Tròn 10 tuổi, “chú lính chì” Thiện Nhân cùng mẹ nuôi Trần Mai Anh sắp trở lại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Quảng Nam, nơi đầu tiên chăm sóc và có một thời gắn bó với Thiện Nhân.
Thiện Nhân chơi thể thao. Ảnh: FB TRẦN MAI ANH |
Nhân chuyến trở lại của Thiện Nhân, ký ức xưa lại hiện về với các bác sĩ Khoa Phụ sản, BVĐK Quảng Nam. Một buổi tối tháng 7.2006, cả BVĐK Quảng Nam xôn xao vì hình ảnh một sinh linh nhỏ bé vừa mới ra đời đã bị cắt cụt cả chân và bộ phận sinh dục. Bác sĩ Đinh Thị Tố Trinh, trực lãnh đạo tặng khoảng 100ml máu B để chuyền cho cháu bé. Sau hơn 1 giờ rưỡi căng thẳng trong phòng mổ, bác sĩ Nguyễn Tải cũng hoàn tất những nốt khâu cuối cùng để chuyển sinh linh nhỏ bé ấy qua hồi sức. Sáng hôm sau, khá đông nhân viên y tế lẫn người nhà lo lắng thăm hỏi sức khỏe của cháu bé không biết có chịu nổi giai đoạn hậu phẫu nặng nề ấy không. Vậy mà, giống như có phép màu, cháu bé vẫn hồng hào và đầy sức sống chống chọi với nỗi đau đầu đời.
Sau 2 ngày tại phòng hồi sức, cháu bé được chuyển về Khoa Sản. Các thành viên đưa cháu vào một căn phòng tương đối đặc biệt, đó là ngay trong phòng trực trên tầng 2 để mọi người thay phiên nhau chăm sóc, cả trong lẫn ngoài giờ hành chính. Rất may, dù gặp nguy hiểm nhưng cháu bé không bị nhiễm trùng nặng nề như mọi người tiên lượng trước đó. Chuỗi ngày tiếp theo, một số tổ chức, cá nhân góp sữa để cùng Khoa Sản nuôi cháu bé; những bác sĩ và nữ hộ sinh thay phiên nhau bồng ẵm… Không có hơi ấm của mẹ và người thân, nhưng trong vòng tay thương yêu của các y, bác sĩ, cháu bé lớn từng ngày, các cô làm công tác thiện nguyện cũng tranh thủ cuối tuần chạy qua chơi với bé.
Gần 30 ngày trôi qua, các bác sĩ trong khoa lại họp bàn làm cho bé một lễ đầy tháng: phân công người nấu xôi, chè, bánh trái, cắm hoa và cả người đứng cúng lễ đặt tên. Với mong muốn cháu bé lớn lên sống đúng nghĩa của một con người, nhiều bác sĩ khác góp ý, và cháu bé có số phận đặc biệt ấy có một cái tên đẹp và lành: Thiện Nhân. Hai tháng sau đó, khi bé cứng cáp, Khoa Sản lại chuyển bé về nhà cho bà ngoại của bé… Rồi sau đó, cháu được chị Trần Mai Anh (Hà Nội) nhận nuôi. Vậy mà đã 10 năm. Để được sinh hoạt, học tập, vui chơi như những đứa trẻ bình thường, mẹ Trần Mai Anh và Thiện Nhân đã trải qua một hành trình dài vất vả.
Cuộc đời có những duyên phận nhất định. Số phận run rủi cho bé Thiện Nhân gặp được mẹ Trần Mai Anh và cuộc đời chuyển sang bước ngoặt mới. Thiện Nhân lớn lên trong sự yêu thương vô bờ bến của mẹ nuôi. Chúng tôi thật sự ngưỡng mộ người mẹ mới của Thiện Nhân. Cô ấy đã chở Thiện Nhân trên đôi vai gầy guộc nhỏ bé đi khắp nơi để lấy lại những gì đã mất cho con. Và rồi, Thiện Nhân đã gặp các bác sĩ nổi tiếng thế giới giúp đỡ chú lính chì dũng cảm ấy quay về với đúng nghĩa của một nam nhi. Không những vậy, lửa Thiện Nhân còn lan truyền hơi ấm sang các bạn nhỏ bất hạnh khác. Chị Trần Mai Anh và những người bạn của cô ấy đã thực hiện những chuyến đi đầy ý nghĩa cho cộng đồng và xã hội. Bộ phim Lửa Thiện Nhân từng “cháy” vé trong các rạp ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh. Các bác sĩ ở Khoa sản BVĐK Quảng Nam cũng đã được đạo diễn Đặng Hồng Giang ưu tiên cho xem phim trước khi công chiếu.
Những ngày này, khi Thiện Nhân sắp tròn 10 tuổi và chuẩn bị cho về lại BVĐK Quảng Nam, chúng tôi, người trong cuộc, lại dâng trào cảm xúc và kể chuyện này với mong muốn Lửa Thiện Nhân luôn cháy mãi...
BS. NGUYỄN THỊ KIỀU TRINH
(Phụ trách Khoa Phụ sản - Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam)