(QNO) - Câu ca "Dù ai đi ngược về xuôi. Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba" nằm đâu đó trong thẳm sâu tiềm thức chợt vang tha thiết mà thôi thúc trong lòng mỗi khi đến mùng 10.3 âm lịch. Những con dân Việt, nếu không thể làm một cuộc hành hương về đền thờ các vua Hùng (xã Hy Cương, TP.Việt Trì, Phú Thọ) để dâng lễ, chiêm bái, đã chọn cách cẩn trọng dọn mình và hướng vọng về phía núi Nghĩa Lĩnh linh thiêng...
1. Cách đây gần 10 năm, lần đầu tiên tôi được đặt chân đến đất thiêng Phong Châu, Phú Thọ. Đó không phải là một chuyến đi được định trước, càng không phải là một cuộc hành hương, mà chỉ là một sự tình cờ, đầy ngẫu hứng.
Sau khi ghé thăm vài người bạn ở Việt Trì, đi xem rừng cọ cổ thụ ở một xã khá xa thành phố, một ai đó chợt bảo: "Đã đến đây rồi mà không đi viếng Đền Hùng thì e là thất lễ". Vậy là đi.
Hôm đó, một ngày mùa hè, Lễ hội Đền Hùng đã khép lại trước đó vài tháng. Thế nhưng, dòng người đổ về đây vẫn khá đông. Không có những mâm lễ đầy vun, tươm tất như tôi được nhìn thấy trong lần trở lại Đền Hùng vào đúng ngày Quốc giỗ mấy năm sau đó, nhưng hầu như ai đến đây cũng đều mang theo nhang đèn, phẩm vật.
Chúng tôi cũng ghé vào một quầy hàng dưới chân núi mua nhang đèn, không phải để cho giống với bao nhiêu người khác, mà vì giữa vùng "tam sơn cấm địa" này, bao trùm lên tất cả là sự oai linh đến kỳ lạ, khiến cho ai cũng tự nhận thấy mình phải có bổn phận tỏ lòng thành kính với tiền nhân, trước thiêng liêng máu thịt cội nguồn...
Hành trình tâm linh về với cội nguồn dân tộc, không phải, không chỉ được thực hành trong ngày chính giỗ mà diễn ra thường xuyên, liên tục, bất tận. Giữa u tịch rừng già, trong huyền hồ sương núi, bên những ngôi đền nhuốm màu thời gian, những người hành hương hầu như không hề nói chuyện, hoặc chỉ thỉnh thoảng mới trao đổi với nhau vài lời, rất nhỏ. Chỉ có tiếng khấn vái rầm rì, và khói nhang quánh đặc. Khói nhang, tự bao giờ đã trở thành sợi dây kết nối tâm linh, kết nối tâm thức con người hiện tại với những ngày xưa xa tít...
Trong lần hành hương về Đền Hùng sau này, đúng ngay vào chính giỗ, người hành hương ken kín lối đi, nhưng vẫn vẹn nguyên bầu không khí ấy. Yên lặng, trật tự, tôn kính. Chỉ khói nhang thì dường như quánh đặc hơn, không chỉ ở các sân đền mà còn ở khắp các gốc cây, hốc đá.
2. Khi hành hương về Đền Hùng, mỗi người có 3 lựa chọn, tùy vào sức khỏe của mình mà có thể dâng hương, hành lễ tại cả 3 ngôi đền Thượng, Trung, Hạ hoặc ít hơn.
Bởi lẽ, đường đến với mỗi ngôi đền ở đây đều là những thách thức. Từ chân núi, sau khi bước qua cổng đền, muốn lên dâng lễ tại Đền Hạ, phải leo lên 225 bậc đá. Đền Trung thì xa và cao hơn, thêm 168 bậc nữa. Và thử thách lớn nhất là Đền Thượng, còn có tên là "Cửu trùng tiên điện" (Điện giữa chín tầng mây), nằm ở chóp núi với độ cao 175 mét so với mực nước biển, phải leo tổng cộng 495 bậc đá.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát do Ban Quản lý Khu di tích Đền Hùng đưa ra trong dịp Quốc giỗ cách đây mấy năm lại khá thú vị: Rất hiếm có người bỏ cuộc nửa chừng khi hành hương về Đền Hùng. Tức là, khi về với núi thiêng Nghĩa Lĩnh, hầu như ai cũng đi viếng, dâng lễ cho kỳ hết cả 3 ngôi đền...
Trong chuyến hành hương về Đền Hùng dịp Quốc giỗ năm 2017, tôi đã được trò chuyện với nhiều vị khách hành hương, nhất là các vị khách cao tuổi, mới hay có một sự huyền nhiệm không ngờ. Họ bảo, từ chân núi lên Đền Hạ thì vừa đủ mệt. Nhưng dâng lễ xong thì sự mệt mỏi ngay lập tức tan biến, cái còn lại không gì khác ngoài cảm giác ấm áp linh thiêng, để lòng lại giục lòng bước tiếp. Cứ thế, tuần tự, sức lực, sự tin yêu và lòng thành kính lại được đắp bồi, để rồi Đền Thượng cao chót vót trong mấy kia không phải là một đích đến tâm linh bất khả.
Phải chăng, khi xây dựng 3 ngôi đền ở 3 độ cao khác nhau, tiền nhân vừa muốn thử lòng, thử sức hậu thế, vừa nêu ra một triết lý sống, thể hiện một cách hành xử thuận tự nhiên: Đường đến với chân lý, với niềm tin linh thiêng không bao giờ bằng phẳng, phải trải qua nhiều chặng. Và trên hành trình ấy luôn có những "điểm dừng"?
3. Ngoài không gian linh thiêng tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tại các địa phương trên cả nước cũng có hàng trăm khu thờ vọng các vua Hùng. Đây không chỉ là một cách để thỏa mãn nhu cầu tâm linh của cộng đồng mà còn là cách để kết nối các thế hệ người Việt hướng về cội nguồn dân tộc.
Tại nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có Quảng Nam, nhiều tộc họ thay vì tổ chức lễ giỗ gia tộc vào tháng chạp hoặc tháng giêng âm lịch như trước đây, nay đã chọn mùng 10.3 để làm lễ giỗ. Trong cội nguồn tộc họ có thiêng liêng cội nguồn dân tộc.
"Dù ai đi ngược về xuôi. Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba". Câu ca đã, đang và vẫn luôn là một sự nhắc nhớ, làm sâu thêm tâm thức cội nguồn. Nếu không về được Hy Cương, không thể đặt chân lên núi thiêng Nghĩa Lĩnh, một nén nhang xa ngưỡng vọng cũng đã là một vẹn tròn, góp phần bồi dựng cốt cách tâm hồn Việt.
Với sự trao truyền ấy và với tâm thức ấy, Giỗ Tổ Hùng Vương - trong tầm vóc của một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại với những giá trị nhân văn vừa mang tính phổ quát vừa mang tính đặc trưng, sẽ mãi là một mỹ tục, một nghi thức tâm linh, một nét văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam...