Thiên tai và nhân tai

NGUYỄN ĐIỆN NAM 16/09/2018 03:53

Thiên tai là do trời tạo.

Nhân tai là do người làm.

Những sự tai hại do thiên tai hay nhân tai gây ra cũng đều để lại hậu quả khó lường không chỉ ở thời hiện tại mà còn ảnh hưởng tới tương lai.

Như Việt Nam ta, được tạo hóa ưu đãi bao thắng cảnh thiên nhiên, sinh cảnh đa dạng, nhưng mắc phải “lời nguyền địa lý” của dải đất dễ bị tổn thương vì thiên tai. Quan sát tình hình mấy tháng qua thì rõ, trong khi miền Trung nắng nóng thì miền Bắc và miền Nam lụt lội, lở núi, lở sông, ngập đồng, trôi nhà trôi cửa, chết người, mất của…

Gió bão cũng rập rình, ngửa mặt ra Biển Đông mà hứng chịu. Biến đổi khí hậu cũng đã hiện hữu, rõ nhất là hiện tượng thời tiết cực đoan, có khi một ngày mà trải đủ cảm giác bốn mùa. Ứng phó với thiên tai là chuyện thường trực như cơm bữa, và cuộc sống người Việt thường phấp phỏng lo âu, mang tư thế phòng bị cầu an “ăn bữa nay lo bữa mai”.

Trời hại thì thôi đành, người hại mới đáng nói. Nhân tai bắt đầu khi con người can thiệp thô bạo vào tự nhiên, muốn chinh phục thiên nhiên chứ không phải hòa vào đó mà sống, mà tôn tạo không gian sinh tồn bền vững.

Rõ nhất là câu chuyện làm thủy điện, cái lợi trước mắt là được nguồn năng lượng, nhưng tác hại lâu dài thì khôn lường.

Những cơn lũ quét dữ dội xuất hiện ít nhiều có liên quan đến việc thủy điện xả lũ khẩn cấp. Mùa lụt bất thường ở đồng bằng sông Cửu Long, có ảnh hưởng từ thủy điện xả lũ trên dòng Mê Kông. Nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế chỉ ra rằng các bậc thang thủy điện thượng nguồn đã dẫn đến những tác động môi trường đối với châu thổ sông Mê Kông nói chung và đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long, làm thay đổi chế độ dòng chảy ở hạ lưu, tạo nên “lũ xấu”. Theo PGS-TS. Đào Trọng Tứ, nguyên Phó tổng thư ký Ủy ban sông Mê Kông, khi một dòng sông bị chia cắt và bị chặn để xây đập với tổng chiều dài dòng chảy biến thành các dạng nước chảy lững lờ từ 30% trở lên thì con sông đó được gọi là vỡ vụn, môi trường, sinh thái sông bị tác động mạnh.

Chuyện gần hơn là cảnh báo thường xuyên về an toàn của 7.000 đập thủy điện và hồ chứa thủy lợi lớn nhỏ ở trong nước. Đặc biệt, vùng nào có hệ thống thủy điện dày đặc thì nhiều con sông bị chết, trơ đáy mùa nắng nóng và cuồn cuộn lũ ống vào mùa mưa. Sinh cảnh rừng bị xâm hại, gỗ rừng bị chặt phá, thậm chí tận dụng hồ thủy điện để vận chuyển gỗ còn “khỏe” hơn. (Ví dụ mới nhất là ngày 10.9, ở Bắc Trà My, Quảng Nam phát hiện có người vận chuyển 1,624 mét khối gỗ, gồm sến, chò nâu không có dấu búa kiểm lâm, không có nguồn gốc hợp pháp. Số gỗ trên được các đối tượng khai thác trong rừng, sau đó vận chuyển bằng thuyền theo lòng hồ thủy điện đưa ra ngoài rồi dùng ô tô chở đi tiêu thụ). Thủy điện còn gây ra nhiều hệ lụy với đời sống kinh tế xã hội như thu hẹp đất sản xuất của đồng bào miền núi, làm họ khổ sở trần ai với tái định cư, mất sinh kế từ rừng và sông suối. Loạt bài “Hậu tái định cư thủy điện: Gánh nặng cho miền núi” đăng tải trên Báo Quảng Nam suốt tuần qua, cho thấy những ảnh hưởng xấu đó. Cũng từ loạt bài này, lời cảnh báo vẫn còn nguyên tính thời sự và mong sao dừng việc làm thủy điện. Như ông Lê Trí Thanh - Phó chủ tịch UBND tỉnh từng nhận định: “Chúng ta nóng vội phát triển thủy điện nên thời gian đầu chúng ta gặp nhiều bất cập. Chính vì vậy nên đã để lại những hệ quả lâu dài, đến bây giờ vẫn phải khắc phục. Tỉnh Quảng Nam sẽ tiến hành rà soát lại các thủy điện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, giảm thủy điện lại, không phát triển thêm trong thời gian tới”.

Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Cần thực hiện nghiêm điều đó để hạn chế rủi ro và tác động tai hại do chính con người gây ra.

NGUYỄN ĐIỆN NAM

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thiên tai và nhân tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO