh nghiệp sản xuất, nhà bán lẻ trên địa bàn tỉnh đã nắm bắt được cơ hội từ nhu cầu tiêu dùng mới, nhanh chóng “dịch chuyển” trong hành động, đề ra mục tiêu phát triển bền vững. Như Co.opMart Tam Kỳ với chiến lược giảm nhựa trong bao bì, tiếp cận năng lượng bền vững, thân thiện với môi trường.

Tại nhiều diễn đàn, các chuyên gia cho rằng sản xuất và tiêu dùng xanh, bền vững là một quá trình lâu dài, cần nhiều hoạt động trao đổi, chia sẻ để thường xuyên thu hút được sự quan tâm của xã hội.

Đây là quá trình đòi hỏi sự tham gia của tất cả chủ thể trong xã hội, trong đó người tiêu dùng là nhân tố đóng vai trò quyết định khi vừa là đối tượng thụ hưởng vừa là động lực, mục tiêu để các doanh nghiệp, nhà sản xuất, bán lẻ hướng tới.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thích ứng với tiêu dùng xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO