“Thiên tửu” của người Ca Dong

HOÀNG THỌ 13/07/2013 15:01

Mùa hạ là thời điểm người Ca Dong ở vùng rừng núi Trà My bắt đầu phát dọn nương rẫy để chuẩn bị mùa tỉa hạt, cũng là lúc cây đoác trong rừng trổ bông và cho loại rượu đoác - “thiên tửu” của thiên nhiên ban tặng cho dân làng giải khát...     

Khai thác rượu đoác

Rượu đoác, tiếng Ca Dong nghĩa là hà nót được người Ca Dong ở Nam - Bắc Trà My khai thác quanh năm. Tuy nhiên, theo các già làng loại “thiên tửu” này, thơm ngon nhất vẫn là vào mùa cây đoác trổ bông. Rượu đoác được khai thác nhiều nhất là tại các xã Trà Giáp, Trà Giác, Trà Ka của huyện Bắc Trà My. Đây là vùng nổi tiếng về nghề khai thác cũng như kỹ thuật lấy rượu đoác được lưu truyền từ đời này đến đời khác. Chúng tôi được các anh Bình, Hùng và Dũng ở xã Trà Giáp, cho đi “mục sở thị” việc khai thác rượu đoác. Anh Bình cho biết, bà con ở đây khi phát nương tỉa rẫy đều dọn dẹp hết cây cối, thực bì, riêng cây đoác thì giữ lại và phải chăm sóc vì đó là món quà quý giá mà rừng núi ban tặng cho dân làng.

Anh Dũng đang lấy rượu trên cây đoác.
Anh Dũng đang lấy rượu trên cây đoác.

Quả thật, trên đường vào rừng, từ xa nhìn về phía các quả núi đâu đâu cũng thấy bóng cây đoác. Đây là loại cây thuộc họ dừa, cao khoảng hơn 10m, đường kính chừng 0,5m. Bông cây đoác trổ từng buồng giống như buồng cau. Anh Bình cho biết là rượu đoác được lấy từ hoa, đọt, buồng quả, hoặc khoét vào thân cây nhưng ngọt và thơm ngon nhất vẫn là lấy từ buồng quả. Để lấy được rượu đoác cũng là một quá trình hết sức gian nan. Đầu tiên phải chặt cây lồ ô làm giàn trèo lên tận ngọn cây đoác cao vời vợi. Giàn phải làm kiên cố để đảm bảo an toàn và sử dụng lâu dài. Sau đó dùng dao sắc nhọn cắt một phần gốc buồng quả hoặc khoét vào ngọn cây đoác và dùng ống lồ ô dài chừng 2m được đục thông mắt để chứa rượu đoác nhỉ ra. Từ vị trí cắt vào thân cây đoác đặt một đoạn lá khô để dẫn nước rượu chảy thẳng vào ống lồ ô nằm phía dưới. Nhiều cây đoác to cao có thể sử dụng tới 2 ống lồ ô mới chứa hết rượu tiết ra từ thân cây. Khi được cắt vào thân, khoảng một tuần lễ sau, cây đoác bắt đầu tiết ra rượu. Chúng tôi được anh Dũng cho trèo lên tận ngọn cây đoác để xem quy trình lấy rượu. Anh Dũng cho biết, cây đoác đang mùa ra bông nên rượu đoác rất ngọt. “Việc lấy rượu đoác cũng đơn giản. Sáng sớm mình phải lên cắt bỏ một lát mỏng cuống hoa để nước tiết ra nhiều hơn và không bị chua. Chỉ cần siêng năng một chút là mỗi ngày, có thể lấy 2 can rượu đoác/cây đem về thưởng thức. Nếu một ngày mình cắt nhiều lần thì rượu sẽ thơm ngon hơn” - anh Dũng tiết lộ.

Thưởng thức rượu đoác.
Thưởng thức rượu đoác.

Rượu của “trời cho”

Chiếc can nhựa 5 lít chứa đầy rượu đoác từ trên ngọn cây cao được cột dây thòng xuống đất. Các anh Bình, Hùng và Dũng đãi chúng tôi thứ “thiên tửu” ngay tại rừng để thưởng thức. Rượu đoác có màu trắng đục như nước vo gạo, trên bề mặt nổi một lớp bọt giống như bọt bia. Lần đầu tiên uống và cảm nhận được hương vị tuyệt vời của loại rượu thiên nhiên, chúng tôi thấy rượu đoác có vị ngọt, có gas như bia. Dưới cái nắng nóng của ngày hè, nhấm nháp từng ngụm rượu đoác ta nghe cảm giác mát lạnh xua tan cơn khát cũng như sự oi bức khó chịu. “Người lớn uống chừng 1 lít là say ngay. Mùa này trời nắng nóng nên khi đi rẫy dân làng mang theo uống chừng chừng để giải khát, rất đã. Thường thì bà con ở đây lấy trái bắp non đem nướng làm mồi nhắm càng làm cho mùi thơm của rượu đoác trở nên quyến rũ. Loại rượu này ưng uống ngon nữa thì cho thêm đá lạnh vào sẽ có cảm giác như uống bia hơi. Đã khát mà lại không tốn tiền” - anh Hùng bảo với chúng tôi.

Di thực cây đoác non về trồng trong làng.
Di thực cây đoác non về trồng trong làng.

Rồi vui chuyện, anh Hùng cho biết thêm, khi uống “thiên tửu” chừng 30 phút sau  sẽ thấy người lâng lâng và rất buồn ngủ - đó là lúc rượu đã ngấm. Nhiều người đi lấy rượu đoác ở xa làng, trên đường khát nước nên họ uống nhiều, bị say đành phải dựa lưng vào gốc đoác ngủ một giấc, tỉnh dậy mới về. Điều đặc biệt khi uống rượu đoác sẽ không bị nhức đầu. Hiện nay, nhiều hộ dân ở Trà Giác đã di thực cây đoác con về trồng gần nhà để tiện việc lấy rượu sau này. “Người Ca Dong ở đây xem rượu đoác là “thiên tửu” - đặc sản mà thần núi ban tặng. Không hề có chuyện buôn bán loại rượu này, bà còn chủ yếu dùng giải khát khi làm nương rẫy và đãi khách quý. Tiếc là loại rượu đoác này không thể mang đi xa được vì nó sẽ lên men và bị chua rất khó uống” - anh Bình cho hay. Anh cũng chia sẻ là cây đoác mọc ở nhiều nơi chứ không riêng gì vùng núi Bắc Trà My. Ở các xã Trà Dơn, Trà Mai, Trà Leng của huyện Nam Trà My cũng có rất nhiều cây đoác cao to nhưng người dân ở đó  không biết cách lấy rượu. “Mấy năm trước người dân Trà Leng xuống thuê chúng tôi lên bày cách khai thác rượu đoác. Họ chấp nhận trả công bằng quế, trâu, bò...  để được truyền bí quyết lấy “rượu trời cho”. Theo anh Bình, vào mùa lễ hội đâm trâu huê hay cúng máng nước (tháng giêng) nếu lấy được rượu đoác về đãi khách thì không còn gì sánh bằng.

Qua chuyến đi thực tế để “mục sở thị” việc lấy rượu đoác cùng với người dân bản địa, chúng tôi mới thấy hết cuộc sống hoang sơ mang đậm bản sắc miền núi bên dòng Nước Vin. Thiên nhiên đã ban tặng cho người Ca Dong những sản vật ít nơi nào có được. Trong đó, rượu đoác có hương vị thơm ngon tuyệt vời. Loại “thiên tửu” này đã giúp cho những giọng hát ting ting vươn xa và những nhịp cồng chiêng trở nên ngân vang hơn để người Ca Dong ở các bản làng xích lại gần nhau và cùng chung tay gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống ngàn đời.

HOÀNG THỌ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
“Thiên tửu” của người Ca Dong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO