Phiên bản tượng “Thiên thần” bằng thạch cao của nhà điêu khắc Ý Antonio Canova từ thế kỷ 18 sẽ được công bố vào ngày 28.10 tại nhà hát Tefaf New York, Hoa Kỳ.
Phiên bản tượng “Thiên thần” của Antonio Canova. |
Nhà điêu khắc Ý Antonio Canova, lúc sinh thời chỉ làm một vài phiên bản bằng thạch cao các bức tượng bằng đá cẩm thạch của ông để làm quà tặng cho bạn bè và khách hàng quen thuộc. Phiên bản “Thiên thần” trưng bày trước công chúng lần này là một trong những tác phẩm thạch cao, vốn đã hoàn chỉnh, từ lâu nay bị lãng quên tại một biệt thự gần Florence. Dáng tượng thể hiện một thiên thần không cánh, cao khoảng 1,50 mét, một tay chạm vào trán trong một cử chỉ đau buồn. Dấu vết thời gian vẫn còn có thể nhìn thấy được trên bề mặt bức tượng cùng với những đường viền nhạt từ khuôn đúc thạch cao. Người điều hành phòng tranh Trinity Fine Art ở Milan tìm thấy tác phẩm điêu khắc này trong một biệt thự ở miền bắc nước Ý, chủ nhân biệt thự xưa kia là người bạn thân của Canova. Trinity Fine Art đã bán nó với giá 4 triệu USD. Fernando Mazzocca, một nhà sử học nghệ thuật tại đại học Milan chuyên về Canova, nói rằng tác phẩm điêu khắc thạch cao như “Thiên thần không cánh” là khá hiếm.
Nhà điêu khắc Ý Antonio Canova (1757 - 1822) là nhân vật hàng đầu trong phong cách tân cổ điển đã thống trị nghệ thuật vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19. Ông được coi là nhà điêu khắc xuất sắc nhất ở châu Âu. Ông thể hiện tài năng điêu khắc trong khi vẫn còn rất trẻ và năm 1774 đã có xưởng điêu khắc riêng ở Venice, nơi ông vẽ chân dung và thực hiện tác phẩm điêu khắc cho giới quý tộc người Venezia. Năm 1779 Canova rời Venice đi du lịch và nghiên cứu ở miền nam nước Ý, trong 2 năm sau ông làm việc ở Rome và thăm Herculaneum và Pompeii, các thành phố cổ La Mã đã được khai quật vào giữa thế kỷ 18. Từ 1781 trở đi, ông lên làm việc tại Rome.
Khi Canova đạt được sự trưởng thành như một nhà điêu khắc, phong cách nghệ thuật tân cổ điển đã đạt được sự thành công gần như hoàn hảo trong hội họa, điêu khắc, kiến trúc và trang trí. Niềm đam mê nghệ thuật cổ xưa của Canova và nghiên cứu của ông về nó, kết hợp với tài năng đặc biệt và hương vị thời đại, đã dẫn ông tới đỉnh cao, như một nhà lĩnh xướng chủ nghĩa tân cổ điển trong nghệ thuật điêu khắc. Tượng ông trở nên phổ biến đến nỗi ông sử dụng rất nhiều trợ lý và kỹ thuật giả kim trong điêu khắc. Phong cách nghệ thuật của Canova bắt nguồn cụ thể và trực tiếp từ các tác phẩm điêu khắc Hy Lạp và La Mã cổ đại, và chủ đề của ông thường được lấy từ thần thoại cổ điển. Tác phẩm Perseus (1801) phản ánh tính cổ điển và lý tưởng hóa của ông, thể hiện trong sự hài hòa về tỷ lệ, đường nét rõ ràng, mô hình mịn và các bề mặt bóng mượt. Hai tác phẩm nổi tiếng và điển hình mà ông tạo ra cho gia đình Bonaparte là các bức tượng đá cẩm thạch Napoleon.
Canova đã tạo ra một cách nhìn lý tưởng về vẻ đẹp của con người cổ điển, tạo ảnh hưởng mạnh mẽ đến điêu khắc và học thuật thế kỷ 19. Tuy nhiên cuối thế kỷ này, tác phẩm của Canova đã bị chỉ trích gay gắt là lạnh lùng, vô hồn, vô cảm và là một sự bắt chước của nghệ thuật cổ đại. Tác phẩm điêu khắc của Canova được đánh giá cao trở lại trong thế kỷ 20, và những nghiên cứu gần đây, khách quan hơn về toàn bộ phong trào tân cổ điển, có xu hướng khôi phục lại danh tiếng và nghệ thuật của Canova.
TRỊNH HOÀNG
(Theo New York Times)