Thiên lý trạm và quan báo trạm

PHÚ BÌNH 17/05/2020 06:29

Bản sách Đại Nam nhất thống chí (ĐNNTC), in chữ Nho, hiện lưu tại Thư viện Khoa học xã hội TP.Hồ Chí Minh với ký hiệu HNV-209 có đoạn nói về các nhà dịch trạm ở Quảng Nam xưa như sau: “Cựu: thiết phàm thất trạm tại thiên lý điều lộ. Tân: thiết phàm cửu trạm tại quan báo chư điều lộ” (Xưa lập 7 trạm trên đường thiên lý; sau mới lập thêm 9 trạm tại các đường quan báo).

Trung Phước - Đại Bình. Ảnh: PHÚ BÌNH
Trung Phước - Đại Bình. Ảnh: PHÚ BÌNH

Đến nay, ít người biết về các “quan báo trạm” này. Và, tư liệu liên quan đến hoạt động của bảy nhà dịch trạm trên đường thiên lý chạy qua tỉnh cũng rất hiếm gặp!

Chín trạm quan báo

Đó là các nhà dịch trạm thiết lập trên các đường “quan báo” nối nhiều địa phương trong tỉnh do triều Nguyễn lập từ khoảng cuối thế kỷ 19 - kể từ nơi bắt đầu là Hội An đến nơi xa nhất là Trà My. Xin mô tả theo ghi chép của bản sách ĐNNTC đã dẫn trên về các trạm này như sau:

Trạm Nam Cẩm đặt gần bên trụ sở Tòa Công sứ ở xã Hội An, tổng Phú Triêm Hạ, huyện Diên Phước. Trạm này được lập năm Thành Thái thứ 13 (1901). Cách đó khoảng 15 lý (lý: đơn vị đo chiều dài xưa; tương đương 0,5km -NV) về phía tây có trạm Nam Qua. Tên trạm này được đặt theo tên xã La Qua - lỵ sở của tỉnh thành Quảng Nam lúc ấy. Trạm này cũng được lập năm 1901. Một quan lộ dài khoảng 13 lý nối trạm La Qua với thiên lý trạm Nam Phước (nay gần ngã tư Nam Phước - huyện Duy Xuyên) vốn có từ trước.

ĐNNTC kể các trạm quan báo nối từ đường thiên lý (nay là Quốc lộ) lên phía tây, Tây Bắc, Tây Nam như sau: Cách trạm Nam Phước khoảng 33 lý là trạm Thu Bồn đặt ở xã Thu Bồn, tổng Mậu Hòa Trung, huyện Duy Xuyên. Cách trạm này khoảng 27 lý về phía đông có trạm Bảo An đặt tại xã Tân Phong, tổng Mậu Hòa Trung, huyện Duy Xuyên. Trước, trạm này đặt tại huyện Diên Phước, đến năm Thành Thái thứ hai - 1890 dời về chỗ hiện nay (Nguyên văn: “Bảo An trạm tại Duy Xuyên huyện, Tân Phong xã. Tây chí Thu Bồn trạm nhị thập thất lý hữu cơ. Nguyên thiết tại Diên Phước huyện, Thành Thái nhị niên di kim sở” - sách đã dẫn, trang 683). Chưa tra cứu được địa danh Tân Phong nay thuộc về địa phương nào trong phạm vi vùng đất Gò Nổi và hai bên con sông Thu Bồn xưa?

Cách trạm Bảo An khoảng 27 lý về phía tây là trạm Nam Trạch. Sách đã dẫn ghi trạm này được lập năm 1904 - tọa lạc ở xã Bàng Trạch, huyện Đại Lộc. Cách trạm này về phía tây khoảng 37 lý nữa là trạm Nam Thạnh, cũng lập năm 1904, đặt ở xã An Thạnh thuộc huyện Đại Lộc. Hai xã Bàng Trạch và An Thạnh trước thuộc tổng Đức Hòa Thượng huyện Hòa Vang, sau thuộc về huyện Đại Lộc (khi huyện này được lập). Sách Đồng Khánh địa dư chí có chỗ chép: “Một đường quan báo phía nam từ thôn Tân Mỹ Đông, huyện Duy Xuyên chạy đến phía bắc giáp cửa Hải Vân, huyện Hòa Vang”. Hẳn là ba trạm quan báo Bảo An, Nam Trạch và Nam Thạnh cùng nằm trên cung đường này?

Từ trạm Thu Bồn, có đường quan báo về phía Tây Nam dài 27 lý đến xã Trung Phước, tổng Quảng Đại Thượng, huyện Quế Sơn - nơi đặt trạm Trung Phước. Sách Đồng Khánh địa dư chí chép về một con đường nối huyện lỵ Duy Xuyên đến Quế Sơn như sau: “Một đường nhỏ từ huyện lỵ đi về phía nam đến giáp huyện Quế Sơn”. Đây có lẽ nói về đoạn đầu đường quan báo đến Trung Phước; đoạn sau - từ huyện lỵ Quế Sơn, qua Đèo Le đến Trung Phước - được ghi trong sách này trong đoạn nói về đường sá huyện Quế Sơn (nay chia thành hai huyện Quế Sơn và Nông Sơn).

Ở huyện Hà Đông phía nam của tỉnh, từ xưa đã có con đường đường từ Tam Kỳ lên phía tây; đến địa giới tổng Tiên Giang Thượng phân một nhánh rẽ hướng nam qua xã Bàn An (nay là xã Tiên An, huyện Tiên Phước); một nhánh kia qua đèo Liêu đến thôn Tà My (sau thường gọi là Trà My). Sách ĐNNTC đã dẫn chép về hai trạm đặt ở hai xã thôn này như sau: “Tà My trạm tại Hà Đông huyện, Tà My thôn. Đông chí Bàn An trạm nhị thập nhất lý hữu cơ. Thành Thái nhị niên (1890) kiến. Bàn An trạm tại Hà Đông huyện, Bàn An xã. Đông chí Nam Kỳ trạm, ngũ thập lý hữu cơ”.

Tư liệu về trạm Nam Kỳ

Có 7 nhà dịch trạm trên đường thiên lý qua Quảng Nam (kể từ Bắc vào Nam): Nam Chân (tên cũ: Chân Sảng), Nam Ổ (tên cũ: Câu Đê), Nam Giản (tên cũ: Miêu Bông), Nam Phước (tên cũ: Long Phước), Nam Ngọc (tên cũ: Hà Lam; sau dời về xã Ngọc Phô đặt tên là Ngọc Phô; sau đổi lại như trên), Nam Kỳ (tên cũ: Tam Kỳ), Nam Vân (tên cũ: Vân Trai). Mỗi trạm này cách nhau khoảng từ 32 lý đến 37 lý. Tên cũ của trạm chính là tên làng/xã nơi trạm tọa lạc. Các tên mới bắt đầu bằng chữ “Nam” có từ thời Minh Mạng. Ngoài hoạt động được ghi thông thường là “chuyển đệ công văn”, cách tổ chức của một nhà dịch trạm ít thấy tài liệu nào ghi lại. Người viết từng được một gia đình ở phường Hòa Hương, Tam Kỳ cho xem một tập tư liệu chữ Nho, trong đó có mấy văn bản liên quan đến nhà dịch trạm Nam Kỳ đặt ở xã Tam Kỳ, có nội dung như sau:

Văn bản ngày 19 tháng 2 năm Thành Thái nguyên niên (1889) kê danh sách 60 người dân xã Tam Kỳ được huy động làm việc ở nhà dịch trạm Nam Kỳ gồm: Dịch thừa: 1 người, Dịch mục: 1 người (Dịch thừa, Dịch mục: có lẽ là những người đứng đầu một trạm? - NV); 58 người còn lại được phân làm Trạm phu (phu chạy trạm), Độ phu (phu chèo đò), Phụ trạm (phu khiêng vác).

Văn bản ký ngày 5 tháng 2 niên hiệu Thành Thái 11 (1899) đóng dấu đỏ Quảng Nam - Quảng Ngãi Tổng đốc quan phòng cho biết trong số 50 dân phu ở các xã Tam Kỳ, Phương Hòa (ở tả ngạn sông Tam Kỳ) và xã Khương Mỹ (ở hữu ngạn) được kén chọn để giao nhiệm vụ (giản thuộc) làm việc ở trạm Nam Kỳ. Trong đó dân xã Tam Kỳ được chọn một người làm Dịch thừa, dân xã Khương Mỹ được chọn một người làm Dịch mục, số còn lại làm phụ trạm với việc chính là khiêng vác (võng đài).

Văn bản trình bày về “khổ tình” của dân phu ở trạm Nam Kỳ. Ảnh: PHÚ BÌNH
Văn bản trình bày về “khổ tình” của dân phu ở trạm Nam Kỳ. Ảnh: PHÚ BÌNH

Văn bản này cũng mô tả cảnh khó của lý dịch xã Tam Kỳ trong việc huy động dân phu đến làm việc ở trạm Nam Kỳ như sau: “Mỗi hữu quan binh đê đáo trạm xá, thừa mục trạm binh lũ lũ đào đóa, liên lụy vu dân xã sức bát bất phu. Hoặc cố tá tha nhân hoặc suất tương gia đệ. Da dĩ phân thụ ngân thuế, phân thụ giang độ, phụ nha tạp dịch, bồi trúc quan lộ, tài thụ nam mai, sưu dịch phiền trọng…” (Tạm dịch: Mỗi lúc có quan binh đến nghỉ ở trạm, bọn phu trạm nhiều lần lánh trốn khiến cho xã chúng tôi huy động người điền thế không đủ. Do vậy phải thuê người nơi xã khác hoặc nhiều khi phải đưa con em chúng tôi đến phục dịch thay cho kẻ trốn. Lại thêm dân xã đi làm phu trạm phải chịu thuế, phải lĩnh nhiệm vụ chèo đò đưa người qua lại nhà dịch trạm, lại phải làm bao việc tạp dịch, lại phải đi đắp đường cái, phải trồng cây mù u trên đường. Việc sưu việc dịch như đã kể trên thật là nặng nề và khổ sở).

Văn bản ngày 25 tháng 2 năm Thành Thái 16 (1905) là tờ đơn của lý dịch xã Tam Kỳ trình bày “khổ tình” của 23 dân địa phương bị huy động làm lính lệ và trạm phu tại trạm Nam Kỳ như sau: “Huống hựu mỗi mỗi sức bát quang gánh tạp dịch tại trạm. Nhật nhật thường bát phụ nghinh hóa hạng, phân thụ tạo biện quan độ tịnh phụ quan lộ kiều lương nhất đầu. Tam tứ dịch kham thụ phiền lao..” (Tạm dịch: Lại thêm thường xuyên làm việc khiêng vác tạp dịch tại nhà trạm. Ngày nào cũng phải khiêng đồ vật qua trạm, lại thêm phải chia đi làm việc vận chuyển ở bến đò Tam Kỳ, lại thêm đắp đường làm cống ở một đầu bên phía xã chúng tôi… Ba bốn việc phải nhận thật là phiền khổ).

Qua mấy văn bản trên có thể hình dung được phần nào về hoạt động của trạm Nam Kỳ ở Quảng Nam xưa và mối liên hệ về việc huy động phu trạm của nhà dịch trạm này với các xã lân cận.

(1) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thiên lý trạm và quan báo trạm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO